Kỹ thuật chăm sóc cây có múi trong điều kiện hạn mặn

08/06/2024 - 15:02

BDK.VN - Ngày 8-6-2024, Trung tâm Khuyến nông và tư vấn dịch vụ nông nghiệp Bến Tre phối hợp với Trung tâm Tư vấn dịch vụ nông nghiệp khu vực Ba Tri - Giồng Trôm tổ chức lớp tập huấn “Kỹ thuật chăm sóc cây có múi trong điều kiện hạn mặn”. Đến dự có Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm Nguyễn Thái Bình, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức.

Thạc  sĩ  Lê  Trí  Nhân  chia  sẻ  kinh  nghiệm chăm  sóc  cây  trồng  cho bà con

Thạc  sĩ  Lê  Trí  Nhân  chia  sẻ  kinh  nghiệm chăm  sóc  cây  trồng  cho bà con

Lớp tập huấn có khoảng 80 người đại diện nông dân trồng cây có múi trên địa bàn 6 xã của huyện Giồng Trôm. Thạc sĩ, kỹ sư nông nghiệp Lê Trí Nhân - Trung tâm Khuyến nông và tư vấn dịch vụ nông nghiệp Bến Tre cho biết, khi bị khô hạn, cây kém phát triển do rễ cây không hấp thu được nước và dinh dưỡng. Khi bị mặn, cây héo, cháy rụng lá do thiếu hụt nước trong đất và do áp suất thẩm thấu của đất tăng nên cây không hút được đủ nước và bị ngộ độc muối… Mức độ nghiêm trọng của các ảnh hưởng trên tùy thuộc vào nồng độ muối hòa tan trong đất, trong nước, thời gian bị nhiễm mặn và khô hạn mà cây sẽ bị ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng hoặc suy kiệt dẫn đến chết.

Khi có nước ngọt trở lại thì tiến hành đánh giá thiệt hại của vườn, đốn bỏ những cây không có khả năng phục hồi. Khai thông nước trong mương vườn, tưới đẫm nước ngọt trên mặt liếp nhằm rửa phèn, mặn tích lũy trong đất, xới xáo mặt liếp để tạo sự thông thoáng cho rễ, thúc đẩy nhanh việc rửa phèn, mặn. Kiểm tra pH đất trước và sau khi xử lý vôi. Kiểm tra độ mặn trong đất bằng máy đo EC: nếu EC cao hơn 1,2 mS/cm cần tiếp tục tưới nước rửa mặn.

Bí  thư  Huyện  ủy  Giồng  Trôm  Nguyễn  Thái  Bình  mong  muốn  được  tổ  chức  thêm  nhiều  lớp  tập  huấn  cho  bà  con  địa  phương.

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thái Bình cho biết, trên địa bàn huyện sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, diện tích sản xuất nông nghiệp trên 78%, trong đó trồng dừa chiếm 83% trong tổng diện tích sản xuất, kế đến là trồng cây ăn trái chiếm 13,5%, còn lại là đất trồng lúa. Trước đây khi nói đến Giồng Trôm chúng ta nhớ đến thế mạnh nổi tiếng là những cây có múi và bà con giàu lên cũng nhờ vào cây có múi. Long Mỹ cũng có thời gian nổi tiếng quýt đường, chanh Lương Quới. Bưởi, chanh, quýt cũng hình hành các vùng ven sông do phù hợp thổ nhưỡng. Tác động của hạn mặn trong thời gian qua đã thu hẹp dần các vùng diện tích này. Cụ thể năm 2016, 2020 và mới đây 2024 đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp Giồng Trôm, nhất là cây có múi. Các loại cây đang giảm mạnh về diện tích, sản lượng và chất lượng. Vùng sản xuất dần chuyển sang trồng dừa chủ yếu.

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thái Bình cũng bày tỏ mong muốn Trung tâm Khuyến nông và tư vấn dịch vụ nông nghiệp Bến Tre quan tâm chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc cây trồng, cung cấp các giống cây trồng mới, thích ứng biến đổi khí hậu và hạn mặn. Bà con cần chủ động tiếp cận các giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật trên cây trồng, góp phần ổn định sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương.

Tin, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết
Từ khóa cây có múi

BÌNH LUẬN