Ngành nông nghiệp duy trì ổn định và phát triển

03/11/2024 - 05:28

BDK.VN - Từ đầu năm 2024 đến nay, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ Nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và Chương trình hành động của UBND tỉnh về thực hiện Kế hoạch số 381/KH UBND ngày 19-1-2024 của UBND tỉnh về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Nghị quyết số 10/2024/NQ-HĐND ngày 12-7-2024 của HĐND tỉnh về bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024 (trên lĩnh vực NN&PTNT). Đồng thời, ngành đã triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó xâm nhập mặn, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, ổn định đời sống và phát triển sản xuất.

Diện tích dừa hữu cơ đang tăng dần

Trồng trọt, chăn nuôi được duy trì và phát triển

Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh cho biết, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp tốt giữa các ngành các cấp là động lực thúc đẩy, tạo sự gắn kết, chuyển biến tích cực trong hoạt động nông nghiệp trong thời gian qua. Công tác chuẩn bị phòng, chống, ứng phó thiên tai, đặc biệt là xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 đã được sự đồng tình, hưởng ứng rất tích cực của các ngành các cấp địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh, với nhiều giải pháp phi công trình và công trình đã được triển khai từ sớm. Người dân quan tâm đến việc sản xuất theo hướng an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản và xây dựng mã số vùng trồng. Người nuôi trên địa bàn tỉnh vận dụng tốt các khuyến cáo của ngành và chọn thời điểm thả nuôi phù hợp thực tế, thả rãi vụ, quản lý môi trường, khai báo dịch bệnh, xả thải bùn đáy ao….

Diện tích gieo trồng năm 2024 ước 20.437ha, đạt 87,15 % so kế hoạch (KH), giảm 7,93% so với cùng kỳ (CK). Sản lượng ước 97.185 tấn, đạt 87,98% so với KH, giảm 11,43% so với CK.

Sản xuất rau màu, với diện tích 4.180ha, đạt 100,72 % so KH, tăng 1,16% so với CK. Sản lượng ước 93.800 tấn, đạt 100,64% so KH, tăng 2,04% so với CK. Diện tích trồng cây ăn trái 24.035ha, đạt 96,14% so với KH, tăng 0,18% so với CK. Sản lượng ước 297.330 tấn, đạt 94,39% so KH, tăng 5,61% so với CK. Tình hình sinh vật gây hại trên cây ăn trái không đáng kể và có chiều hướng giảm so với CK.

Tổng diện tích dừa ước 80.010ha, đạt 99,03 % so KH, tăng 1,12% so với CK. Sản lượng thu hoạch khoảng 708 triệu trái, đạt 99,62% so với KH, tăng 1,1% so với CK. Tính đến ngày 20-10-2024, phát triển được 1.876,2ha dừa hữu cơ, nâng tổng diện tích dừa hữu cơ toàn tỉnh lên 20.401,2ha. Tình hình sâu bệnh hại dừa có chiều hướng giảm. Đến ngày 20-10-2024, toàn tỉnh còn 560,24ha nhiễm sâu đầu đen, giảm 336,79ha và 3.120,5ha nhiễm bọ cánh cứng, giảm 431,5ha. Tỉnh đã và đang triển khai quyết liệt các biện pháp để xử lý, nhất là dập dịch sâu đầu đen.

 Hoa, kiểng và cây giống phát triển ổn định. Dịp Tết năm 2024, có hơn 10 triệu sản phẩm hoa kiểng được sản xuất. Sản lượng tiêu thụ đạt trên 75%. Trong đó, sản phẩm tiêu thụ tại nơi sản xuất đạt 30%, thấp hơn so với CK. Giá bán bình quân tại vườn bằng 70% so với Tết năm 2023.

Tính từ đầu năm 2024 đến ngày 22-10-2024, toàn tỉnh chưa ghi nhận ca bệnh mới đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm như: Lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục, cúm gia cầm.

Tổng diện tích nuôi thủy sản ước đến cuối năm 2024 ước 47.800ha, đạt 100% so với KH, tăng 6,51% so với CK. Tổng sản lượng nuôi thủy sản ước đạt 329 ngàn tấn, đạt 95,17% so với KH, tăng 10,82% so với CK.

Diện tích nuôi cá tra ước tính cuối năm 2024 đạt 800ha, đạt 100% so với KH. Sản lượng cá tra ước 112.860 tấn, đạt 68,4% so với KH. Hiện giá bán cá tra dao động 26 - 27 ngàn đồng/kg. Sản xuất giống cá tra chỉ đáp ứng 10% lượng giống nuôi. Toàn tỉnh có 3 cơ sở sản xuất giống cá tra. Tuy nhiên, chỉ có 2 cơ sở hoạt động và cung cấp nội bộ, 1 cơ sở ngưng sản xuất. Hầu hết, cá giống phải nhập từ các tỉnh: Đồng Tháp, Long An và An Giang.

Mô hình nuôi tôm càng xanh xen ruộng lúa và mương vườn được người dân tập trung thả giống ước thả 1.800ha. Sản lượng thu hoạch ước 1.500 tấn, đạt 100% so với KH.

Tổng diện tích nuôi nhuyễn thể năm 2024 ước đạt 100% so với KH, tập trung trên địa bàn huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Trong đó, con nghêu chiếm diện tích lớn nhất 4.270ha, còn lại sò huyết (900ha) và hàu (30ha). Tổng sản lượng thu hoạch nhuyễn thể ước 16 ngàn tấn, đạt 100% so với KH. Giá nghêu thịt dao động từ 19 - 42 ngàn đồng/kg (cỡ nghêu 40 - 65 con/kg). Tình hình nghêu nuôi ở các hơp tác xã ổn định.

Trên địa bàn tỉnh, có 122 hộ ương dưỡng, sản xuất giống nghêu, sò. Hoạt động sản xuất giống chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình và sản xuất theo mùa vụ, đối với nghêu sản sản xuất giống từ tháng 2 - 4 hàng năm; sò từ tháng 10 - 12 hàng năm. Quy trình sản xuất nghêu, sò huyết chưa ổn định, tỷ lệ sống đạt tỷ lệ 10 - 20%. Tuy nhiên, hiện tại nguồn lợi nghêu giống khá dồi dào. Mặt khác, một số tỉnh khác đã chủ động được công nghệ sản xuất giống nghêu, nên giá nghêu giống rất thấp. Đối với sò giống đang được người nuôi ưa chuộng, nên giống sản xuất ra đều được tiêu thụ tốt. Người sản xuất giống sò đạt lợi nhuận khá cao.

Thể tích thả nuôi cá lồng bè ước 56 ngàn m3, đạt 100% so với KH. Giá cao ổn định và độ mặn phù hợp nên các hộ nuôi lồng bè tập trung thả giống. Nuôi cá lồng bè chủ yếu là đối tượng cá điêu hồng, một số ít nuôi cá chim trắng, cá lăng và cá vồ đém.

Một số đối tượng thủy đặc sản khác (cua biển, cá nâu, lăng, ếch, lươn…) có giá ổn định, nhờ nhu cầu mặt hàng tươi sống của người dân, quán ăn và nhà hàng. Trong đó, nuôi cua theo hình thức nuôi xen trong ao nuôi tôm quảng canh, tôm lúa, tôm rừng được người dân áp dụng phổ biến trên địa bàn huyện Thạnh Phú với sản lượng khoảng 1 ngàn tấn/năm.

Đến nay, có 5.439ha thủy sản nuôi theo chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế như: MSC nghêu (4.200ha), BAP (491ha) trên tôm, cá tra, ASC (748,7ha) đối với tôm nước lợ, cá tra, cá chẽm.

Quản lý phương tiện đánh bắt

Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh cho biết: Tổng sản lượng khai thác thủy năm 2024 ước 230.890 tấn, đạt 115,45% so với KH, giảm 9,32% so với CK. Do biến động thời tiết, các đợt gió mùa Đông Bắc thổi mạnh gây ra sóng gió lớn trên vùng biển Đông - Tây Nam Bộ đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của đội tàu khai thác. Tính đến ngày 22-10-2024, toàn tỉnh có 3.482 tàu, gồm: cấp và gia hạn giấy phép lũy kế 3.070/3.482 tàu, đạt 96,78%. Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá lũy kế 2.127/2.353 tàu, đạt 90,4% so với tàu thuộc diện đăng kiểm. Thẩm định và cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế tàu cá lũy kế 179 hồ sơ. Ký hợp đồng giám sát cải hoán tàu cá lũy kế 94 tàu. Cấp sổ quản lý kỹ thuật tàu cá 1.735 tàu. 160 tổ hợp tác khai thác thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Quản lý phương tiện đánh bắt hoạt động đúng quy định.

Từ đầu năm 2024 đến ngày 25-9-2024, không có tàu cá tỉnh bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Tính đến ngày 22-10-2024 đã lắp đặt 1.990/2.011 (98,95%) tàu cá thuộc diện bắt buộc đã lắp đặt thiết bị. Duy trì cập nhật dữ liệu đăng kiểm trên hệ thống VN Fishbase. Tàu mất kết nối trên biển (tính đến ngày 16-10-2024): Mất kết nối trên 6 giờ, lũy kế từ ngày 1-1-2024 đến nay 3.802 lượt tàu; lũy kế phát hành thông báo mất kết nối từ 6 giờ (từ ngày 26-7-2024 đến nay) 1.171 lượt tàu. Tổ công tác liên ngành (hoạt động từ ngày 9-9-2024) đã tổ chức xác minh 29 trường hợp, đều không vi phạm (lý do: chủ tàu có báo vị trí và tàu đã có tín hiệu trở lại trước 10 ngày). Các chủ tàu đều được nhắc nhở thực hiện đúng quy định về thiết bị giám sát hành trình tàu cá…

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh, dự báo năm 2025, bên cạnh những điều kiện thuận lợi do kinh tế trong nước tăng trưởng khá cao, thì ngành NN&PTNT vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, thiên tai, dịch hại diễn biến phức tạp, khó lường; sức cạnh tranh của hàng nông sản còn thấp, giá cả và thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định... sẽ làm ảnh hưởng đến sự chỉ đạo và phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh. Toàn ngành quyết tâm triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, đề án, chương trình, kế hoạch, kết luận và kế hoạch thi đua trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ban hành, nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế nông nghiệp. Tập trung 2 mũi nhọn là kinh tế vườn và kinh tế biển, tổ chức lại sản xuất gắn với quy hoạch đất đai và tổ chức lại dân cư nông thôn để phát triển một nền nông nghiệp tập trung, sạch, hữu cơ an toàn, truy xuất nguồn gốc, từng bước ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu…  

Bài, ảnh: Trần Quốc

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN