Phát triển cây giống, hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia

14/10/2022 - 05:37

BDK - Sản xuất cây giống, hoa kiểng là ngành nghề truyền thống của Chợ Lách. Bên cạnh yếu tố tự nhiên khá thuận lợi, tay nghề cao của người sản xuất là một ưu thế quan trọng đã tạo nên thương hiệu cây giống, hoa kiểng Cái Mơn, Chợ Lách trên thị trường trong và ngoài nước. Đề án Phát triển cây giống, hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia và Đề án Xây dựng huyện Chợ Lách thành trung tâm giống cây trồng, hoa kiểng quy mô quốc gia được xây dựng để phát triển nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng của huyện tương xứng với tiềm năng.

Chợ Lách triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển sản xuất cây giống, hoa kiểng đạt chuẩn, đúng quy định. Ảnh: T. Đồng

Chợ Lách triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển sản xuất cây giống, hoa kiểng đạt chuẩn, đúng quy định. Ảnh: T. Đồng

Sự cần thiết xây dựng đề án

Theo số liệu thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chợ Lách, diện tích sản xuất cây giống, hoa kiểng tập trung chủ yếu ở xã Vĩnh Thành (71ha), xã Hưng Khánh Trung B (69ha), xã Vĩnh Hòa (28ha) và xã Phú Sơn (24ha). Gần đây, nhất là từ sau đợt hạn mặn khốc liệt mùa khô năm 2019-2020, ngành nghề này cũng bắt đầu lan rộng sang các xã khác trên địa bàn huyện như: Long Thới, Hòa Nghĩa, Sơn Định, Phú Phụng.

Kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy giá trị sản xuất và lợi nhuận của cây giống, hoa kiểng cao hơn nhiều lần so với trồng cây ăn trái, mang lại thu nhập khá cao và ổn định cho người sản xuất. Đây là hướng chuyển đổi phù hợp trong điều kiện diện tích bình quân đầu người của huyện thấp và vườn cây ăn trái quá mẫn cảm với các hiện tượng thời tiết bất thường nhất là xâm nhập mặn hàng năm.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ ngành chức năng, quy mô lớn và có xu hướng tăng nhanh trong nghề sản xuất cây giống ở Chợ Lách cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi cung vượt cầu. Bên cạnh đó, việc tuân thủ quy định pháp luật về cây giống của người dân chưa thật sự chặt chẽ. Sản xuất cây giống còn nhỏ lẻ, tự phát, không đảm bảo nguồn gốc, chất lượng, gây ảnh hưởng đến thương hiệu cây giống Chợ Lách.

Để khắc phục tình trạng trên, giúp ngành nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng của huyện phát triển bền vững đem lại thu nhập cao cho người sản xuất, kinh doanh, cần nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời và khoa học. Theo đó, xây dựng Đề án Phát triển cây giống, hoa kiểng của huyện là cần thiết. Huyện xác định mục tiêu đề án là phối hợp với Sở NN&PTNT trong hoạt động tại Trung tâm cây giống, hoa kiểng của tỉnh cơ sở 2 tại xã Vĩnh Thành, có nơi nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng và quy hoạch khu bảo tồn giống quý, nhập giống mới, đảm bảo đủ diện tích để trồng, cung cấp nguồn giống phục vụ sản xuất đạt chuẩn và chuyển giao công nghệ cho người dân, ổn định sản xuất cây giống trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Quan trọng nhất là xây dựng được quy trình sản xuất cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, gốc ghép, cây nguyên liệu sản xuất đảm bảo số lượng và chất lượng. Đồng thời, nâng cao trình độ kỹ thuật cho người sản xuất cây giống, hoa kiểng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường.

Yếu tố quan trọng thứ hai là hoàn thiện được chuỗi giá trị cây giống, hoa kiểng Chợ Lách. Trong đó, có việc việc củng cố và phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác, làng nghề của huyện, kết nối thị trường giữa các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), làng nghề sản xuất với các cơ sở, doanh nghiệp, trung tâm cây giống, hoa kiểng trong và ngoài tỉnh, các công ty nhập khẩu ở nước ngoài. Chú trọng củng cố việc xây dựng thương hiệu, đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu, khai thác hiệu quả sàn giao dịch điện tử về cây giống của huyện.

Các giải pháp triển khai đề án

Theo Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách cho biết, để triển khai thực hiện các mục tiêu mà đề án đưa ra, huyện sẽ chú trọng vào các giải pháp đồng bộ như: mở các lớp đào tạo cho các cơ sở sản xuất, nhằm nâng cao trình độ sản xuất cây giống, duy trì nguồn giống và ổn định sản lượng cũng như lai tạo phát triển những giống cây mới, quy hoạch, chuyển đổi sản xuất giống phù hợp, vận động người dân tham gia vào các HTX, THT để đảm bảo nguồn đầu ra, đầu vào ổn định, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, định hướng sản xuất rõ ràng phù hợp với nhu cầu thị trường, cũng như thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị cây giống, hoa kiểng. Kế hoạch hành động của đề án tập trung thực hiện 3 chiến lược, gồm: củng cố nguồn giống và áp dụng công nghệ, chiến lược tăng đầu tư phát triển và cải thiện kênh phân phối.

Đề án Xây dựng huyện Chợ Lách thành trung tâm giống cây trồng, hoa kiểng quy mô quốc gia do UBND huyện Chợ Lách phê duyệt được thực hiện trên địa bàn huyện Chợ Lách, trong đó tập trung vào việc sản xuất của nông dân đạt tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn cơ sở, nhằm cung cấp giống cây trồng và hoa kiểng cho cả nước. Kết quả kỳ vọng của đề án trong giai đoạn 2022 - 2025 là huyện có khả năng cung cấp từ 17 - 18 triệu cây giống/năm, cung ứng 40% cây ăn trái cho cả nước. Đồng thời, giữ ổn định ở mức 40 triệu mắt ghép/năm và 40 triệu gốc ghép/năm, lợi nhuận bình quân giai đoạn 2022 - 2025 đạt 600 triệu đồng/năm/ha.

Đề án Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia do UBND tỉnh phê duyệt và là một trong 11 chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh được đề ra trong Nghị quyết nhiệm kỳ 2020 - 2025. Mục tiêu cụ thể của đề án là phát triển sản xuất giống cây trồng, hoa kiểng theo hướng công nghiệp, cung cấp cho việc sản xuất đủ giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường, góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất nghề cây trồng, hoa kiểng huyện Chợ Lách để huyện Chợ Lách nói riêng và Bến Tre nói chung trở thành Trung tâm sản xuất, kinh doanh cây trồng, hoa kiểng mang tầm quốc gia.

Thanh Đồng (ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN