Đóng góp quan trọng cho đồng bằng sông Cửu Long

17/01/2025 - 09:58

BDK - Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vai trò của khoa học công nghệ (KHCN) là then chốt. Điều này đã được nêu rõ qua lời hiệu triệu cũng như thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm: “…Muốn hiện thực hóa khát vọng, mục tiêu đã đề ra, không có con đường nào khác là toàn Đảng, toàn dân, triệu người như một, khơi dậy hào khí dân tộc, tự lực, tự cường, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, KHCN và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước đi lên…”. Và với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, Bến Tre nói riêng, KHCN chính là cách để phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Dây chuyền công nghệ và thiết bị hiện đại trong chế biến các sản phẩm từ dừa tại Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong (huyện Châu Thành). Ảnh: P. Thảo

“Điểm trình diễn” cho vùng

Tại vùng ĐBSCL, nơi được Đảng và Nhà nước đầu tư rất lớn, hiện nguồn nhân lực KHCN các tỉnh trong vùng là 64.926 người (PGS.TS có 2.141, Thạc sĩ 9.279). Nguồn nhân lực đang làm việc tại các Sở KH&CN trong vùng có 995 người. Riêng ngành KHCN tỉnh Bến Tre có 100% công chức, viên chức có trình độ đại học trở lên, trong đó 45% có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; tổng số nhân lực của các trường đại học, học viện trên địa bàn tỉnh là 451 người. Và đây là một ưu thế!

Theo Bộ KH&CN, mặc dù còn nhiều khó khăn, song các địa phương trong vùng ĐBSCL vẫn dành sự quan tâm lớn cho hoạt động KHCN. Nhiều địa phương đã cân đối và bố trí nguồn kinh phí bằng hoặc cao hơn so với kinh phí Trung ương cân đối hàng năm. Ví dụ cụ thể là tổng kinh phí sự nghiệp KHCN giai đoạn 2022 - 2024 do Trung ương cân đối cho 13 tỉnh, thành phố là 1.089.560 tỷ đồng; thì kinh phí được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt là 1.170.942 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 107% so với Trung ương thông báo. Đặc biệt trong đó Bến Tre là địa phương phê duyệt mức kinh phí cao nhất với tỷ lệ 165% (Vĩnh Long 126%, Trà Vinh 120%, Long An 119%)…

Với đặc thù là “xứ Dừa”, Bến Tre lại có Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre dành hơn 50 tỷ đồng đổi mới công nghệ, thiết bị chế biến sâu các sản phẩm từ dừa; Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đầu tư khoảng 60 tỷ đồng để làm chủ công nghệ cao trong bảo quản, chế biến sâu các sản phẩm từ dừa. Các mô hình uy tín này cho thấy Bến Tre không nằm ngoài sự phát triển ứng dụng KHCN, mà đôi lúc còn là “điểm trình diễn” cho vùng! Theo báo cáo của Sở KH&CN tỉnh Bến Tre, tỷ lệ ngân sách nhà nước/ ngoài nhà nước chi cho hoạt động KHCN tương đương tỷ lệ 1,63/1, tức là ngân sách chi 1,63 đồng đã thu hút được 1 đồng nguồn ngoài ngân sách đầu tư cho KHCN.

Riêng ĐBSCL, giai đoạn 2022 - 2024, Bộ KH&CN đã hỗ trợ 39 nhiệm vụ KHCN với tổng kinh phí 345,795 tỷ đồng. Các nhiệm vụ KHCN đã tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết mới phát sinh trong thực tiễn sản xuất tại các địa phương, vượt quá khả năng giải quyết ở cấp tỉnh. Ví dụ như tại Bến Tre, đã có các nghiên cứu chế phẩm vi sinh phân giải độ mặn trên một số loại cây ăn quả chủ lực; đã xây dựng hệ thống xử lý nước nhiễm mặn có ứng dụng IoT để cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng bị xâm nhập mặn với quy mô 500m3/ngày đêm; nghiên cứu công nghệ sản xuất màng Cellulose sinh học từ nước quả dừa khô ứng dụng làm bao gói thực phẩm… Hầu hết các nhiệm vụ được triển khai xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, vì thế kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng ngay, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Nhiều nghiên cứu ứng dụng cho cả vùng

Cũng trong giai đoạn này, các địa phương trong vùng đã triển khai 458 đề tài, dự án thuộc các lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học nông nghiệp, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học y dược... Các nhiệm vụ sau khi kết thúc phần lớn đều tạo ra được các sản phẩm có hàm lượng KHCN cao, có khả năng ứng dụng và nhân rộng. Tại tỉnh Bến Tre, đóng góp nổi bật nhất của KHCN đã góp phần đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương (và của vùng ĐBSCL) trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đó là các nhiệm vụ: Nghiên cứu xây dựng các mô hình vườn sầu riêng áp dụng kỹ thuật tiên tiến phục hồi sau hạn mặn; Sản xuất và ứng dụng thành công một số chế phẩm vi sinh phòng trừ bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi và bệnh thán thư trên cây ăn quả, hiệu quả phòng trừ trên 70%, hiệu quả kinh tế tăng 10%... Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, các nhiệm vụ KHCN đã đưa: Ứng dụng Map4D GIS Platform cho số hóa, quản lý nuôi tôm công nghệ cao (4.000ha) vào hoạt động...

Nhiều ứng dụng từ các nghiên cứu tại tỉnh đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho nhà nông, góp phần tạo nên “giá trị Bến Tre” trong quy mô vùng ĐBSCL, khẳng định uy tín của KHCN “xứ Dừa”, được nhiều tỉnh, thành nghiên cứu áp dụng.

Ví dụ như khi tỉnh xây dựng “Quy trình kỹ thuật chế biến và bảo quản tôm chua lên men” đã được nhiều doanh nghiệp sản xuất tôm chua ở Thừa Thiên Huế áp dụng. Hay như khi tỉnh làm chủ “Quy trình công nghệ chưng cất tinh dầu bưởi”, nhiều địa phương có trồng bưởi như Bình Phước, Tiền Giang, Đồng Nai cũng làm tương tự. Và còn là “Quy trình sản xuất các sản phẩm thực phẩm từ tôm thẻ chân trắng” đạt các tiêu chuẩn TCVN 10734:2015, TCVN 6175-1:2017; TCVN  7396:2004; đã nâng cao giá trị kinh tế cho con tôm toàn vùng ĐBSCL chứ không chỉ cho riêng Bến Tre.

“Ngành khoa học công nghệ tỉnh đã hoàn thành các chỉ tiêu và nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND và UBND đề ra, nhất là chỉ số (TFP) đóng góp vào tăng trưởng đạt 100% (năm 2023 đạt 47%). Tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh vượt chỉ tiêu đề ra. Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai thực hiện rất nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ hữu ích và có tính thực tiễn cao, nghiên cứu phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương và đặc thù của vùng, đóng góp quan trọng cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

(Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam)

Minh Anh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN