BDK - Từ lâu, người dân ven biển Bình Ðại, Ba Tri, Thạnh Phú ví con nghêu như “vàng trắng” vì mang giá trị rất lớn giúp họ có cuộc sống sung túc. Tại bãi biển, hàng trăm con người ngày đêm túc trực, bám trụ lại cùng với sóng gió để giữ nghêu và góp phần cùng các lực lượng bảo vệ an ninh trật tự vùng biên giới biển của Tổ quốc.
Những chiếc chòi canh bên bãi biển của lực lượng bảo vệ. Ảnh: Hoàng Trung
Trước biển, sau rừng
Những ngày cuối năm, sau nhiều lần hẹn, chúng tôi cũng đến xã biên giới biển Thới Thuận trong không khí tươi vui, ấm áp khi vùng căn cứ cách mạng này đang thay đổi từng ngày. Từ trung tâm tỉnh lỵ phải mất gần 2 giờ chạy xe máy với đoạn đường hơn 70km để đến điểm cuối cùng của quốc lộ 57B nằm ngay sát bãi biển Thới Thuận. Từ đây, chúng tôi đi bộ xuyên vạt rừng phòng hộ toàn cây đước, mắm, bần rồi đi vỏ lãi và cuối cùng là đi dọc bờ biển mất thêm 1 giờ nữa mới đến bãi nghêu của Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Rạng Đông (xã Thới Thuận, huyện Bình Đại).
Đến bãi biển, khung cảnh nơi đây vẫn còn hoang sơ vì chỉ toàn rừng và bãi biển mênh mông. Khi thủy triều rút, bãi biển trải dài ngút ngàn tầm mắt nhưng khi nước lớn thì gió kéo theo sóng vỗ ầm ầm xô vào bờ làm những chiếc chòi canh như không trụ vững. Toàn bộ khu vực bãi biển có chiều dài 16km được dựng 13 chòi canh nằm sát bờ và 11 chốt ghe được neo đậu ở phía ngoài để canh giữ bãi nghêu. Những chiếc chòi canh được lợp mái tôn, ván gỗ, trụ bê-tông được đóng sâu xuống lớp cát gần 2m để trụ vững trước sóng to, gió lớn. Lực lượng bảo vệ cả HTX có 71 người luôn túc trực cả ngày lẫn đêm để bảo vệ bãi nghêu. Ở đây chẳng có nhà dân, phía trước chòi canh là biển cả bao la, phía sau là rừng phòng hộ, lực lượng bảo vệ sống quanh năm suốt tháng làm bạn với rừng và biển.
Đứng trên chòi canh cao hơn 3m, Phó giám đốc kiêm Đội trưởng Đội bảo vệ bãi nghêu của HTX Thủy sản Rạng Đông Mai Văn Tiến liên lạc với các chòi canh, trạm ghe ngoài khơi qua máy bộ đàm. Tất cả tình hình an ninh trật tự, số lượng người dân vào giăng lưới, bắt ốc đều được báo cáo bất kỳ lúc nào trong ngày qua máy bộ đàm. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, anh em về chòi canh nấu bình trà ngồi uống nước, nghỉ ngơi giữa sóng biển bao la. Là người có thâm niên hơn 20 năm canh giữ bãi nghêu này, ông Tiến cho biết: “Anh em bảo vệ ở đây chỉ làm bạn với sóng biển, rừng phòng hộ riết rồi cũng quen. Khi nước lớn thì lực lượng chốt ghe phía ngoài thường xuyên tuần tra không cho kẻ gian xâm nhập vào bãi, còn khi nước ròng thì lực lượng các chòi canh phía trong bờ thay phiên nhau tuần tra bất kể ngày hay đêm. Khi có gì bất thường sẽ thông báo cho nhau qua máy bộ đàm và liên lạc với lực lượng chức năng như công an, biên phòng để phối hợp giải quyết. Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới biển mấy năm nay rất ổn định”.
Trung bình hàng tháng, anh em bảo vệ thay phiên nhau nghỉ phép 4 ngày để về thăm gia đình. Đây là thời gian hiếm hoi để anh em về đất liền, vui vầy bên gia đình. Ông Nguyễn Văn Nhung, 60 tuổi, làm bảo vệ tại đây được 4 năm nên đã quen dần với cuộc sống bên bãi biển. Là dân biển Thới Thuận chính gốc, trước đây ông làm đủ thứ nghề để sinh sống từ đánh bắt thủy sản, trồng trọt, đến bắt nghêu thuê cho HTX… Ông Nhung tâm sự: “Là dân biển nên khi đến đây làm bảo vệ phía sau là rừng, phía trước là biển cũng không xa lạ gì. Tại đây luôn có anh em bảo vệ quan tâm, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, đỡ buồn chán. Bản thân luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, gìn giữ tài sản cả HTX và góp phần tuần tra, bảo vệ an ninh trật tự của vùng biển quê hương”.
Đón giao thừa nơi biển xanh
Năm nay là năm thứ 22 anh Nguyễn Văn Cường Em, sinh năm 1987, tham gia bảo vệ tại bãi nghêu với hơn chục năm đón giao thừa tại bãi biển. Anh Cường Em kể lại: “Năm đầu tiên mình ra đây đón giao thừa khi mới 18 tuổi với cảm giác rất buồn khi bạn bè vui vầy bên gia đình, hay tham gia tiệc tùng, đi vui xuân ở các khu vui chơi, hội chợ… Lâu dần cảm giác đón giao thừa rồi đón Tết ngay trên bãi biển cũng quen dần và có cảm giác thú vị riêng khi được xem bắn pháo hoa rất rõ từ các hướng ở huyện Bình Đại hay Ba Tri đều nhìn thấy. Đón giao thừa anh em cũng bày mâm cúng theo truyền thống của ông bà rồi vui vầy đón chào năm mới”.
Khai thác nghêu. Ảnh: Hoàng Trung
Đêm giao thừa nơi biển xanh đối với ông Nguyễn Văn Nhung cũng vui vẻ chẳng khác gì trong bờ. Ông Nhung cho rằng: “Mấy năm đón Tết ở đây rất vui vẻ cùng anh em trong đội bảo vệ khi các chòi canh gần đến chúc Tết uống ly trà đón năm mới. Những ngày Tết đều có lãnh đạo HTX đến thăm, chúc mừng năm mới nên quên mất cảm giác ở nơi biển cả bao la chỉ toàn gió và sóng biển. Mâm cơm ngày Tết được vợ con chuẩn bị rất đầy đủ nào là thịt kho, bánh mứt, lạp xưởng… để sử dụng trong suốt ca trực. Vì vậy, bây giờ chuyện trực ca trước ngay giao thừa hay trực ca sau trong mấy ngày Tết đối với anh em là chuyện bình thường”.
Mấy năm nay, cuộc sống của anh em bảo vệ rất ổn định nên an tâm xa gia đình để làm nhiệm vụ. Nhờ có lực lượng bảo vệ, tài sản là hàng triệu con nghêu nằm dưới lớp cát nơi biển xanh với giá trị hàng chục tỷ đồng được giữ gìn và là nguồn thu lớn của bà con xứ ven biển này. Ông Mai Văn Trung, thành viên HTX Thủy sản Rạng Đông cho biết: “Hàng năm, mỗi thành viên trong gia đình tôi đều được chia lợi nhuận khoảng 1 triệu đồng/người từ con nghêu. Ngoài ra, gia đình tôi còn được phát phiếu bắt nghêu và mua phiếu bắt thuê từ những gia đình già, neo đơn nên có việc làm quanh năm. Mỗi phiếu bắt thuê được HTX trả công 180 ngàn đồng, nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với việc làm thuê, làm mướn bên ngoài. Mấy năm nay, nguồn thu từ con nghêu rất lớn nên bà con có cuộc sống ổn định. Trong đó, có đóng góp của lực lượng bảo vệ bãi nghêu của HTX luôn canh gác ngày đêm”.
Năm nay, HTX được Đảng ủy xã Thới Thuận giao chỉ tiêu khai thác 36 tỷ đồng, đến thời điểm này đã thu hoạch đạt 52 tỷ đồng, vượt rất nhiều so với kế hoạch đề ra nên chia lợi nhuận cho bà con cao hơn so với mọi năm. Giám đốc HTX Thủy sản Rạng Đông Nguyễn Quốc Dũng cho biết: “HTX Thủy sản Rạng Đông là HTX đặc thù quản lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên là con nghêu tại bãi biển. Mấy năm nay, nhờ thiên nhiên ưu đãi nên lượng nghêu sản sinh tại vùng biển Thới Thuận khá lớn. Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng bán nghêu giống đạt 80 tấn, mang lại nguồn thu 10 tỷ đồng, nghêu thương phẩm khoảng 42 tỷ đồng nên bà con xã viên rất phấn khởi. Toàn bộ tài sản của HTX đều giao cho lực lượng bảo vệ túc trực 24/24 để canh giữ, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ bờ biển.
Ngoài ra, lực lượng bảo vệ của HTX còn phối hợp với các lực lượng công an, quân đội, biên phòng giữ gìn an ninh bờ biển. Trong đó, phối hợp với quân sự xã Thới Thuận thành lập trung đội dân quân biển và hàng năm đều có huấn luyện để làm sao bảo vệ tốt tình hình an ninh trật tự tại vùng bờ biển”.
Chiều tối, chúng tôi chia tay đội bảo vệ bãi nghêu trong tiếng sóng vỗ ầm ầm vào bờ biển. Nơi đây, anh em vẫn ngày đêm túc trực để bảo vệ sản vật quý là con nghêu mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng khác để bảo vệ an ninh trật tự trên vùng biên giới ven biển.
Hiện tại, HTX Thủy sản Rạng Đông được Nhà nước cho thuê với diện tích 1.500ha, chiều dài bờ biển 16km với 3.497 hộ thành viên và 9.626 nhân khẩu của toàn bộ xã Thới Thuận. Trung bình hàng năm, mỗi nhân khẩu được chia lợi nhuận 1 triệu đồng. Ngoài được chia lợi nhuận, tất cả những hộ gia đình đều được phát phiếu bắt nghêu thuê cho HTX với số tiền khoảng 10 tỷ đồng/năm. Nhờ vậy, bà con có việc làm với tiền công 180 ngàn đồng/phiếu. Những gia đình neo đơn, người già không bắt nghêu thuê được có thể nhượng lại phiếu bắt nghêu thuê với khoảng 50% tiền công.