Nhà vườn Tân Phú vững vàng ứng phó với hạn mặn

03/05/2024 - 05:25

BDK - Xã Tân Phú (Châu Thành) có 8 ấp. Mỗi ấp đều thành lập 1 tổ hợp tác (THT) sản xuất nông nghiệp. Hạn mặn năm nay diễn biến gay gắt, kéo dài và sâu. Nhưng nhờ nắm vững các giải pháp kỹ thuật nên đến thời điểm này, hầu hết các vườn sầu riêng ở xã Tân Phú vẫn đủ sức vượt qua mùa hạn mặn.

Thạc sĩ, kỹ sư Lê Trí Nhân cùng với Tổ Khuyến nông cộng đồng xã Tân Phú hỗ trợ kỹ thuật, các giải pháp ứng phó hạn mặn cho nông dân trồng sầu riêng.

Chủ động các giải pháp

Ông Lê Hoàng Phục - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Phú cho biết: “Ngay khi bắt đầu vào mùa nắng, tôi và thành viên Hội đồng Quản trị HTX đã đến các THT, hướng dẫn thành viên, nông dân các biện pháp ứng phó hạn mặn như: xới gốc, tưới PH, rải phân hữu cơ. Sau đó, dùng cỏ, lá đắp mô lại và đắp từ 2/3 mô trở xuống, để khi tưới nước sẽ giữ ẩm được lâu. 1 lần tưới có thể giữ ẩm từ 15 - 20 ngày, giúp cây chống chọi với hạn mặn rất hiệu quả.

Là Tổ trưởng Tổ Khuyến nông cộng đồng của xã Tân Phú, ông Lê Hoàng Phục rất quan tâm đến kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái trên địa bàn xã. Bên cạnh hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc vườn cây, Tổ Khuyến nông cộng đồng còn vận động người dân phối hợp với các trưởng ấp nạo vét kênh và làm lại các cống công cộng để canh khi nước mặn lên thì đóng lại, khi nước giảm mặn thì đưa nước ngọt vào để đủ tưới tiêu cho cây trồng. Đến hiện tại, các vườn cây ăn trái kiểm soát mặn khá tốt. Do công tác phòng chống hạn mặn tốt nên sầu riêng của nhà vườn hầu như ít bị ảnh hưởng như những năm trước.

“Ngay từ giai đoạn này, Tổ Khuyến nông cộng đồng của xã và thành viên trong  HTX đi thăm các THT, vận động nhà vườn xử lý khắc phục sau hạn mặn bằng cách tưới PH, xịt những loại thuốc giải mặn cũng như bón phân hữu cơ nhiều. Hiện đã làm được 3 ấp, tiếp theo sẽ làm hết các ấp còn lại trong xã. Trong mùa hạn mặn, nước có độ mặn từ 0,3 - 0,4‰ là lấy nước vô để tưới thì ít nhiều độ mặn đã ngấm trong đất nên bây giờ hướng dẫn cho nhà vườn kỹ thuật giải mặn, giải độc cho đất và cây trồng…”, ông Phục giải thích. Không chỉ hỗ trợ 253 hộ, với 332ha trong HTX, ông Phục và Tổ Khuyến nông cộng đồng còn hỗ trợ toàn bộ nhà vườn ở xã Tân Phú.

Qua khảo sát, có 1 vườn sầu riêng bị mất sức, rụng lá, suy kiệt, thậm chí có một số cây đã trong tình trạng suy kiệt rất nặng trong khi còn đang mang trái. Trường hợp này, theo ông Lê Hoàng Phục là do người dân để trái, dẫn đến thiếu nước, thiếu dinh dưỡng và nắng nóng nên gây cháy lá, cây suy kiệt. Do đó, ông khuyến cáo nhà vườn, về lâu dài nên xử lý ra hoa nghịch vụ, cho trái nghịch vụ, giúp vườn cây né hạn mặn và né vụ với các tỉnh miền Đông và Tây Nguyên. Đây cũng là một giải pháp thích ứng hạn mặn, giúp phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu đối với người trồng cây ăn trái ở tỉnh.

Cũng theo ông Phục, đến thời điểm này, nhà vườn cần tiếp tục chủ động các giải pháp kỹ thuật và kết hợp lấy nước ngọt vào vườn chứ không chủ quan.  Ngoài thông báo của địa phương về tình hình hạn mặn, nhà vườn cần đo độ mặn trước khi lấy nước vào mương vườn. Từ bây giờ, nhà vườn phải tập trung chăm sóc cây sầu riêng. Riêng đối với những vườn cây đang mang trái, tập trung nước nhiều cho cây, bổ sung các loại phân bón hoa lá để giúp đủ sức nuôi trái.

Ứng dụng kỹ thuật vào canh tác

Bà Cao Thị Chiên - Tổ trưởng THT Sầu riêng ấp Hàm Luông phấn khởi: “Ở đây, chính quyền rất quan tâm đến sản xuất. Chiều là UBND xã phát thanh về tình hình hạn mặn cho dân biết, phát từ 2 - 3 lần để khuyến cáo người dân chuẩn bị lấy nước vào mương hoặc không được lấy nước tưới. Hễ còn nước mặn lại thì khuyến cáo người dân chuẩn bị đóng cống, đóng bọng lại”.

Theo bà Cao Thị Chiên, trước hạn mặn đã khuyến cáo người dân nạo vét kênh mương, dùng cỏ tủ gốc cây để hạn chế bốc hơi nước, thất thoát nước, làm lại hệ thống tưới tiêu rồi tỉa tán, cành để những cành không cần thiết không cạnh tranh dinh dưỡng với những cành còn lại… Ngoài ra, chính quyền còn nhắc nhở nhà vườn nếu trữ nước thì không được xả rác thải làm ô nhiễm nguồn nước, để nguồn nước được sử dụng lâu dài.

Theo Thạc sĩ, kỹ sư Lê Trí Nhân - Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh, cho tới thời điểm này, thiệt hại ở xã Tân Phú là rất ít. Tân Phú có 8 ấp, các ấp đều có THT. Các anh em trong Tổ Khuyến nông cộng đồng dự họp hàng tháng cùng với các tổ. Sau đó, phổ biến tình hình hạn mặn, có khuyến cáo đóng, mở cống phù hợp cùng với các mặt kỹ thuật để giúp cho cây vượt qua hạn mặn.

Thạc sĩ, kỹ sư Lê Trí Nhân khuyến cáo, trong trường hợp diễn biến hạn mặn còn phức tạp, không có nước ngọt (độ mặn dưới 0,4‰) kéo dài quá lâu thì nhà vườn cứ đưa nước vào để ém phèn, giữ độ ẩm chân liếp nhưng không được tưới lên gốc và lá. Chúng ta cũng không quá cực đoan với mặn, mà cần kiểm tra lại tầng canh tác. Đợi khi có nước độ mặn thấp, hoặc nước ngọt thì đưa nước vào, rửa mặn ra bằng cách thay nước ra - vào từ 2 - 3 lần.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN