Thạnh Phú thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển năng động, hiệu quả

19/04/2024 - 06:41

BDK - Thực hiện tinh thần “Dân chủ - Kỷ cương - Đồng thuận - Sáng tạo - Tăng tốc”, trong năm 2023, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) huyện Thạnh Phú đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ, củng cố, thúc đẩy các loại hình KTTT phát triển và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo được tập trung thực hiện ngay từ đầu năm. Huyện đã thành lập Tổ công tác chuyên sâu tư vấn, đổi mới, phát triển KTTT, HTX huyện giai đoạn 2023 - 2025 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Trưng bày sản phẩm OCOP từ các sản phẩm của tổ hợp tác, hợp tác xã.

Trưng bày sản phẩm OCOP từ các sản phẩm của tổ hợp tác, hợp tác xã.

Liên kết để phát triển

Trong năm 2023, huyện đã thực hiện đạt và vượt 5/6 chỉ tiêu chủ yếu gồm: thành lập mới Liên hiệp HTX dừa hữu cơ Thạnh Phú; thành lập mới 3 HTX, 16 tổ hợp tác (THT) theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP; có 62,5% HTX hoạt động được xếp loại tốt, khá trở lên; phát triển mới 5 sản phẩm OCOP của HTX... Hiện nay, toàn huyện có 1 liên hiệp HTX, 22 HTX (trong đó 20 HTX đang hoạt động, 2 HTX ngừng hoạt động đang chờ giải thể) với hơn 3.500 thành viên và 136 THT hoạt động theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP của Chính phủ với hơn 2.400 tổ viên. Doanh thu bình quân của HTX, THT năm 2023 ước hơn 3,1 tỷ đồng/HTX, 85 triệu đồng/THT; lãi bình quân 70 triệu đồng/HTX, 16 triệu đồng/THT. Nhiều HTX hoạt động ổn định đã giải quyết việc làm cho thành viên và lao động địa phương như HTX Nông nghiệp Thới Thạnh, HTX Thủy sản Thạnh Lợi, HTX Thủy sản Bình Minh, HTX Nông nghiệp Hòa Lợi, HTX Nông nghiệp Quới Điền, HTX Dừa Phú Nông, HTX Nông nghiệp Giồng Luông, HTX Nông nghiệp Mỹ Hưng, HTX Vận tải thủy bộ…

Riêng lĩnh vực nông nghiệp, toàn huyện hiện có 16 HTX nông nghiệp với hơn 2.200 thành viên. Nhóm HTX chuyên ngành dừa (7 HTX) tiếp tục hoạt động ổn định với gần 800ha dừa trồng theo mô hình hữu cơ, có liên kết hợp đồng đầu vào với Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre. Trong năm, các HTX đã vận động thành viên tham gia xây dựng mã số vùng trồng cho cây dừa. Hiện đã cấp mã số vùng trồng cho 2 HTX dừa (HTX Nông nghiệp Mỹ Hưng và HTX Nông nghiệp Hòa Lợi với 110 hộ tham gia, hơn 109ha dừa hữu cơ)...

Nhóm chuyên ngành lúa - tôm (4 HTX), đã cấp mã số vùng trồng cho 5 HTX lúa (HTX Nông nghiệp Mỹ An, HTX Nông nghiệp - dịch vụ An Điền, HTX Nông nghiệp - dịch vụ An Thạnh, HTX Nông nghiệp An Thuận và HTX Nông nghiệp Đồng Khởi) với 256 hộ tham gia, 126,6ha lúa hữu cơ. Trong nhóm ngành này, HTX Lúa - tôm Thạnh Phú đã được hỗ trợ củng cố, kiện toàn bộ máy nhân sự thông qua đại hội thường niên năm 2023, xây dựng tem truy xuất nguồn gốc, sản phẩm OCOP gạo sạch của huyện được xây dựng thông tin truy xuất nguồn gốc, tư vấn thiết kế mẫu mã, mã số, mã vạch; HTX liên kết với Công ty TNHH Nông sản Hoa Nắng để triển khai vụ lúa năm 2023 (cung cấp giống, kỹ thuật và thu mua lúa sau thu hoạch của xã viên). Hiện HTX đang cung ứng sản phẩm gạo sạch cho các đối tác trong và ngoài tỉnh…

Sản xuất gắn với chuỗi giá trị

Mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao được các HTX quan tâm. HTX Nông nghiệp Thới Thạnh, HTX Dừa Phú Nông áp dụng công nghệ, máy móc trong sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa theo chuỗi giá trị, xây dựng mã số vùng trồng; HTX Lúa - tôm Thạnh Phú chế biến sản phẩm gạo sạch gắn với nhãn hiệu lúa sạch Thạnh Phú. Bên cạnh đó, các HTX đã quan tâm xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP nhằm nâng cao, chất lượng, hiệu quả kinh doanh. Toàn huyện có 8 sản phẩm OCOP của các HTX bao gồm: nghêu của HTX Thủy sản Thạnh Lợi; rau muống, rau cải ngọt, rau cải xanh của HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thạnh; nước màu dừa của HTX Nông nghiệp Thới Thạnh; xoài tứ quý Thạnh Phong và cua Bến Tre của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thạnh Phong; gạo sạch của HTX Lúa - tôm Thạnh Phú.

Đối với THT, 136 THT tại huyện đang hoạt động trên lĩnh vực phi nông nghiệp và nông nghiệp, trong đó 18 THT phi nông nghiệp (bó chổi, kết cườm, tổ se nhang…) và 118 THT nông nghiệp (nuôi bò, nuôi dê, gà, thủy sản, lúa, rau màu, dừa...). Nhìn chung, các THT hoạt động ổn định, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao do đa phần còn sản xuất mang tính cá nhân, hộ gia đình, hoạt động theo lối mòn, chưa bắt kịp xu thế thị trường, chưa ứng dụng vào khoa học công nghệ…

Theo Phó chủ tịch UBND huyện - Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX huyện Mai Văn Hùng, năm 2024, huyện tiếp tục thúc đẩy phát triển KTTT năng động, hiệu quả, thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới” giai đoạn 2024 - 2025 trong xây dựng và phát triển KTTT thực sự sôi nổi, mạnh mẽ trong đoàn viên, hội viên và nhân dân, lấy chất lượng, hiệu quả hoạt động làm thước đo đánh giá phong trào thi đua. Quan tâm hỗ trợ xây dựng và quảng bá phát triển sản phẩm OCOP, thương hiệu sản phẩm của các THT, HTX...

“Huyện kiến nghị các sở, ngành tỉnh quan tâm hỗ trợ huyện trong thành lập HTX nuôi tôm công nghệ cao Thạnh Phú; quan tâm hỗ trợ các điều kiện, chính sách để giúp Liên hiệp HTX dừa hữu cơ huyện Thạnh Phú và các HTX có tiềm năng của huyện phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Sở Kế hoạch và Đầu tư quan tâm bố trí nguồn vốn để hỗ trợ các HTX đủ điều kiện và có nhu cầu hưởng chính sách hỗ trợ kết cấu hạ tầng theo Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh triển khai kế hoạch phát triển HTX điểm cấp tỉnh giai đoạn 2 để thúc đẩy các HTX này phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Liên minh HTX tỉnh tiếp tục mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho liên hiệp HTX, các HTX, THT…”.

(Phó chủ tịch UBND huyện Mai Văn Hùng - Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX huyện)

Bài, ảnh: Minh Mừng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN