Mỏ Cày Bắc tiếp tục tuyên truyền tín dụng chính sách xã hội cho công tác giảm nghèo bền vững

16/10/2024 - 05:25

BDK.VN - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Mỏ Cày Bắc Huỳnh Hiếu Trung cho rằng, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách phù hợp nhằm hạn chế phân hóa giàu nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; chú trọng các giải pháp tín dụng CSXH tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, hộ cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững... Đây thật sự là những chủ trương đúng đắn, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trên địa bàn huyện.

Mô hình nuôi gà thả vườn tại huyện Mỏ Cày Bắc.

Theo Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Huỳnh Hiếu Trung, ngay từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10-6-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn huyện thật sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả, góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đặc biệt quan tâm và xem đây là nhiệm vụ quan trọng, tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên, thanh niên và người nghèo hưởng ứng. Việc vay nguồn vốn ưu đãi từ tín dụng CSXH kết hợp với các dự án, chương trình, mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình phù hợp với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, cùng với ý chí, nghị lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Trong những năm qua, trên địa bàn huyện đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sinh kế thoát nghèo bền vững, góp phần kéo giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.

Từ khi triển khai, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện luôn duy trì 12 chương trình tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, với tổng dư nợ hơn 427 tỷ đồng, tăng hơn 257 tỷ đồng (tăng 150,9% so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW), đã có hơn 13.580 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Nguồn vốn tín dụng CSXH được triển khai đến 100% ấp, khu phố, xã, thị trấn của huyện; thành lập 314 tổ tiết kiệm và vay vốn; xây dựng 13 điểm giao dịch tại cấp xã, đưa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như: cho vay, thu nợ, thu lãi, tiết kiệm, chi trả an sinh xã hội… về tại xã, góp phần hạn chế “tín dụng đen”, thực hiện công tác chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo đánh giá của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn đạt 94,4%/năm, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh luôn được kéo giảm qua các năm, hiện chỉ còn 0,29% so với tổng dư nợ. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, tỷ lệ giao dịch tại điểm giao dịch xã so với tổng khối lượng giao dịch của Ngân hàng CSXH huyện chiếm tỷ lệ rất cao, với tỷ lệ giải ngân đạt 99,3%, tỷ lệ thu nợ gốc đạt hơn 83%, tỷ lệ thu lãi đạt 99%. Hoạt động giao dịch tại xã giúp giảm thời gian, nhân lực cho Ngân hàng CSXH huyện, đồng thời, tiết giảm thời gian, chi phí cho người vay vốn khi giao dịch với ngân hàng.

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Huỳnh Hiếu Trung cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt hơn nữa Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, đảm bảo lồng ghép có hiệu quả tín dụng CSXH với các hoạt động khuyến công, khuyến nông, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm; tập huấn và hướng dẫn người dân các kiến thức cơ bản về tài chính, ngân hàng, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, sử dụng vốn vay hiệu quả, khuyến khích người vay tham gia các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, tổ hợp tác... Chú trọng làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn sử dụng vốn vay có hiệu quả, tham gia nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại xã và thực hiện tốt phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”…

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN