Đưa nghị quyết vào cuộc sống
Qua triển khai, quán triệt Nghị quyết số 33, các cấp ủy,
chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nhận thức rõ
hơn, đầy đủ hơn việc xem văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; vừa là mục
tiêu, vừa là động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa
phương. Qua 2 năm thực hiện, Nghị quyết đã góp phần xây dựng con người phát triển
bền vững, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Trong xây dựng môi trường văn hóa, tỉnh đã tập trung các
hoạt động thông tin tuyên truyền, cổ động trực quan, trưng bày, triển lãm, biểu
diễn nghệ thuật, phục vụ tốt nhu cầu giải trí, giáo dục truyền thống cho nhân
dân. Việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa được chú trọng (tỉnh đã
ban hành Quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử văn hóa); việc thực hiện nếp
sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được triển khai và dần có hiệu
quả.
Tiết mục văn nghệ tại triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” năm 2015. Ảnh: S. Lý
Bên cạnh đó, ngành giáo dục đã tập trung thực hiện đổi mới
căn bản, toàn diện giáo dục gắn với xây dựng mỗi trường học là một trung tâm
văn hóa, trung tâm giáo dục và rèn luyện con người về nhân cách, đạo đức, lối sống,
kiến thức, bồi dưỡng lý tưởng cho thế hệ trẻ. Phong trào toàn dân đoàn kết, xây
dựng đời sống văn hóa tiếp tục được duy trì và phát triển sâu rộng tạo điều kiện
thuận lợi trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...
Công tác gia đình tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ
đạo của cấp ủy, chính quyền. Tỉnh ủy đã chỉ đạo tập trung triển khai Chiến lược
phát triển gia đình Việt Nam; ban hành Công văn số 1954/2014 về tăng cường lãnh
đạo công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình...
Đối với việc xây dựng
văn hóa trong chính trị và kinh tế, nhiều địa phương, đơn vị kết hợp việc học tập
và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quan tâm xây dựng các
phong trào hành động cách mạng, từ đó đã giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức,
viên chức nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác, giảm phiền hà cho nhân
dân. Toàn tỉnh đã thực hiện việc nâng cao chất lượng và hoạt động văn hóa bằng
các nội dung cụ thể: xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, quảng bá, giao lưu hợp
tác văn hóa; quan tâm xây dựng đội ngũ làm công tác văn hóa...
Các đại biểu ở các đơn vị đã nêu lên những vấn đề còn tồn
tại trong xây dựng và phát triển văn hóa hiện nay ở các lĩnh vực, đặc biệt là
những giá trị văn hóa ở một số gia đình đang có dấu hiệu sa sút. Tình trạng một
bộ phận giới trẻ có xu hướng chạy theo văn hóa ngoại thiếu chọn lọc, không phù
hợp với văn hóa truyền thống; tình trạng bạo lực học đường vẫn còn đáng lo ngại;
nhiều phong trào tại một số nơi chưa nhận được sự nhiệt tình tham gia của các tầng
lớp nhân dân; ý thức của một số người dân chưa cao trong việc giữ gìn vệ sinh
chung.
Tập trung nhiều giải
pháp
Hội nghị đã tập trung những giải pháp nhằm phát huy giá
trị truyền thống xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện, hướng đến
chân - thiện - mỹ. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các giá trị văn hóa
truyền thống thông qua nhiều hình thức; quan tâm quản lý tốt môi trường văn hóa
trong gia đình, trường học, cơ quan; nâng cao chất lượng phong trào toàn dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, bổ sung chặt chẽ những thiết chế văn hóa để
người dân thực hiện. Chú trọng xây dựng con người gắn với văn hóa khởi nghiệp,
không cam chịu đói nghèo, tạo niềm tin, khát vọng làm giàu chính đáng; tính
gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên, người lớn trong gia đình cần được chú
trọng. Các địa phương quan tâm nhiều hơn đến công tác gia đình; củng cố sinh hoạt
tổ nhân dân tự quản, lồng ghép tuyên truyền các giá trị văn hóa truyền thống, ứng
xử văn minh; tăng cường xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao,
vui chơi lành mạnh cho các tầng lớp nhân dân…
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành
Hạo nhấn mạnh: Việc quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa là nâng cao
trách nhiệm của mỗi người, mỗi ngành, đơn vị, địa phương trước những hiện tượng,
vấn đề văn hóa lệch chuẩn trong con người, cơ quan, đơn vị địa phương mình thì
sẽ phải làm gì, cần làm gì để chỉnh sửa, làm cho khía cạnh ấy, việc ấy được
thay đổi văn hóa hơn. Trách nhiệm và tính gương mẫu của người đứng đầu, trách
nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, của từng đoàn thể phải tự vấn cần làm gì để tác
động cho các nhiệm vụ và mục tiêu của Nghị quyết số 33 của Trung ương, Chỉ thị
số 11/2016 của Tỉnh ủy. Làm sao việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người
Việt Nam, cụ thể là văn hóa và con người Bến Tre đáp ứng được nhu cầu phát triển
bền vững theo đúng tinh thần nghị quyết.
Trong lĩnh vực văn hóa chính trị, cần đề cao tính dân chủ,
đoàn kết nội bộ; người đứng đầu không được độc đoán, lạm quyền, các vấn đề phải
được đưa ra tập thể bàn bạc, lắng nghe các ý kiến để đưa ra quyết định mang
tính thống nhất. Một tập thể có dân chủ, đoàn kết, thống nhất, kỷ cương thì mới
là một tập thể có văn hóa. Trong văn hóa cá nhân, tự ti, tự ái là cái dở, còn
lòng tự trọng, tự tôn thì rất tốt, rất cần nhưng nếu cá nhân ấy tự tôn quá mức
đến ngưỡng tự cao, tự mãn thì trở thành nguy hiểm của xã hội và vượt ra ngoài
chuẩn văn hóa xã hội sẽ không công nhận.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân
dân, giới trẻ, vun bồi, xây dựng con người văn hóa. Theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh
ủy, từng đơn vị sẽ cụ thể hóa từng nội dung của nghị quyết, có lộ trình, kế hoạch
công việc cụ thể, xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp phải thực hiện, khâu nào dễ
làm trước, khó làm sau, làm đúng chức năng và có sự phối hợp đồng bộ giữa các
đơn vị, các cấp, nhất là đề cao sự quyết liệt, tiến công để đạt hiệu quả trong
thực hiện nghị quyết đã đề ra.