BDK - Ðại hội XIII của Ðảng đã xác định, khoa học, đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ đột phá chiến lược phát triển của nước ta. Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XII cũng đã quyết nghị một trong những mục tiêu quan trọng của nhiệm kỳ 2020 - 2025 là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp (DN). Theo đó, Tỉnh ủy đã ban hành Ðề án phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Dây chuyền công nghệ sản xuất sữa dừa của Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre (Beinco), xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc. Ảnh: Phúc Hậu
Hỗ trợ doanh nghiệp
Hiện toàn tỉnh có 6.595 DN với vốn đăng ký 78.379,5 tỷ đồng (hiện có 4.193 DN đang hoạt động, vốn 61.142,6 tỷ đồng). DN trên địa bàn tỉnh những năm gần đây không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, có nhiều đóng góp tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Vai trò của DN là lực lượng chủ lực, tiên phong tạo việc làm và sinh kế cho nhiều lao động, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển.
Với mục tiêu tạo điều kiện cho các DN phát triển trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng lợi nhuận, cũng như thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong DN và lan tỏa đến đông đảo người dân, tạo nguồn động lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, Sở KH&CN đã phối hợp với các ngành tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ DN như: Nghị quyết số 31/2020/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ đổi mới, chuyển giao, ứng dụng công nghệ thông qua thực hiện nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030. Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa đến năm 2030. Bên cạnh đó, DN KH&CN còn được ưu đãi, hỗ trợ theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong thời gian qua, KH&CN từng bước thể hiện vai trò là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế và hoạt động đổi mới sáng tạo trong DN luôn được Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm. Chỉ số (TFP) đóng góp vào tăng trưởng năm 2024 đạt 47%; tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 38,5%. Theo kết quả xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2024 được Bộ KH&CN công bố ngày 30-12-2024, tỉnh Bến Tre đạt 34,26 điểm, xếp hạng 30/63 tỉnh, thành cả nước và xếp hạng thứ ba vùng đồng bằng sông Cửu Long (tăng lên 2 bậc so với năm 2023). Đây được xem là một thứ hạng khá tốt của tỉnh về đổi mới sáng tạo.Năm 2024, có 8 sản phẩm KH&CN được thương mại, đạt 133,33%. Đã xác lập quyền cho 53 nhãn hiệu cộng đồng (9 chỉ dẫn địa lý, 10 nhãn hiệu công nghiệp, 34 nhãn hiệu tập thể). Tổng vốn huy động thông qua các nhiệm vụ KH&CN là 106.818 triệu đồng. Tỷ lệ ngân sách nhà nước/ngoài ngân sách nhà nước là 63.818/43.000 triệu đồng, đạt 1,48:1. Năng lực thu hút nguồn lực tài chính từ ngân sách sự nghiệp KH&CN địa phương 63.818/106.818 triệu đồng, tương đương 1:1,67. Đến nay, tỉnh có 11 DN KH&CN và 16 tổ chức KH&CN được cấp phép hoạt động KH&CN…
Kết quả này đã góp phần tạo điều kiện tốt nhất cho các DN hoạt động và phát triển cả về chất và lượng, nâng cao năng lực KH&CN, xúc tiến thị trường; năng lực hội nhập kinh tế quốc tế; đóng góp nhiều hơn cho giá trị sản xuất, tăng trưởng kinh tế. Điển hình như sản phẩm từ dừa của tỉnh được xuất khẩu đi khoảng 90 quốc gia và trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Giải pháp thời gian tới
Hiệu quả đổi mới sáng tạo trong DN là do nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản cố định và lao động hoặc các nhân tố hữu hình nhờ vào tác động của các nhân tố vô hình như đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động... Việc nâng cao hiệu quả này đã phản ánh được mức độ đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong DN, nâng cao đóng góp của DN trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, thời gian tới cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường đầu tư cho giáo dục và đào tạo, nâng cao tay nghề và trình độ kỹ thuật cho người lao động đáp ứng yêu cầu phát triển. Hoàn chỉnh, nâng cao chất lượng giáo dục ở các ngành học và các bậc học. Trong đó, chú trọng các dự án thuộc các lĩnh vực đào tạo nghề, kỹ năng mềm, phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo.
Thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư vào nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất, kinh doanh. Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các DN KH&CN, DN đổi mới sáng tạo, các công ty có tiềm năng lớn về vốn và năng lực trong việc đầu tư, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào tỉnh.
Phát triển KH&CN. Xây dựng lộ trình phát triển và đổi mới công nghệ vào các ngành, lĩnh vực trọng tâm, thế mạnh của tỉnh để tạo ra sự bứt phá của một số công nghệ cao có tác động tích cực đến sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế. Khuyến khích các tổ chức nghiên cứu khoa học tham gia trao đổi sản phẩm công nghệ trên thị trường, đồng thời sử dụng FDI như là xung lực để tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy công nghệ phát triển. Có chính sách thu hút lực lượng chuyên gia khoa học kỹ thuật giỏi trong và ngoài tỉnh, kể cả người nước ngoài tham gia công tác chuyển giao kiến thức, công nghệ. Hình thành thị trường công nghệ với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế.
Tốc độ đổi mới sáng tạo trong DN và mức độ đóng góp DN vào tăng trưởng kinh tế phản ánh đầy đủ và toàn diện nhất hiệu quả sử dụng các nguồn lực, hiệu quả ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, trình độ năng lực quản lý. Trước bối cảnh kinh tế thời kỳ hội nhập, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, qua đó nâng cao đóng góp của DN, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh trong thời gian tới.
PGS.TS. Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ