BDK - Ðể giúp học sinh “gen Alpha” nâng cao năng lực, kỹ năng sống và học tập an toàn, hiệu quả trong môi trường số, từ đầu năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) triển khai thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số cấp tiểu học tại 18 cơ sở giáo dục trong tỉnh. Ðây là hành trang cần thiết để các em trở thành công dân có trách nhiệm, an toàn và hiệu quả khi tham gia không gian số.
Giáo dục kỹ năng công dân số giúp học sinh tương tác an toàn, hiệu quả trên không gian mạng. Ảnh: Phan Hân
Kỹ năng bắt buộc
Các nhà nghiên cứu và phương tiện truyền thông phổ biến xem những đứa trẻ sinh ra từ những năm đầu thập niên 2010 đến những năm đầu thập niên 2020 là nhóm thế hệ “gen Alpha”. Các đứa trẻ thuộc thế hệ này sinh ra và lớn lên được xem như là một Digital Native (người bản địa kỹ thuật số), giải trí bằng cách sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng và thiết bị điện tử thông minh khác.
Trong thời đại công nghệ 4.0, kỹ năng công dân số là yếu tố thiết yếu cho mọi thế hệ. Đặc biệt, đối với học sinh tiểu học đang bắt đầu khám phá, sử dụng công nghệ thông tin (CNTT). Nếu không được định hướng, học sinh rất dễ vướng phải những rủi ro, nguy hiểm trực tuyến, những nội dung xấu độc từ người lạ. Giám đốc Sở GD&ĐT La Thị Thúy cho biết: Chương trình giáo dục kỹ năng công dân số được tổ chức nhằm giúp học sinh phát triển và ươm mầm đam mê khoa học, công nghệ, có cơ hội thể hiện sự sáng tạo với nhiều điều bất ngờ, thú vị. Nội dung giáo dục kỹ năng công dân số dành cho cấp tiểu học, gồm: Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 môn Tin học cấp tiểu học và các nội dung được xác định dựa trên khung năng lực số dành cho học sinh cấp tiểu học.
Đến thời điểm hiện nay, đối với các trường được chọn làm thí điểm đã thực hiện các nội dung dạy học môn Tin học thực hiện theo Chương trình GDPT 2018. Các trường chú trọng rèn kỹ năng thực hành cho học sinh, thực hiện tích hợp giáo dục kỹ năng công dân số trong dạy học các môn học: Đạo đức, Tự nhiên xã hội, Lịch sử và Địa lí, Tiếng Việt, Toán… Thành lập Câu lạc bộ Tin học trong nhà trường.
Kỹ năng sử dụng an toàn
Một trong 18 trường thực hiện thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số, Trường Tiểu học An Hiệp, huyện Châu Thành vận dụng các phương pháp giáo dục và hình thức tổ chức dạy học linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục. Nhà trường chủ động phối hợp với những môn học khác để đạt hiệu quả trong dạy học liên môn và theo định hướng giáo dục STEM.
Em Trần Lê Chiêu Nhi - học sinh lớp 51, Trường Tiểu học An Hiệp rất thích thú môn Tin học và các định hướng giáo dục kỹ năng công dân số của nhà trường. Chiêu Nhi cho biết: “Nội dung giáo dục kỹ năng công dân số rất bổ ích, giúp em hiểu đúng và sử dụng thiết bị điện thoại thông minh, máy tính phục vụ hiệu quả việc học. Em biết được địa chỉ tra cứu bổ sung kiến thức và tránh các đường link xấu độc”. Làm chủ được CNTT, Chiêu Nhi tích cực tham gia các cuộc thi online, thực hành thành thạo các bài tập trên lớp thông qua màn hình thông minh. Em còn hướng dẫn ông bà sử dụng điện thoại và đọc thông tin, tra cứu khi cần thiết.
Căn cứ vào chương trình tổng thể, giáo viên Trường Tiểu học An Hiệp tập trung vào nội dung thuật toán, lập trình, các chủ đề “Đạo đức, pháp luật và văn hóa trong môi trường số”, “Ứng dụng CNTT trong môi trường số”, tạo ra nhiều tình huống bộc lộ được phẩm chất qua cách ứng xử. Qua đó, hình thành và phát triển 5 thành phần năng lực CNTT: sử dụng và quản lý các phương tiện CNTT, ứng xử phù hợp trong môi trường số, giải quyết các vấn đề với sự hỗ trợ của công nghệ số, ứng dụng công nghệ số và truyền thông số trong học tập, hợp tác trong môi trường số thông qua các chủ đề nội dung.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hiệp Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: “Giáo dục kỹ năng công dân số là việc tích hợp, ứng dụng công nghệ số hay phần mềm, ứng dụng vào việc giảng dạy ở các môn học. Đây là một chương trình giáo dục rất hay, giúp học sinh phát triển 3 năng lực “tự chủ và tự học”, “giao tiếp và hợp tác”, “giải quyết vấn đề và sáng tạo”. Đồng thời, tránh được những nguy hiểm trong thế giới trực tuyến”.
Để nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên về vị trí, vai trò và ý nghĩa của giáo dục kỹ năng công dân số trong thực hiện Chương trình GDPT cấp tiểu học, Phòng GD&ĐT huyện Châu Thành đã hướng dẫn triển khai thực hiện giáo dục cấp tiểu học và chọn 2 trường (Tiểu học Tân Thạch A và Tiểu học An Hiệp) thực hiện thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số. Đồng thời, khuyến khích các trường còn lại triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện của nhà trường từ năm học 2024 - 2025.
Tại TP. Bến Tre, trên cơ sở khung NLS (Digital Literacy) dành cho học sinh phổ thông nói chung và cấp tiểu học nói riêng, Phòng GD&ĐT TP. Bến Tre chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch dạy học các môn học tích hợp giáo dục kỹ năng công dân số, thực hiện ở các môn học, các khối lớp. Thực hiện giáo dục kỹ năng công dân số bằng các hình thức: tích hợp trong dạy học các môn học, dạy học tăng cường thành lập câu lạc bộ cho các khối lớp phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường.
“Sau thời gian triển khai, giáo dục kỹ năng công dân số đã giúp học sinh trang bị những hiểu biết cơ bản về CNTT, Internet và các kỹ năng sử dụng an toàn, hiệu quả trong môi trường số. Các em rèn luyện được các kỹ năng cụ thể như: tìm kiếm thông tin, giao tiếp trực tuyến, sử dụng các công cụ công nghệ và bảo vệ bản thân khỏi các nguy cơ trên mạng”, Phó trưởng phòng GD&ĐT TP. Bến Tre Nguyễn Thị Phương Lan cho biết.
“Trong kỷ nguyên số, việc trang bị kỹ năng công dân số giúp học sinh hiểu biết về an toàn thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân và tránh các rủi ro liên quan đến an ninh mạng, góp phần xây dựng cộng đồng trực tuyến an toàn, lành mạnh, ý thức sử dụng, chia sẻ thông tin trách nhiệm. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển bền vững”.