Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu

Tiếp tục đổi mới sáng tạo văn học, nghệ thuật trong giai đoạn mới

28/03/2025 - 05:22

BDK - Nhằm ghi nhận những thành tựu đã đạt được của giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà qua 50 năm sau giải phóng cũng như có những định hướng cho chặng đường sắp tới, bảo đảm tính liên tục, xuyên suốt, chứng thực tính hiệu quả của văn học nghệ thuật (VHNT) trong sự nghiệp phát triển văn hóa, tiến bộ xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, phóng viên Báo Đồng Khởi có cuộc phỏng vấn nhà thơ Kim Ba - Chủ tịch Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu để đánh giá về sự phát triển của VHNT nhìn từ góc độ tổ chức hội.

Nhà thơ Kim Ba - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu trả lời phỏng vấn Báo Đồng Khởi. Ảnh: Thanh Đồng

* Thưa nhà thơ Kim Ba! Xin ông cho biết những kết quả đầy tự hào mà Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu đã đạt được, góp phần chung vào sự phát triển của VHNT tỉnh?

- Nhà thơ Kim Ba: Qua 7 kỳ đại hội, Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu luôn không ngừng củng cố, kiện toàn tổ chức, cải tiến, đổi mới phương thức hoạt động để đồng thời thực hiện tốt chức trách tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước qua từng thời kỳ cách mạng. Hội đã phát triển hội viên ngày càng đông về số lượng và chất lượng, nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Sự chính thức ra đời của Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu ngày 30-6-1980 đã đánh dấu giai đoạn phát triển mới của VHNT tỉnh; là đơn vị do Tỉnh ủy lãnh đạo thông qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, do Nhà nước quản lý và là thành viên trực thuộc trong hệ thống các Hội VHNT Việt Nam. Đồng thời, Hội còn là thành viên của MTTQ Việt Nam tỉnh.

Trong Đại hội lần thứ I năm 1980, số lượng hội viên địa phương còn rất khiêm tốn, số lượng hội viên Trung ương hoạt động tại tỉnh quá ít. Sang những kỳ đại hội sau đó, số lượng hội viên được kết nạp tăng dần. Đến Đại hội lần thứ VII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), số lượng hội viên địa phương 315 người, trong đó số lượng hội viên Trung ương 72 người. Điều đó cho thấy hoạt động VHNT được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân.

Đội ngũ hội viên đã thực sự phát huy năng lực sáng tạo bằng chính sản phẩm tâm huyết của mình, góp phần thực hiện những công trình lịch sử - VHNT mang tính chất tổng kết của ngành, đơn vị, địa phương. Đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh ở tất cả các chuyên ngành được đánh giá chung là thuộc đội ngũ hùng hậu trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đã mang về ngày càng nhiều giải thưởng VHNT của cấp quốc gia và khu vực ĐBSCL cho tỉnh. Trong đó, có một số giải thuộc đỉnh cao của cả nước. Đơn cử như giải A của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (cho cụm tượng đài Đồng Khởi, Nhà tưởng niệm nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, nhà văn Trang Thế Hy với tác phẩm “Nợ nước mắt”...); 2 giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam; 12 giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam; 10 giải thưởng của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam... Đặc biệt, 1 giải thưởng Nhà nước cho tác phẩm “Giao thưởng thơ - Ký ức Đồng Khởi” của nhạc sĩ Võ Đăng Tín; 2 giải thưởng của hội viên cấp khu vực và Trung ương.

* Theo ông, bối cảnh xã hội hiện đại đang đặt ra những vấn đề gì đối với hoạt động VHNT?

- Hiện nay, đâu đó vẫn còn tình trạng nhiều đơn vị quản lý hoạt động còn chủ quan, chưa toàn tâm, toàn ý và chưa dành nguồn lực xứng đáng cho hoạt động văn hóa, VHNT… làm hạn chế hoạt động VHNT, nhất là ở cơ sở.

Việc đầu tư nguồn lực cho VHNT cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Đây là thực trạng chung của cả nước. Nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống không phát huy được tính đặc thù, dần đi vào mai một do thiếu đầu tư thỏa đáng. Chủ trương xã hội hóa VHNT là chủ trương đúng đắn. Song, áp dụng đại trà, kể cả với những bộ môn nghệ thuật truyền thống thì “lợi bất cập hại”.

Sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội cũng là một thách thức đối với hoạt động quảng bá tác phẩm VHNT, nhất là ở các hội địa phương. Còn đè nặng tâm lý ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ hơn là tự thân vận động, tự liên kết trong hoạt động phổ biến, quảng bá tác phẩm VHNT, đưa tác phẩm đến với công chúng.

Về đội ngũ kế thừa trong lĩnh vực văn học hiện nay cũng cần được quan tâm thực sự, đúng mức. Việc bổ sung vào đội ngũ lực lượng trẻ, giàu đam mê, nhiệt huyết ngày càng khó khăn. Có một số bộ môn nghệ thuật hầu như không còn người trẻ. Đây là một hiện thực đáng báo động mà những người làm công tác quản lý VHNT cần phải đặc biệt quan tâm.

* Những định hướng cho hoạt động VHNT giai đoạn sắp tới, thưa ông?

- Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu và vận dụng có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Chiến lược văn hóa của Đảng trong thời kỳ đổi mới”; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, cho cán bộ, hội viên, cộng tác viên, văn nghệ sĩ, đổi mới tư duy, sáng tạo trong công tác điều hành, quản lý, trong sáng tác và quảng bá tác phẩm phù hợp với đặc điểm, yêu cầu thực tiễn cuộc sống đặt ra, đẩy mạnh công tác quảng bá tác phẩm VHNT, đưa tác phẩm đến với công chúng bằng nhiều hình thức phù hợp, sinh động. Quan tâm đẩy mạnh công tác xã hội hóa đúng hướng, nhằm đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nhanh nhạy nắm bắt cái mới và tận dụng có hiệu quả.

Nội dung sáng tác phải bám sát đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; bám sát chỉ tiêu, kế hoạch phát triển của tỉnh để tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, định hướng thẩm mỹ, đề cao cái tốt, cái tích cực, phê phán, đả phá cái sai, xấu, lạc hậu... Mỗi văn nghệ sĩ phát huy tinh thần công dân - nghệ sĩ hoàn thành nghĩa vụ, quyền lợi được quy định cụ thể trong Điều lệ hội.

Công tác liên kết, phối hợp hoạt động, tạo nhiều “sân chơi” phong phú, đa dạng cho hoạt động sáng tạo. Liên kết, phối hợp với nhiều cấp, ngành, địa phương; liên kết với Trung ương và các đơn vị cơ sở mở ra nhiều trại sáng tác, nhiều cuộc thi VHNT, nhiều công trình, sản phẩm VHNT; liên kết, phối hợp cả trong tổ chức sáng tạo lẫn quảng bá tác phẩm trên nhiều phương tiện và bằng nhiều hình thức tương ứng; tạo ảnh hưởng tốt trong giới văn nghệ sĩ và công chúng...

* Xin cảm ơn Chủ tịch Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu!

T. Đồng (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN