Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

15/05/2024 - 05:21

BDK - Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), tín dụng CSXH của Trung ương và các chính sách tín dụng đặc thù của tỉnh đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả, góp phần tích cực thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Nguồn vốn chính sách xã hội giúp người dân duy trì kinh tế trồng trọt, chăn nuôi tại gia đình.

Nguồn vốn chính sách xã hội giúp người dân duy trì kinh tế trồng trọt, chăn nuôi tại gia đình.

Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ động phối hợp thực hiện tốt tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh; xem đây là một trong những giải pháp tích cực để thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn. Đồng thời, xác định tín dụng CSXH là nguồn lực quan trọng để thực hiện có hiệu quả.

Trong đó, Đề án số 4190/ĐA-UBND ngày 16-8-2016 của UBND tỉnh về phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, đã tập trung nguồn vốn để hỗ trợ 15.858 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bên cạnh đó còn tập trung các chương trình khởi nghiệp thoát nghèo hay tạo sinh kế bền vững cho người nghèo tỉnh; huy động nguồn lực thực hiện tín dụng CSXH đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 theo Đề án số 7379/ĐA-UBND ngày 28-11-2023; hỗ trợ vốn các đối tượng chính sách khác tham gia Chương trình khởi nghiệp thoát nghèo bền vững qua con đường đi lao động có thời hạn ở nước ngoài…

Theo Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Trần Lam Thùy Dương, đến cuối tháng 4-2024, Ngân hàng CSXH đã thực hiện 14 chương trình tín dụng ưu đãi, dư nợ đạt 4.228 tỷ đồng, tăng 2.770 tỷ đồng (189,9%) so với trước khi có chỉ thị, với hơn 114.800 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

Nguồn vốn tín dụng CSXH đã lan tỏa đến 100% ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Ngân hàng CSXH phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ tiết kiệm và vay vốn xây dựng 157 điểm giao dịch tại cấp xã, đưa các dịch vụ ngân hàng như: cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động vốn, tiết kiệm… về cấp xã để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách và các dịch vụ ngân hàng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Trong giai đoạn 2014 - 2024, Ngân hàng CSXH đã giải quyết cho vay 339.565 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với số tiền 9.356 tỷ đồng. Số tiền thu hồi 6.577 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng CSXH đã góp phần hỗ trợ hơn 31 ngàn hộ thoát nghèo; hơn 11 ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; trên 1.700 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tạo việc làm cho hơn 39 ngàn lao động từ Quỹ Quốc gia về việc làm; xây dựng 281.897 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, 959 căn nhà cho hộ nghèo, 135 nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách…

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước và của từng địa phương.

“Triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận một cách thuận lợi và kịp thời. Không có ấp, khu phố không có dư nợ tín dụng chính sách. 90% dư nợ tín dụng chính sách được tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, nông dân, nông thôn, giáo dục và đào tạo, ưu tiên tập trung vốn cho vay tại các xã đặc biệt khó khăn, các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, vùng khó khăn”.

(Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Trần Lam Thùy Dương)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN