BDK - Ðề án Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1519/QÐ-UBND ngày 12-7-2022. Sau 2 năm triển khai thực hiện, các chỉ tiêu cụ thể đã đạt được theo đúng tiến độ. Ðề án được người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống, hoa kiểng, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm và tích cực tham gia thực hiện cùng cơ quan quản lý nhà nước, bước đầu đã hình thành được một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung cây giống, hoa kiểng thực hiện liên kết chuỗi giá trị.
Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh thực hiện nuôi cấy mô và lưu trữ nguồn mẫu trên 4 nhóm cây: kiểng hoa, dược liệu, cây ăn trái ngắn ngày và cây dừa. Ảnh: Phương Thảo
Đẩy nhanh tiến độ
Thời gian qua, các đơn vị chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và địa phương, các đơn vị trong ngành thẩm định, công nhận 159 cây đầu dòng các loại và 924 vườn cây đầu dòng, đủ cung ứng 30 - 40 triệu mắt ghép cho các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh. Bên cạnh đó, Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh sưu tập và trồng bảo tồn các cây ăn trái đặc sản của địa phương đã được công nhận cây đầu dòng với 22 chủng loại như: sầu riêng, chôm chôm, nhãn, mít, xoài, bưởi, vú sữa... tại Cơ sở 2 ấp Vĩnh Bắc, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách.
Theo Giám đốc Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Nguyễn Quốc Trung, đến nay đã xây dựng đạt 2.105,93ha diện tích sản xuất cây giống, hoa kiểng tập trung thuộc 3 xã Phú Sơn (633,23ha), Long Thới (585ha) và Vĩnh Thành (887,7ha). Diện tích sản xuất cây giống và hoa kiểng tăng, chứng tỏ nhu cầu về cây giống trong và ngoài tỉnh cũng ngày càng tăng. Về liên kết chuỗi giá trị, có 14 HTX và 35 THT, làng nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng tham gia liên kết chuỗi giá trị. Các HTX, THT và làng nghề tạo liên kết chủ yếu là liên kết đầu vào (nguồn mắt ghép, cành ghép, gốc ghép…).
Bên cạnh đó, Trung tâm phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về vai trò của cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng và các quy định của pháp luật trong sản xuất giống cây trồng. Xây dựng, thẩm định và ban hành 15 quy trình sản xuất cây giống, hoa kiểng chủ lực trong tỉnh; nuôi cấy mô và lưu trữ nguồn mẫu trên 4 nhóm cây: kiểng hoa, dược liệu, cây ăn trái ngắn ngày và cây dừa…
Vụ hoa kiểng Tết năm 2025, Trung tâm chuyển giao hơn 10 ngàn sản phẩm giống hoa kiểng cho người dân trồng, chủ yếu là giống cúc mâm xôi nuôi cấy mô. Trung tâm đang từng bước hướng dẫn người dân trồng hoa thay đổi tập quán sản xuất, sử dụng giống hoa đạt chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nâng tầm quốc gia
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh cho biết, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ đăng ký vốn đầu tư nâng cấp và cải tạo Cơ sở 2. Tiếp tục tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng và phát triển Chợ Lách thành trung tâm (vùng) sản xuất và kinh doanh cây giống, hoa kiểng tầm khu vực và quốc gia.
Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh đóng vai trò nòng cốt, chủ trì các công việc, nhiệm vụ đầu mối, nghiên cứu chuyên sâu; làm cầu nối trung gian giữa người sản xuất, HTX, THT với các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm cây giống, giúp cho mối liên kết được bền vững, góp phần phát triển thương hiệu.
Đề án Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia xác định mục tiêu sưu tập và bảo tồn 1 - 3 cây đầu dòng/giống và vườn cây đầu dòng chủ lực đủ số lượng 30 - 40 triệu mắt ghép/năm để cung ứng sản xuất giống đạt số lượng từ 17 - 20 triệu cây giống/năm. Xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung đạt 300 - 500ha trên diện tích 1.500ha cây giống, hoa kiểng của huyện Chợ Lách gắn với phát triển chuỗi giá trị cây giống, hoa kiểng. Trong đó có 1 HTX liên vùng (gồm 3 xã Vĩnh Thành, Phú Sơn và Long Thới) có doanh thu đạt 100 tỷ đồng/năm. Sản lượng cây giống trong tỉnh cung ứng trong năm trên 90% đạt tiêu chuẩn sản xuất giống, tiêu chuẩn cơ sở và tiêu chuẩn ngành theo Luật Trồng trọt, Luật Bảo vệ và kiểm định thực vật, các văn bản hướng dẫn khác…
Trong đó, giai đoạn 2022 - 2025, tích cực áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Sưu tập và bảo tồn một số cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng chủ lực tại các hộ dân sản xuất, kinh doanh cây giống trong tỉnh và tại Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh, cây đầu dòng mỗi giống từ 1 - 3 cây và 3 - 5 vườn cây đầu dòng/giống, đủ số lượng để cung cấp 30 - 40 triệu mắt ghép cho sản xuất 17 - 20 triệu cây giống/năm… Đến năm 2030, sưu tập và bảo tồn một số cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng chủ lực của tỉnh để hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh có khả năng cung ứng hơn 90% giống cây trồng, sản phẩm hoa kiểng lưu thông trên thị trường đạt yêu cầu số lượng, chủng loại và chất lượng…
“Để phát huy tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra nhiệm vụ xây dựng Đề án Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia nhằm tạo sức bật mạnh mẽ về định hướng đầu tư và sản xuất cho ngành giống cây trồng, hoa kiểng, nhanh chóng tạo ra các giống cây trồng, hoa kiểng mới, có giá trị kinh tế cao, góp phần hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập cho người sản xuất giống và cả người trồng, góp phần cải thiện đời sống người dân nông thôn. Hướng đến tổ chức lại sản xuất nghề cây giống, hoa kiểng huyện để Chợ Lách trở thành Trung tâm (vùng) sản xuất cây giống và hoa kiểng mang tầm quốc gia vào năm 2025”.