Sớm “cởi trói” về cơ chế, chính sách cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện

04/11/2024 - 15:32

BDK.VN - Sáng 4-11-2024, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường. Tham gia thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội, xuất phát từ thực tiễn của địa phương, qua hoạt động giám sát, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đã phát biểu về các khó khăn, vướng mắc về mặt cơ chế, chính sách của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) cấp huyện, để các cơ quan có thẩm quyền sớm có giải pháp tháo gỡ.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi phát biểu tại hội trường trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 4-11-2024.

Theo đại biểu, thực hiện Luật GDNN năm 2014, Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV ngày 19-10-2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ, các địa phương đã tiến hành sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm GDTX, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện thành trung tâm GDNN - GDTX.

Sau sáp nhập, các trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện, thực hiện hai nhiệm vụ chuyên môn là hoạt động GDNN và hoạt động GDTX.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước về các hoạt động GDNN, Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý nhà nước về hoạt động GDTX.

Việc sáp nhập các trung tâm này được xem là giải pháp để tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả đào tạo, dạy nghề, tinh gọn bộ máy… Dù vậy, sau nhiều năm triển khai, hiệu quả chưa như kỳ vọng.

Qua kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 cũng như qua giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh Bến Tre cho thấy các trung tâm này tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập, liên quan đến vị trí pháp lý, cơ chế quản lý... thuộc thẩm quyền của các cơ quan Trung ương.

Thứ nhất, hiện nay việc xác định vị trí pháp lý và quản lý nhà nước đối với trung tâm GDNN - GDTX chưa rõ ràng do sự tồn tại song song của 2 thông tư cùng có nội dung quy định về quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm, đây là nguyên nhân chính dẫn đến các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của các trung tâm, cụ thể:

(1) Theo quy định của Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV thì các trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện, không thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nên chịu bó hẹp trong khuôn khổ biên chế đơn vị sự nghiệp tỉnh giao cho UBND cấp huyện (không nhận được sự điều tiết biên chế từ các trường khi quy mô lớp học hàng năm có sự thay đổi); đồng thời, do không thuộc hệ thống giáo dục nên các trung tâm cũng không được thụ hưởng các chính sách đầu tư của ngành giáo dục, mặc dù trung tâm có GDTX (giáo dục trung học phổ thông).

Do được xác định là đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện nên chỉ có giám đốc, phó giám đốc trung tâm được hưởng phụ cấp chức vụ. Trong khi trung tâm vẫn tổ chức các tổ bộ môn nhưng các bộ phận này không được hưởng phụ cấp như các cơ sở giáo dục khác.

(2) Thông tư số 01/2023/TT-BGDĐT ngày 6-1-2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm GDNN - GDTX: Thông tư này xác định vị trí pháp lý của trung tâm thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Quy định của thông số này đã cơ bản giải quyết được khó khăn, vướng mắc về vị trí pháp lý và các vấn đề có liên quan đối với tổ chức và hoạt động của trung tâm GDNN-GDTX. Tuy nhiên, hiện nay các địa phương chưa triển khai thực hiện được Thông tư này vì Thông tư liên tịch số 39 chưa được bãi bỏ hoặc công bố hết hiệu lực, từ đó các vấn đề khó khăn của các trung tâm vẫn chưa được tháo gỡ.

 Thứ hai, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện phân luồng học sinh sau THCS với chỉ tiêu đến năm 2025, phấn đấu 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.

Tuy nhiên thực tế hiện nay, học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, nếu không vào được các trường THPT công lập, thì chủ yếu vào các trung tâm để tiếp tục học chương trình GDTX cấp THPT mà rất ít học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề.

Trong khi cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thực hiện nhiệm vụ GDTX của các trung tâm còn thiếu rất nhiều, không đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận số lượng học sinh sau tốt nghiệp THCS. Mặt khác, hiện nay mỗi huyện chỉ có 1 trung tâm, một số học sinh sau tốt nghiệp THCS ở các xã xa trung tâm không có điều kiện phải bỏ học. Trong khi đó, các trường THPT ở các huyện được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí theo cụm địa bàn, có đủ giáo viên dạy nhưng lại chỉ được tuyển sinh khoảng 70% học sinh tốt nghiệp THCS.

Thứ ba, các văn bản quy định về việc phân hạng các trung tâm sau khi sáp nhập chưa được trung ương hướng dẫn nên chưa có cơ sở cụ thể để thực hiện chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện, đại biểu kiến nghị:

Thứ nhất, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ phối hợp rà soát bãi bỏ hoặc công bố hết hiệu lực đối với Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV.

Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2023/TT-BGDĐT quy định cụ thể về vị trí pháp lý đối với trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện theo hướng xác định trung tâm GDNN - GDTX là cơ sở GDTX thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo để tháo gỡ những khó khăn về biên chế, về chế độ, chính sách cho các trung tâm và phù hợp với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 44 Luật Giáo dục năm 2019.

Quy định cụ thể việc xếp hạng các trung tâm GDNN - GDTX để cán bộ quản lý, giáo viên của các trung tâm được hưởng chế độ, chính sách phù hợp.

Thứ ba, Luật GDNN năm 2014 được ban hành trước quy định việc sáp nhập các trung tâm nên trong đối tượng áp dụng của Luật không quy định trung tâm GDNN - GDTX.

Do đó, kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung “Trung tâm GDNN - GDTX” vào đối tượng áp dụng của Luật khi có chủ trương sửa đổi Luật GDNN năm 2014.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, để một cơ quan, đơn vị thực hiện được sứ mệnh của mình, thì vấn đề vị trí pháp lý, mô hình tổ chức và cơ chế quản lý là cực kỳ quan trọng.

Với vị trí pháp lý còn đang “bấp bênh”, cơ chế quản lý chồng chéo, nhiều đầu mối như hiện tại, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn.

Nghị quyết số 1157/2024/NQ-UBTVQH15 ngày 28-8-2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra nhiệm vụ: “Các đơn vị sự nghiệp công lập rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong theo hướng tinh gọn, giảm mạnh đầu mối, bỏ cấp trung gian, tăng cường tự chủ; đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị của đơn vị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học, công nghệ tiên tiến, áp dụng các tiêu chuẩn, chuẩn mực quản trị quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng yêu cầu của xã hội, của người dân”.

Để các trung tâm thực hiện được nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động như Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao, đại biểu rất mong Quốc hội, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ hết sức quan tâm, trong thẩm quyền của mình, sớm có giải pháp sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan nhằm kịp thời tháo gỡ các “nút thắt” về mặt cơ chế, nghiên cứu mô hình tổ chức, cách thức quản lý sao cho thật sự phù hợp, khả thi, khoa học để các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện được “cởi trói”, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần đóng góp tích cực, hiệu quả vào công cuộc đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương.

Tin, ảnh: Ái Thi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN