BDK.VN - Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Văn Ngoan, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu từ năm 1993 được tổ chức định kỳ vào tuần thứ 3 tháng 9 hàng năm đã và đang thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các quốc gia trên toàn cầu thông qua các hoạt động trọng tâm về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Trồng cây xanh góp phần bảo vệ môi trường.
Năm nay, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội và địa phương quan tâm, tích cực tổ chức các hoạt động hưởng ứng chiến dịch, với các nội dung cụ thể.
Đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật. Đặc biệt, quy định bắt buộc trong việc phân loại rác thải tại nguồn chậm nhất là ngày 31-12-2024 (tại khoản 1 Điều 79 và khoản 1 Điều 75, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020). Lồng ghép nội dung về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Tiếp tục phát động các phong trào cộng đồng như: Ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây, cải thiện, phục hồi môi trường tại các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, kênh, rạch; làm sạch biển, khu vực ven bờ. Trong đó, tập trung vào việc thu gom, thu hồi các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi nylon khó phân hủy và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định và bàn giao bãi biển, khu vực ven bờ đã làm sạch cho các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý để không tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường biển.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục bảo vệ môi trường trong các chương trình đào tạo, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn. Phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh chất thải. Tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải. Từ chối sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy. Khuyến khích phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.
Phối hợp với cơ quan quản lý thực hiện tuyên truyền về hoạt động kiểm soát, giám sát đối với khu vực tập trung nhiều nguồn thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, điểm nóng về ô nhiễm môi trường...; kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường không khí.
“Sở Tài nguyên và Môi trường mong muốn, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội và địa phương quan tâm tuyên truyền, tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, đơn vị và địa phương. Qua đó, tạo sức lan tỏa, thu hút sự tham gia tích cực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị và toàn thể cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường...”, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Văn Ngoan cho biết.