Báo chí cách mạng phải trở về với các giá trị cốt lõi của báo chí

12/11/2024 - 16:33

BDK.VN - Tham gia chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đã gửi đến Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông câu hỏi như sau:

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh: Ái Thi.

Trong giai đoạn bùng nổ thông tin hiện nay, với sự hỗ trợ của các nền tảng mạng xã hội có tính năng chia sẻ cao thì hiện tượng “người người làm báo, nhà nhà làm báo” để lập kênh riêng, đưa lên mạng, kèm theo quảng cáo, bán hàng. Có nhiều nội dung giật gân, phản cảm, sai sự thật...làm nhiễu loạn thông tin gây bức xúc dư luận. Nhiều nội dung quảng cáo sai sự thật, trái thuần phong mỹ tục, vi phạm bản quyền... gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Đề nghị Bộ trưởng cho biết có những giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng trên. Đồng thời có giải pháp nào để nâng cao vai trò của báo chí chính thống, cách mạng để làm tốt vai trò định hướng, tuyên truyền.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng khi mạng xã hội ra đời, đã ảnh hưởng lớn đến nghề của báo chí, mạng xã hội có hàng chục triệu phóng viên đưa tin mà không mất tiền ở khắp mọi nơi.

Theo Bộ trưởng, báo chí cách mạng muốn “giữ vững trận địa” của mình thì phải làm khác mạng xã hội, đó là phải quay về với các giá trị cốt lõi của báo chí, phải đưa tin xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp, thay vì chỉ đưa tin thì tập trung phân tích, đánh giá, thay vì bình luận thì đưa ra giải pháp, thay vì đưa tin, kể câu chuyện thì còn góp phần dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.

Trước đây, trong không gian thực, báo chí chính thống là lực lượng chủ đạo, bây giờ trên không gian mạng, số lượng “phóng viên” của mạng xã hội có thể đông đảo nhưng báo chí cách mạng vẫn là dòng chảy chính, vì vậy, cần hết sức tập trung đảm bảo chất lượng cả về hình thức lẫn nội dung.

Vấn đề này đã được Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo xác định là định hướng chính để xác định lại vị trí, vai trò của báo chí cách mạng.

Bộ trưởng tái khẳng định cách tốt nhất để cạnh tranh với mạng xã hội là báo chí cách mạng cần phải làm khác với mạng xã hội, trở về giá trị cốt lõi, sử dụng các công nghệ của mạng xã hội để làm báo, tăng cường tính tương tác hai chiều, quảng cáo đúng đối tượng, coi mạng xã hội là một công cụ, là môi trường để báo chí xuất hiện.

Trước đây cứ chỗ nào đông người thì báo chí xuất hiện đưa tin, thì nay các mạng xã hội, các sàn giao dịch đông người tham gia thì báo chí phải xuất hiện để đưa tin, dẫn dắt, định hướng. Đó là cách giữ vững trận địa của mình trong thế giới thực cũng như trên không gian mạng.

* Tham gia chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre cho rằng:

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Hồng Yến.

“Hiện tượng nhà nhà làm báo, nở rộ cơ quan báo chí cạnh tranh, thu hút độc giả, thu hút quảng cáo dẫn đến xu hướng báo hóa mạng xã hội, báo hóa trang tin đang tiếp tục diễn ra khá phổ biến. Trả lời nội dung chất vấn này, tại kỳ họp thứ 4, Bộ trưởng có cam kết đến năm 2023 vấn đề báo hóa mạng xã hội, báo hóa trang tin sẽ được giải quyết căn cơ. Tuy nhiên, với xu hướng sụt giảm nguồn thu từ hoạt động quảng cáo, 80% quảng cáo trực tuyến chảy vào mạng xã hội thì việc giải quyết căn cơ là khó khả thi. Xin Bộ trưởng đánh giá thực chất hơn tình trạng này, ngoài Bộ Thông tin và Truyền thông thì còn có trách nhiệm của cơ quan nào và những giải pháp cụ thể trong thời gian tới.

Trả lời nội dung chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Liên quan đến xử lý tình trạng báo hóa tạp chí, trang tin, mạng xã hội.

Bộ Trưởng cho biết, việc đầu tiên là phải công bố công khai tiêu chí nhận dạng, thế nào là báo hóa tạp chí mạng xã hội, trang tin đã làm rồi.

Thứ hai là có phát triển được phần mềm dựa trên những tiêu chí đó để rà soát hằng ngày, đánh giá và phát hiện không? Phần mềm này đã được phát triển và đang sử dụng rồi, có theo dõi hằng ngày và hằng tháng đều có gửi nhắc nhở đến các cơ quan báo chí, nhất là tạp chí, mạng xã hội, trang tin.

Vấn đề tăng cường thanh tra, kiểm tra, vấn đề báo hóa tạp chí, trang tin mạng xã hội thì Bộ Thông tin và Truyền thông trong 4 năm qua, năm nào cũng tăng số lượng đoàn thanh tra, kiểm tra khoảng 20%/1 năm và sau 4 năm tăng gấp đôi.

Trước đây, có một đối tượng rất quan trọng về quản lý cơ quan báo chí mà chúng ta không đề cập đến, cơ quan chủ quản báo chí. Trước đây cơ quan báo chí là một hội, sau khi xin được giấy phép thành lập ra cơ quan báo chí xong tự hoạt động. Vừa qua, đã ban hành khá nhiều  quy định của cả Ban Tuyên giáo, của cả Bộ Thông tin và Truyền thông nói về trách nhiệm của cơ quan chủ quản, mà trách nhiệm này đã được ghi trong Luật Báo chí, như: Phải đảm bảo điều kiện vật chất ban đầu, phải tổ chức thanh tra, kiểm tra và đánh giá cán bộ.

Ban Bí thư gần đây đã ban hành một quy định về công tác cán bộ của những người đứng đầu cơ quan báo chí, bổ nhiệm như thế nào, miễn nhiễm như nào, kỷ luật như thế nào, khen thưởng như thế nào. Trường hợp, cơ quan báo chí đó trong một năm mà 2 lần bị xử phạt hành chính về chuyện không hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích thì xem xét kỷ luật, miễn nhiệm Tổng Biên tập, rất mạnh.

Về mặt xử lý hành chính Bộ trưởng đã báo cáo, trước kia chỉ xử lý cơ quan báo chí, hiện nay xử lý trực tiếp Tổng Biên tập và phóng viên luôn. Quy định của Ban Bí thư nói rất rõ, khi cơ quan báo chí của mình vi phạm luật pháp thì xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí... Bộ trưởng cho biết thêm, hiện nay phải quan tâm đến cả vấn đề kinh tế báo chí và kinh tế báo chí có 2 hướng:

Thứ nhất, các cơ quan chủ quản phải đủ điều kiện, đủ năng lực, đủ nguồn để hỗ trợ cho cơ quan báo chí, nhất là có đủ các điều kiện ban đầu thì hãy thành lập cơ quan báo chí. Cơ quan báo chí hoạt động, cũng cần rất nhiều nếu yêu cầu thành lập xong để họ ra họ làm ăn, họ kiếm tiền xong có khi họ nộp lại cơ quan chủ quản thì không được.

Thứ hai, khi các cơ quan nhà nước thực hiện truyền thông chính sách cũng có một nguồn ngân sách để đặt hàng các cơ quan báo chí, đặc biệt là cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản. Như vậy, cơ quan báo chí sẽ thực hiện ngôn luận cho cơ quan chủ quản để cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm không chỉ là điều kiện ban đầu, kể cả một phần kinh phí thường xuyên cho các cơ quan báo chí. 

Ái Thi - Hồng Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN