Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị sơ kết 1 năm "Tỉnh an toàn giao thông.” (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại thành phố Bắc Ninh, trực tuyến với Công an 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình,Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang.
Hình thành văn hóa giao thông người Kinh Bắc
Năm 2023, thực hiện chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương về xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông," Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã khẩn trương tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch về xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông.”
Sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông” đã đạt nhiều kết quả nổi bật, an ninh trật tự được giữ vững, dần hình thành văn hóa giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững, bảo đảm an toàn, hạnh phúc nhân dân.
Cả hệ thống chính trị ở tỉnh Bắc Ninh đã thực sự vào cuộc quyết liệt; cấp ủy, chính quyền, nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật tham gia giao thông chuyển biến rõ nét, bước đầu hình thành thói quen, văn hóa giao thông của người Bắc Ninh.
Cán bộ, đảng viên, giáo viên đã thực hiện vai trò gương mẫu, đi đầu trong xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông,” tỷ lệ đảng viên vi phạm rất thấp. Đặc biệt, tai nạn giao thông giảm giảm 16% số vụ, 20% số người chết, 19% người bị thương so với trước.
Cùng với đó, bộ mặt trật tự an toàn giao thông của tỉnh chuyển biến tích cực. Tổ chức giao thông được rà soát kỹ lưỡng, các điểm đen, tiềm ẩn tai nạn giao thông được xử lý 100%; lắp 100% gờ giảm tốc từ ngõ ra đường. Hạ tầng giao thông được tăng cường, nhiều công trình trọng điểm được quyết liệt đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành; một số bất cập tồn tại nhiều năm đã được khắc phục.
Triển khai chuyển đổi trạng thái của lực lượng Cảnh sát giao thông từ thủ công sang ứng dụng công nghệ. Công tác tuần tra, xử lý vi phạm tăng cao so với trước khi thực hiện “Tỉnh an toàn giao thông.” Xử phạt 45.401 trường hợp, với số tiền 103,5 tỷ đồng, tăng 101% so với trước khi xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông.” Trên địa bàn không có xe cơi nới thành thùng.
Những kết quả trên có thể khẳng định việc xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông" là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói riêng và sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung, được các cấp, các ngành và nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.
Một trong những nội dung quan trọng để xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông" là hiện đại hóa lực lượng cảnh sát giao thông. Do đó, Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an tỉnh Bắc Ninh được đầu tư.
Trung tâm khai thác đồng thời 2 hệ thống camera phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trung tâm thông tin chỉ huy Công an tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an tỉnh Bắc Ninh do Tổng công ty Công nghệ-Viễn thông toàn cầu (Gtel), doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh của Bộ Công an phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ, Công an tỉnh Bắc Ninh nghiên cứu phát triển và làm chủ công nghệ, số hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ của các lực lượng Công an tỉnh trên môi trường số có các tính năng nổi bật như: hệ thống chỉ huy giao thông thông minh; tự động phát hiện và xử lý hành vi vi phạm giao thông toàn trình dựa vào hệ thống AI; số hóa công tác tuần tra kiểm soát; hỗ trợ công tác phát hiện, truy vết, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông và an ninh trật tự; tích hợp và chia sẻ kết nối dữ liệu với các đơn vị trong và ngoài ngành.
Phát biểu tại hội nghị, chia sẻ về quá trình lựa chọn tỉnh Bắc Ninh để xây dựng mô hình “Tỉnh an toàn giao thông” và xây dựng Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết từ mô hình xây dựng tại tỉnh Bắc Ninh để nghiên cứu, nhân ra diện rộng, nhằm đảm bảo an toàn, an ninh, an dân.
“Mỗi xã, phường đều an toàn giao thông; mỗi huyện, thị xã đều an toàn giao thông; mỗi tỉnh, thành phố đều an toàn giao thông thì cả nước an toàn giao thông,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Nghiên cứu nhân rộng mô hình “Tỉnh an toàn giao thông”
Thủ tướng Chính phủ cho biết trước tình hình thực tiễn, vừa qua Chính phủ đã trình và Quốc hội tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Hiện nay, thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng trong mọi hoạt động đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực đảm bảo an toàn giao thông.
Theo Thủ tướng, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, với phương châm đặt an toàn tính mạng của người dân lên trước hết, trên hết. Những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về an toàn giao thông.
Trong số đó, nhiều quy định, chế tài được xây dựng hoàn thiện; Nhà nước dành nguồn lực lớn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý giao thông, tổ chức giao thông bài bản, khoa học, hiện đại; tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành giao thông trong toàn xã hội; văn hóa giao thông và ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông được chú trọng xây dựng. Nhờ đó, góp phần giảm tai nạn giao thông trên cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị sơ kết 1 năm "Tỉnh an toàn giao thông.” (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Năm 2023, tai nạn giao thông được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022 về số vụ và số người chết.
Trong 8 tháng năm 2024, tai nạn giao thông tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2023, ùn tắc giao thông được kiểm soát tốt và giảm trên 65%; số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước; tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe, vi phạm về cơi nới thành, thùng xe đã được xử lý một cách căn bản. Các hành vi vi phạm giao thông được xử lý nghiêm minh, không có ngoại lệ, không có vùng cấm.
Biểu dương tỉnh Bắc Ninh xây dựng thí điểm “Tỉnh an toàn giao thông” đạt những kết quả nổi bật, Thủ tướng Chính phủ nêu 6 bài học trong công tác đảm bảo an toàn giao thông: công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân; phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực; với tinh thần Tiền hô hậu ủng," “Nhất hô bá ứng,” “Trên dưới đồng lòng,” “Dọc ngang thông suốt”; có cơ sở hạ tầng giao thông không ngừng được nâng cấp, hiện đại; quản lý giao thông phải thông minh, hiện đại dựa vào khoa học, công nghệ; giáo dục, truyền thông để ý thức đảm bảo trật tự an toàn giao thông thấm sâu vào từng người dân; xây dựng các mô hình điểm về an toàn giao thông rồi rút kinh nghiệm, mở rộng dần.
Nhấn mạnh an toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thời gian tới, tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu và tích cực vận động người thân, gia đình và nhân dân thực hiện quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; hiện đại hóa, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại cả các loại hình, phương thức giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không; tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; nâng cao năng lực quản trị; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng với nhau trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu sau sơ kết 1 năm xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông,” Bộ Công an và tỉnh Bắc Ninh tiếp tục duy trì mô hình; đánh giá toàn diện, tổng thể, hoàn thiện mô hình.
Bộ Công an tiếp tục nghiên cứu, triển khai nhân rộng xây dựng mô hình “Tỉnh an toàn giao thông” tại các tỉnh, thành phố trên cả nước phù hợp, để tất cả các tỉnh, thành trên cả nước đều là tỉnh, thành an toàn giao thông, Việt Nam trở thành đất nước an toàn giao thông, là điểm đến an toàn về an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông.
Nguồn: Vietnam+