Xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh

06/05/2024 - 05:35

BDK - Thời gian qua, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã được các cấp ủy và cả hệ thống chính trị tỉnh nhà thực hiện nghiêm túc, góp phần tạo chuyển biến, nâng cao nhận thức, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện; gia đình hạnh phúc, tiến bộ. Qua đó, khơi dậy truyền thống, ý chí, bản lĩnh, tinh thần Đồng khởi của người dân Bến Tre, góp phần sớm hiện thực hóa khát vọng Bến Tre trong tương lai.

Hình ảnh đất và người Bến Tre được quảng bá tại Chương trình “Ân nghĩa quê Dừa - khát vọng vươn xa” tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 1-2024.

Hình ảnh đất và người Bến Tre được quảng bá tại Chương trình “Ân nghĩa quê Dừa - khát vọng vươn xa” tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 1-2024.

Những kết quả đạt được

Sau khi tiếp thu Nghị quyết số 33-NQ/TW, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện và chỉ đạo quán triệt trong toàn Đảng bộ, tuyên truyền sâu rộng nội dung cốt lõi của nghị quyết trong nhân dân. Các chỉ tiêu về phát triển văn hóa, tiêu chí xây dựng con người Việt Nam được đưa vào các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở.

Tỉnh đặc biệt quan tâm đến mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ lan tỏa hệ giá trị. Việc xây dựng và nâng chất các danh hiệu văn hóa được quan tâm và có chuyển biến tốt, góp phần cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực. Kết quả danh hiệu “Gia đình văn hóa” hàng năm đạt trên 94% (vượt chỉ tiêu từ 4 - 5%); danh hiệu “Ấp, khu phố văn hóa” đạt trên 97% (vượt chỉ tiêu từ 6 - 7%); hơn 90% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; các danh hiệu đối với cấp xã đến năm 2022 có 83/142 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 15/15 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ và phát huy. Kỷ niệm Ngày Bến Tre Đồng khởi (17-1), kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát, Ngày truyền thống văn hóa (1-7), kỷ niệm ngày sinh và ngày mất (3-7) của nhà thơ, nhà giáo, thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu hàng năm đã ghi đậm dấu ấn trong mỗi con người Bến Tre. Đặc biệt, việc tổ chức Lễ hội Dừa tỉnh; Lễ hội Cây - Trái ngon, an toàn của tỉnh tại huyện Chợ Lách hàng năm đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến giao lưu, quảng bá các đặc sản, thế mạnh của địa phương, sản phẩm văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống của người dân Bến Tre đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Toàn tỉnh có 2 di tích Quốc gia đặc biệt (Di tích Đồng Khởi Bến Tre, Di tích Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu), 16 di tích lịch sử - văn hóa quốc gia và 62 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh; 4 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (Lễ hội Nghinh Ông Bình Thắng; Hát sắc bùa Phú Lễ; Nghề truyền thống làm bánh tráng Mỹ Lồng; Nghề truyền thống làm bánh phồng Sơn Đốc). Bên cạnh, nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch đã hoàn thành đưa và sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển.

Xây dựng đời sống văn hóa

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện đạt hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể quán triệt sâu rộng những nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 33-NQ/TW và các nghị quyết, đề án, kế hoạch về phát triển văn hóa, con người Bến Tre, xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ. Xác định rõ đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Các ngành, các cấp tiếp tục đưa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người và xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ vào các nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương để lãnh đạo thực hiện. Tăng cường các nguồn lực cho phát triển văn hóa, tương xứng với tăng trưởng kinh tế, ưu tiên đầu tư cho phát triển văn hóa cơ sở và các hoạt động văn hóa, tuyên truyền bằng nghệ thuật.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư và trong từng gia đình. Tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và truyền bá văn hóa Việt Nam, văn hóa Bến Tre ra thế giới...

Bài, ảnh: Phương Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN