
Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. (Ảnh: TTXVN)
Thảo luận tại hội trường sáng nay (17-2-2025) về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhiều đại biểu đã đề xuất ưu đãi thuế, hình thành các tổ hợp khoa học công nghệ… để tạo ra sự bứt phá trong lĩnh vực này.
Đề xuất quyền thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu của mình
Nền kinh tế của Việt Nam với mô hình tăng trưởng dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao và yếu tố động lực của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng rõ nét đòi hỏi cần có các cơ chế, chính sách phục vụ cho mục đích này.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), nghị quyết tạo ra đột phá rất lớn thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ và kỳ vọng đây là lĩnh vực đột phá cho phát triển đất nước. Hơn nữa, nhiều tháo gỡ về thể chế hiện nay được đưa ra trong dự thảo nghị quyết này, như việc tăng ngân sách khoa học công nghệ và chấp nhận rủi ro cho nghiên cứu khoa học công nghệ, sẽ hỗ trợ rất lớn để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu.
Mặt khác, việc khoán chi các hoạt động trong quá trình nghiên cứu sẽ giúp các nhà khoa học không phải bận tâm trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, lo hoàn thiện giấy tờ để đáp ứng các yêu cầu quản lý và thời gian để chi cho việc hành chính còn nhiều hơn cho hoạt động nghiên cứu…
Tuy vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị bỏ tất cả các quy định liên quan tới đấu thầu trong nghiên cứu khoa học công nghệ, bởi một đề tài năm nay đấu thầu được thì đúng thời gian, nhưng năm sau không đấu thầu được thì sẽ phải bỏ đi, do vậy phải chuyển sang cơ chế đặt hàng giao nhiệm vụ và khoán chi, không thực hiện đấu thầu.
Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Hà Nội cũng tán thành việc các cơ quan nghiên cứu được lập doanh nghiệp để chuyển giao kết quả nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, từ đó sẽ tránh tình trạng khi nghiên cứu xong “bỏ tủ.”

Đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất bổ sung thêm quyền thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu của mình, để có thể không ứng dụng trong doanh nghiệp nhưng có thể bán cho người khác và cơ quan khác khi mua về tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng sau. (Ảnh: TTXVN)
"Không phải kết quả nghiên cứu nào cũng có thể triển khai kết quả ứng dụng thông qua doanh nghiệp bởi rất nhiều kết quả nghiên cứu mới có thể trở thành ứng dụng trong doanh nghiệp, vì vậy cần bổ sung thêm vào Điều 9 của nghị quyết, đó là quyền thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu của mình, để có thể không ứng dụng trong doanh nghiệp nhưng có thể bán cho người khác, để cơ quan khác khi mua về tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng sau," ông Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.
Còn theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng), để thúc đẩy phát triển nhanh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc, đón đầu các công nghệ mới, các công nghệ tương lai, điều quan trọng nhất là phải có các cơ chế để đầu tư nhanh kết cấu hạ tầng phục vụ cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số… Tuy nhiên, các quy định vẫn chưa có hoặc mới đề cập chung chung, đặc biệt là các trình tự, thủ tục để đầu tư, xây dựng là rất rườm rà, chưa có các quy chuẩn kỹ thuật cụ thể và không đáp ứng với yêu cầu của Nghị quyết 57-NQ/TW.
Vì vậy, nữ đại biểu đoàn Đà Nẵng đề xuất Quốc hội xem xét bổ sung về trình tự, thủ tục đặc biệt trong đầu tư kết cấu hạ tầng khoa học, công nghệ bằng nguồn ngân sách nhà nước và cơ chế đầu tư kết hợp giữa ngân sách Nhà nước với vốn ngoài nhà nước cùng các nguồn vốn hợp pháp khác (đầu tư bằng tiền, giá trị tài sản, trang thiết bị máy móc; chi phí quản lý vận hành, bảo trì; tài trợ bằng sản phẩm khoa học công nghệ mua từ nước ngoài, mua của doanh nghiệp trong và ngoài nước; hỗ trợ bằng tiền đối với phòng Lab, nhà máy sản xuất quy mô theo yêu cầu của nhà nước…).
Trong khi đó, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đề xuất phải có hệ thống, mạng lưới cơ sở nòng cốt về khoa học công nghệ, tập trung ưu đãi có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, trong các doanh nghiệp nòng cốt nên hình thành các tổ hợp khoa học công nghệ, có cơ chế huy động cả khối doanh nghiệp công-tư, tạo ra chuỗi giá trị trong khoa học công nghệ.
Có chính sách “hút” nhân lực chất lượng cao
Hiện nay, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có sự tác động mạnh mẽ, sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu; công nghệ số trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý Nhà nước, mô hình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội.
Để đón đầu các xu hướng công nghệ hiện nay, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) cho rằng chính sách thu hút, phát triển nguồn nhân sự chất lượng cao cho việc phát triển khoa học và công nghệ là vấn đề rất cấp bách.
Chỉ riêng nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành công nghệ thông tin, theo nghiên cứu của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, năm 2025, Việt Nam thiếu 150.000-200.000 nhân lực, đặc biệt ở các lĩnh vực như AI, Big Data, lập trình viên và bảo mật an ninh mạng. Để có đủ số lượng này, Việt Nam vừa cần có các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm để đào tạo nhân lực trong nước, vừa cần có những nhân sự người nước ngoài đến làm việc ở Việt Nam.
Do vậy, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề xuất có chính sách để các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu có thể tuyển dụng đội ngũ chuyên gia người Việt ở nước ngoài cũng như chuyên gia quốc tế tham gia đào tạo, nuôi dưỡng nhân tài ở Việt Nam thông qua các chính sách như hỗ trợ về thị thực, miễn giảm thuế và các chính sách khác để họ có thể tham gia làm việc và đào tạo nhân tài một cách ổn định, lâu dài tại Việt Nam.
“Chúng ta cần phải có chính sách này một cách kịp thời và cạnh tranh vì hiện nay các nước trong khu vực cũng đã có những chính sách thị thực rất cởi mở để thu hút nhân sự chất lượng cao,” đại biểu đoàn Nghệ An dẫn chứng.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Hoàng Minh Hiếu phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 17-2-2025. (Ảnh: TTXVN)
Ngoài ra, ông Hoàng Minh Hiếu cũng đề xuất bổ sung các chính sách để bảo đảm đầu ra của các nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nước, trong đó tập trung vào việc có chính sách để nhà nước trở thành khách hàng đầu tiên và quan trọng nhất đối với các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nước. Cùng đó, sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức khoa học và công nghệ để khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực nghiên cứu, gắn với quá trình cơ cấu lại ngành khoa học và công nghệ.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Duy Minh (đoàn Đà Nẵng) đề nghị bổ sung cơ chế miễn trừ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân quyết định việc đầu tư, quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng phục vụ cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đối số khi xảy ra thất thoát, lãng phí mà không có nguyên nhân từ tham nhũng, tiêu cực. Theo đại biểu, trong dự thảo mới đề cập đến việc miễn trừ trách nhiệm trong việc xây dựng và ban hành chính sách tại Khoản 2 Điều 19 của dự thảo Nghị quyết mà chưa có quy định miễn trừ trách nhiệm cho người tổ chức thực hiện chính sách như đã nêu ở trên.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh cho hay tại Điều 17 của dự thảo Nghị quyết, mặc dù thời điểm nhà máy chế tạo bán dẫn đi vào sản xuất trước ngày 31-12-2028 thì chính sách hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư mới được áp dụng nhằm tạo áp lực và động lực cho doanh nghiệp về đích sớm 2 năm là một ý tưởng tốt. Tuy nhiên, đối với việc xây dựng nhà máy chế tạo bán dẫn đầu tiên của Việt Nam mà với thời hạn như thế này là khá khó thực hiện và mức hỗ trợ 30% là chưa đủ hấp dẫn.
Do đó, đề ông Minh nghị quy định doanh nghiệp Việt Nam được chọn một trong hai trường hợp, đó là: Doanh nghiệp sử dụng vốn đầu tư để đầu tư dự án sẽ cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ đến hết ngày 31-12-2030 và được hỗ trợ theo các mốc thời gian: 30% vào năm 2030, tăng lên 10% nếu rút ngắn được 01 năm, hỗ trợ 40% vào năm 2029, hỗ trợ 50% vào năm 2028.
Hoặc, doanh nghiệp được phép sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp để đầu tư dự án và cho phép Doanh nghiệp được phép trích quỹ cao hơn 10% (theo quy định hiện hành) trong một số năm để đầu tư nhà máy với thời hạn nhà máy đi vào sản xuất trước ngày 31-12-2030.
Nguồn: Vietnam+