Phòng chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh

13/11/2024 - 05:43

BDK - Thời gian qua, ngành giáo dục tích cực đẩy mạnh thực hiện việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Tuy nhiên, gần đây trên phạm vi toàn tỉnh, tình trạng học sinh (HS) đánh nhau bên ngoài và cả trong nhà trường có chiều hướng gia tăng. Để ngăn chặn các vụ việc bạo lực học đường (BLHĐ) có thể xảy ra trong thời gian tới cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài.

Giáo viên cải thiện môi trường học tập trải nghiệm tích cực giúp học sinh gắn kết nhau hơn trong sinh hoạt và học tập.

Số vụ gia tăng

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), thời gian qua, số vụ BLHĐ trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng. Từ tháng 9-2022 đến tháng 9-2023, ghi nhận 14 vụ việc BLHĐ, với 53 HS có liên quan. Riêng từ ngày 1-9-2023 đến nay, ghi nhận 23 vụ BLHĐ, với 62 HS có liên quan, gây tổn hại tinh thần 8 em, 17 em bị tổn hại về vật chất. Đặc biệt, gần 1 tháng nay, liên tiếp phát hiện một số vụ BLHĐ xảy ra đặc biệt ở huyện Bình Đại. Có vụ việc đến mức nghiêm trọng ghi nhận tại huyện Giồng Trôm...

Mới đây, nữ sinh lớp 7 Trường THCS Bình Thắng, xã Đại Hòa Lộc (Bình Đại) bị 2 nữ sinh trường khác cùng trên địa bàn huyện đánh bằng mũ bảo hiểm, phải nhập viện điều trị. Đoạn clip sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc. Thời điểm xảy ra sự việc, có nhiều HS đứng gần đó. Tuy nhiên, các em này không can thiệp, ngăn chặn mà làm ngơ như không có chuyện gì xảy ra, vô tư đứng quay clip.

Trong tháng 10-2024, tại Trường THPT An Thới (Mỏ Cày Nam) xảy ra trường hợp 3 HS lớp 10 đã tham gia đánh bạn cùng lớp. Ngay khi xảy ra sự việc, nhà trường đã đưa HS bị đánh đến Bệnh viện Khu vực Cù Lao Minh, huyện Mỏ Cày Nam để kiểm tra và theo dõi sức khỏe. Trước đó, vào tháng 5-2024, một nam sinh lớp 9 Trường THCS Phước Long (Giồng Trôm) bị một nhóm 11 người đánh hội đồng phải nhập viện cấp cứu khiến gia đình và dư luận vô cùng bức xúc. Sau thời gian điều trị tích cực, các bệnh nhân đã được xuất viện.

Một số vụ việc BLHĐ được ghi nhận gần đây, một lần nữa đặt ra câu hỏi về những câu chuyện ứng xử trong môi trường học đường. Vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là vì sao khi xảy ra va chạm, xích mích nhiều HS lại lựa chọn cách giải quyết bằng hành động đánh nhau. Thậm chí đám đông xúi giục mạnh hơn, quay clip phát tán chia sẻ như lập được một kỳ công lớn. Ngay sau mỗi sự việc xảy ra hoặc bị phát hiện, dư luận bức xúc lên tiếng, nhà trường và các đơn vị, cá nhân có liên quan cũng đưa ra các giải pháp xử lý, ngăn chặn nhưng dường như vẫn chưa thực sự ngăn chặn triệt để nạn BLHĐ. Theo thống kê của Sở GD&ĐT, hiện có trên 10 HS có nguy cơ BLHĐ cao.

Theo đánh giá của Phó giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Bé Hai, BLHĐ có nhiều nguyên nhân, có thể kể đến là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, của các nền tảng mạng xã hội, bên cạnh những mặt tích cực đã để lại nhiều vấn đề tiêu cực, làm ảnh hưởng tới suy nghĩ của giới trẻ.

Mặt khác, hiện nay, con cái được cha mẹ bênh vực, bao che, bảo bọc. Trong nhiều trường hợp các vụ bạo lực xảy ra, cha mẹ tìm ngay duyên cớ để phán tội nhưng bỏ qua các nguyên nhân sâu xa. Nguyên nhân nữa là do thiếu sự quan tâm của gia đình. Đặc biệt, các HS có cha, mẹ đi làm ăn xa, ở nhà với ông, bà... hoặc có những trường hợp cha mẹ ly thân, ly hôn, các em phải ở với một bên cha hoặc mẹ. Có những em phải ở một mình gần thân tộc, bà con, họ hàng nhưng không sống chung một mái nhà nên việc quản lý, giáo dục gặp nhiều khó khăn.

Một số giải pháp

Chia sẻ về giải pháp xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực, vi phạm pháp luật đối với HS, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Đại Võ Văn Trung cho biết: Thời gian qua, các trường từ bậc mầm non đến tiểu học, THCS trên địa bàn huyện đã thực hiện lồng ghép tích hợp hiệu quả các nội dung giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống vào các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật, đảm bảo an ninh, an toàn trường học, kỹ năng về phòng chống BLHĐ cho HS. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Tại Trường THCS Lê Hoàng Chiếu (Bình Đại), để phòng chống BLHĐ, ngay đầu năm học, nhà trường triển khai nhiệm vụ năm học và ban hành nội quy nhà trường. Trong đó quy định rõ hành vi, ngôn ngữ ứng xử và các hành vi HS không được làm. Giáo viên chủ nhiệm lớp phổ biến cho phụ huynh HS nắm rõ và thực hiện ký cam kết với nhà trường.

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hoàng Chiếu Uông Quang Minh, năm học 2024 - 2025, nhà trường có trên 870 HS. Đa số các em HS rất chăm, ngoan và năng động. Nhà trường xây dựng hòm thư giáo viên Tổng phụ trách Đội và hòm thư Hiệu trưởng để các em HS phản ánh, chia sẻ tâm tư, tình cảm cá nhân. Hàng tuần, hòm thư được mở 1 lần vào dịp cuối tuần. Qua đó, nhà trường phối hợp với giáo viên Tổng phụ trách Đội giải quyết triệt để các khúc mắc hay những ý kiến phản ánh của các em tại buổi sinh hoạt cờ đầu tuần.

Chia sẻ vấn đề này, chị Huỳnh Thị Anh Thư (phụ huynh HS địa bàn TP. Bến Tre) cho biết: “Để giải quyết vấn đề BLHĐ, cần có sự quan tâm từ nhiều phía. Trước hết là gia đình, phụ huynh nên trao đổi nắm tâm tư, tình cảm của con trẻ. Qua đó, kịp thời định hướng rèn luyện tính cách và kiểm soát cảm xúc. Môi trường gia đình là nền tảng đầu tiên và có vai trò quyết định. Do đó, các bậc phụ huynh không nên phó thác chuyện giáo dục con em mình hết cho giáo viên, nhà trường mà phải cộng đồng trách nhiệm”.

Anh Lê Anh Trọng (phụ huynh HS) cũng cho hay: “Nhà trường và giáo viên cần cải thiện chương trình giảng dạy và tạo ra môi trường học tập tích cực. Các cơ quan quản lý giáo dục cần phối hợp chặt chẽ và cung cấp hướng dẫn cụ thể về cách phòng, ngăn chặn BLHĐ”.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Bé Hai yêu cầu, các cơ sở giáo dục tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống BLHĐ. Thực hiện lồng ghép, tích hợp có hiệu quả các nội dung giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng. Tăng cường phố hợp với các cơ quan, tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật, đảm bảo an ninh, an toàn trường học; phối hợp giữa nhà trường và gia đình. Phụ huynh HS ký cam kết với nhà trường về nghiêm chỉnh chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm cho HS khi tham gia giao thông.

“Để xây dựng trường học thật sự là nơi học tập, rèn luyện, không chỉ trang bị cho HS kiến thức mà còn giáo dục các em thành người. Công tác phòng chống BLHĐ không phải là câu chuyện một sớm một chiều mà cả một quá trình dài. Do đó, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội. Trước hết, trách nhiệm của nhà trường, gia đình, rồi đến các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội. Nhà trường cần tăng cường tuyên truyền về phòng chống BLHĐ để HS nhận thức được việc bạo hành là vi phạm pháp luật”.

(Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Võ Văn Bé Hai)

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN