BDK - Năm 2024, ngành y tế triển khai ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu trong khám, chữa bệnh (KCB), góp phần tạo thêm dấu mốc quan trọng trên chặng đường nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.
Bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu thực hiện kỹ thuật y tế chuyên sâu trong điều trị mạch vành. Ảnh: Phan Hân
Hồi phục từ kỹ thuật cao
Chia sẻ sức khỏe sau hơn 2 tháng ra viện, chị Huỳnh Thị Kim N. (xã Châu Hưng, huyện Bình Đại) cho biết: “Sau phẫu thuật hai tay, tôi đã vận động mạnh hơn, bớt tê, giờ thì hồi phục tốt. Không ngờ Bệnh viện (BV) Nguyễn Đình Chiểu có nhiều tiến bộ như vậy”.
Chị Huỳnh Thị Kim N. bị đau, tê tay và đi khám, điều trị tại nhiều BV. Chị được tiêm thuốc vào cổ tay, phẫu thuật hẹp ống cổ tay. Sau điều trị, chị tiếp tục châm cứu, chạy điện, chiếu tia laser tại phòng khám tư nhưng tình trạng đau, tê vẫn tiếp diễn và có dấu hiệu teo cơ dần. Sau khi tốn rất nhiều tiền điều trị ở nhiều nơi nhưng không khỏi, chị nghĩ đến việc sử dụng bảo hiểm y tế và KCB đúng tuyến. Chị được chuyển tuyến từ Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Châu Thành đến BV Nguyễn Đình Chiểu để được điều trị chuyên khoa hồi tháng 10-2024.
Tiếp nối thành công trong điều trị, BV Nguyễn Đình Chiểu đã thực hiện thành công ca phẫu thuật bóc trọn khối u tủy sống cổ có kích thước 2x2cm cho chị Huỳnh Thị Kim N. Với hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại như: MRI, CT, máy C-arm, kính hiển vi phẫu thuật, khung đầu… cùng với việc làm chủ các kỹ thuật, BV Nguyễn Đình Chiểu là cơ sở tiên phong trong triển khai kỹ thuật chuyên sâu tại tỉnh. Trong điều trị đột quỵ, BV đã xây dựng quy trình điều trị đạt tiêu chuẩn quốc tế được Hội Đột quỵ thế giới công nhận và trao Giải thưởng Bạch Kim (tháng 9-2024). Cùng với những thành công trong điều trị, BV còn chuyển giao kỹ thuật, phẫu thuật trong nội soi ổ bụng, thay khớp nhân tạo cho y tế tuyến dưới. Tiếp nhận các kỹ thuật, được chuyển giao, BV Đa khoa khu vực Cù Lao Minh, BV Đa khoa khu vực Ba Tri đã phát triển kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng mới như nội soi: dạ dày, mũi họng, đại tràng...
Giám đốc BV Đa khoa khu vực Ba Tri Phan Minh Trí cho biết: Việc chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu không chỉ nâng cao chất lượng KCB mà còn mở rộng khả năng điều trị cho người dân trong huyện. Đây là tiền đề để y tế tuyến dưới tiếp tục cải tiến chất lượng chẩn đoán, điều trị bệnh lý khó”.
“Bên cạnh việc duy trì hiệu quả công tác dự phòng, chỉ đạo tuyến, KCB từ xa, cấp cứu… ngành tăng cường ứng dụng kỹ thuật mới trong lĩnh vực điều trị ung thư, đột quỵ, tim mạch can thiệp, ngoại thần kinh, thận nhân tạo, lọc máu, DSA… Đi đầu trong ứng dụng kỹ thuật mới, BV Nguyễn Đình Chiểu đã tái sinh sự sống nhiều bệnh nhân. Cùng với đó, chúng tôi còn quan tâm đào tạo chuyển giao kỹ thuật, mua sắm thiết bị, vật tư y tế, thuốc để đảm bảo công tác KCB tại tuyến cơ sở. Trong năm 2024, ngành từng bước triển khai KCB nội trú và bảo hiểm y tế tại TTYT huyện Mỏ Cày Bắc”, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Oanh cho biết.
Nâng cao chất lượng y tế cơ sở
Để có những bước đột phá trong y tế chuyên sâu, ngành y tế đã tập trung thực hiện công tác đào tạo, hợp tác, chuyển giao kỹ thuật, từ các BV như: Chợ Rẫy, Bình Dân, Từ Dũ, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh… Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở y tế để nâng cao chất lượng KCB.
Đối với tuyến xã, đầu tư xây dựng, mua sắm thiết bị, vật tư y tế đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đến nay, 100% trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tại tuyến huyện, năm 2024, ngành đã đầu tư xây dựng mới TTYT huyện Ba Tri, Mỏ Cày Bắc, xây mới khu khám, điều trị bệnh TTYT huyện Bình Đại, xây mới Khoa Lão, khu khám và điều trị bệnh TTYT huyện Châu Thành. Mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và 7 TTYT tuyến huyện với kinh phí 59 tỷ đồng.
Ngành y tế còn chú trọng nâng cấp, cải tạo các BV đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế chuyên sâu (DSA, CT, MRI, thận nhân tạo, máy thở…), với tổng kinh phí trên 200 tỷ đồng. Tỉnh đang đầu tư xây dựng mới BV Đa khoa tỉnh dự kiến 500 - 1.000 giường, tổng vốn đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng.
Nhấn mạnh về nguồn nhân lực, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Oanh cho biết: Năm 2024, toàn ngành tuyển dụng 203 người, trong đó có 79 bác sĩ để bổ sung nhân lực y tế cho các đơn vị. Nâng tổng nhân lực ngành lên 5.076 người, tăng 91 người so với năm 2023, đạt 38,9 nhân viên y tế/10 ngàn dân. Thông qua chương trình phối hợp đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, ngành đề xuất hợp tác với ngành y tế TP. Hồ Chí Minh 30 nội dung; đã cử đi đào tạo 45 bác sĩ và các nhân lực y tế trong các lĩnh vực.
Sắp tới, ngành y tế tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực cho nhân viên, cải thiện cơ sở vật chất, thuốc, thiết bị y tế tuyến cơ sở. Tăng cường các hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đồng thời, mở rộng dịch vụ KCB, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều trị tại y tế cơ sở. Triển khai khám bệnh từ xa để tiếp cận với những bệnh nhân ở vùng nông thôn. Đẩy mạnh cơ chế phối hợp giữa các BV tuyến trên và đơn vị y tế tuyến dưới để chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm trong chăm sóc sức khỏe người dân.
“Để tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế cho các đơn vị y tế trực thuộc, ngành tiếp tục đề xuất kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 với số vốn dự kiến trên 661 tỷ đồng. Cùng với đó, thu hút đầu tư xây dựng thêm một số bệnh viện tư nhân trên địa bàn. Hiện nay, ngành y tế đang nghiên cứu để triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao và mở rộng chất lượng khám chữa bệnh đến tận tuyến y tế cơ sở”.