Khám phá những ngôi nhà thép - cột mốc chủ quyền trên biển (kỳ 1)

11/01/2024 - 12:31

BDK.VN - Vào mỗi dịp Tết đến, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân lại tất bật, rộn ràng, chu đáo, chuẩn bị cho những chuyến tàu cùng đoàn công tác và đại biểu các cơ quan, tổ chức; phóng viên các báo, đài Trung ương, địa phương, mang theo những món quà từ mọi miền Tổ quốc mang đến cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió trên vùng biển phía Nam của Tổ quốc. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của chuyến công tác thì trước hết mọi thành viên phải có sự hiểu biết về nhà giàn DK1.

Những con sóng lớn gây khó khăn cho đoàn lên chúc Tết.

Những con sóng lớn gây khó khăn cho đoàn lên chúc Tết.

Thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc

Khu vực thềm lục địa phía Nam là vùng biển nằm ở phía Đông Nam bờ biển Việt Nam; có vị trí nằm trong giới hạn khoảng từ vĩ độ 07010’00’’N – 08030’00’’N và kinh độ 109000’00’’E - 112030’00’’E, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Phía Đông Bắc là quần đảo Trường Sa; phía Nam là vùng biển của Việt Nam và vùng biển của các nước Malaysia, Indonesia; phía Tây là khu vực biển quần đảo Côn Đảo của Việt Nam.

Khu vực biển DK1 nằm trên thềm lục địa phía Nam, nơi có đáy là một bãi thoải từ bờ kéo dài ra đến độ sâu 200m. Trong khu vực DK1 có một dãy cồn cao gần sát mép nước, tạo thành những rạn san hô nổi, các điểm nhô cao cách mặt nước biển khoảng 3 - 20m; có 9 vị trí bãi ngầm được đặt tên: Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, bãi Vũng Mây, bãi Ba Kè, bãi Đất, bãi Đinh. Các bãi này hình thành, phát triển theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, nằm trọn trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Nếu lấy bãi cạn Quế Đường là vị trí gần trung tâm nhất thì khoảng cách từ bãi cạn Quế Đường đến Vũng Tàu khoảng 254M, đến đảo Tri Tôn của quần đảo Hoàng Sa khoảng 481M, đến đảo Trường Sa thuộc quần đảo Trường Sa 99M, đến bờ biển của Malaysia khoảng 286M, đến Natuna bắc của Indonexia khoảng 233M, đến khu vực ranh giới ven biển Thái Lan và Malaysia khoảng 509M. Khoảng cách từ bãi Quế Đường đến bãi Phúc Nguyên khoảng 32M, đến bãi Tư Chính khoảng 55M, đến bãi Phúc Tần khoảng 16M và đến bãi Ba Kè khoảng 70M.

Với tổng diện tích rộng hơn 200.000km2, Khu vực DK1 nằm án ngữ đường hàng hải quốc tế từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á, Án ngữ tuyến đường hàng hải chính qua Biển Đông; là khu vực có nhiều mỏ dầu đã được phát hiện, trong đó có một số mỏ đã được đánh giá có trữ lượng lớn. Với vị trí địa lý và tài nguyên như vậy, nên vùng biển DK1 có vai trò rất quan trọng trong phòng thủ bảo vệ đất nước cũng như phát triển kinh tế biển của nước ta.

Tầm nhìn chiến lược của Đảng ta

Từ cuối những năm 1987, đầu năm 1988, tình hình tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa ngày càng căng thẳng, phức tạp và quyết liệt. Một số nước đã và đang có âm mưu thực hiện ý đồ xâm chiếm chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa của Việt Nam. Xuất phát từ đặc điểm, tình hình trên và đứng trước yêu cầu cấp bách của sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và lợi ích lâu dài của đất nước. Đảng, Nhà nước ta đã quyết tâm triển khai xây dựng cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ, tại khu vực bãi đá ngầm thềm lục địa của Việt Nam, thuộc Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo (nay là Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Hạ xuồng chở đoàn và đại biểu lên Nhà giàn DK1.10.

Hạ xuồng chở đoàn và đại biểu lên Nhà giàn DK1.10.

Thực hiện chủ trương này, ngày 26-10-1988, Lữ đoàn 171 Hải quân được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng trực tiếp giao nhiệm vụ: cùng với Hải đoàn 129 bảo vệ thềm lục địa phía Nam để Nhà nước xây dựng ở đây một cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế biển, xây dựng đất nước.

Ngày 6-11-1988 và ngày 26-11-1988, các biên đội gồm tàu HQ 711 và HQ 668; HQ 713, HQ 668 thuộc Lữ đoàn 171; HQ 727, HQ 723 thuộc Hải đoàn 129 lần lượt xuất phát đi làm nhiệm vụ khảo sát, bảo vệ các bãi ngầm trên thềm lục địa phía Nam. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, số một, có ý nghĩa chiến lược về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của cả nước. CB, CS các tàu nỗ lực, khắc phục khó khăn, ngày đêm tìm kiếm, khảo sát và tìm ra được các bãi đá ngầm san hô: Ba Kè, Phúc Tần, Phúc Nguyên, Quế Đường, Huyền Trân, Tư Chính. Đây là những cơ sở quan trọng cho quyết tâm đưa các lực lượng ra chốt giữ ở khu vực này.

Bên cạnh đó, với quyết tâm chính trị cao, cùng sự chỉ đạo, phân công cụ thể của Hội đồng Bộ trưởng và sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, việc triển khai khảo sát, nghiên cứu, thiết kế thi công đã được tiến hành nhanh chóng. Dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Bộ trưởng, ngay trong năm 1989 tập trung xây dựng và lắp đặt nhà giàn tại 3 vị trí quan trọng ở các bãi ngầm Tư Chính, Phúc Tần và Ba Kè, sau đó tiến hành xây dựng tiếp nhà giàn trên các bãi ngầm còn lại.  

Ngày 10-6-1989, Nhà giàn Phúc Tần (DK1/2) được xây dựng xong, nhà có diện tích sử dụng gần 150m2, cách mặt nước biển lúc triều cường là 10,5m; ngày 16-6-1989 Nhà giàn Ba Kè (DK1/3) được hoàn thiện, đây là nhà được thiết kế theo kiểu khung nhà liên kết với chân đế pông tông bơm bê-tông đánh chìm, định vị bằng các cột bê-tông chôn sâu xuống thềm san hô; ngày 3-7 Nhà giàn Tư Chính (DK1/1A) được thiết kế theo kiểu chôn cột dàn khoan, đặt ở vùng nước sâu 23m, chiều cao công trình là 39,5m, cách mặt nước biển lúc triều cường 11m. Đây là 3 nhà giàn đầu tiên được xây dựng xong và đưa vào sử dụng.

Cùng với xây dựng và sự phát triển các nhà giàn, là việc tổ chức lực lượng chốt giữ. Ngày 6-6-1989, đơn vị DK1 trực thuộc Lữ đoàn 171 làm nhiệm vụ bảo vệ thềm lục địa phía Nam được thành lập. Đây là những CB, CS có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn, phầm chất đạo đức tốt, dày dạn kinh nghiệm trong công tác. Ngoài lực lượng trên các nhà giàn, chúng ta còn thường xuyên duy trì các tàu trực trên các bãi đá ngầm phối hợp sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu quản lý, bảo vệ chặt chẽ chủ quyền vùng biển khu vực DK1.

Ngày 5-7-1989, Hội đồng Bộ trưởng nước ta đã ra chỉ thị về việc xây dựng cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ tại khu vực các bãi đá ngầm thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (ngày 5-7 trở thành ngày Truyền thống của Tiểu đoàn DK1). Đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện ý chí quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước ta trên con đường phát triển kinh tế biển, từng bước hình thành chiến lược phát triển kinh tế biển phục vụ cho các mục tiêu xây dựng phát triển đất nước; đồng thời, có ý nghĩa quan trọng loại trừ khả năng nước ngoài độc chiếm khu vực và tạo được sự liên hoàn từ đất liền ra quần đảo Trường Sa; khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở khu vực này và thực hiện hiệu quả việc bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền vùng biển của ta. Đây là một chủ trương đúng đắn có ý nghĩa chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh của cả nước.

(Còn tiếp)

Văn Đường

 

Ảnh 7: 

Ảnh 10. Hạ xuồng chở đoàn và đại biểu lên Nhà giàn DK1.10. 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN