Tiềm năng và cơ hội phát triển ngành Halal tỉnh, bài 2
Đa dạng hóa sản phẩm để mở rộng thị trường
04/11/2024 - 05:33
BDK - Chứng nhận Halal là “giấy phép” quan trọng để tiếp cận và phát triển thị trường rộng lớn có người tiêu dùng Hồi giáo. Để xuất khẩu vào thị trường này, doanh nghiệp (DN) phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm, yếu tố tôn giáo và quản lý hệ thống.
Phó giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới Nguyễn Trường Thịnh dẫn đoàn khách quốc tế tham quan nhà máy sản xuất của công ty.
“Giấy phép” vào thị trường Hồi giáo
Chứng nhận Halal là “giấy phép” để được tiếp cận và tham gia vào thị trường người tiêu dùng Hồi giáo. Quy trình cấp chứng nhận Halal bao gồm nhiều yếu tố như nhận thức, hệ thống quản lý, đánh giá bởi chuyên gia Hồi giáo và tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và yếu tố tôn giáo. Chứng nhận Halal thường có hiệu lực 1 năm và được đánh giá định kỳ.
Công ty TNHH MTV Minh Tâm COCONUT Việt Nam, TP. Bến Tre là đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm chế biến từ nước dừa như thạch dừa thô, thạch dừa thành phẩm, nước màu dừa… “Nhận thức được tầm quan trọng của chứng nhận Halal để xuất khẩu sang thị trường các nước, công ty này đã xây dựng và được cấp chứng nhận Halal vào năm 2012. Với giấy phép này, đơn vị xuất khẩu sang thị trường đầu tiên là Thái Lan. Sau đó, tiếp cận nhiều nước có đạo hồi ở châu Á như: Lào, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Malaysia…”, bà Lê Thị Bê - Giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Tâm COCONUT Việt Nam cho biết.
Theo ông Nguyễn Trường Thịnh - Phó giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Khu công nghiệp An Hiệp, huyện Châu Thành, đối với DN sản xuất, để đánh giá được Halal, DN còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tức là phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, HACCP, GMP. Bên cạnh chứng nhận chất lượng, thị trường Hồi giáo cũng yêu cầu về điều kiện tôn giáo và các chứng nhận kèm theo.
Để chế biến một sản phẩm, DN phải đảm bảo các nguyên liệu, phụ gia đầu vào đều được chứng nhận Halal. Quá trình sản xuất, chế biến phải tuân thủ các yêu cầu về tính Halal. Các tổ chức tư vấn và đánh giá Halal sẽ hướng dẫn, đào tạo và đánh giá DN trong việc xây dựng hệ thống Halal. Theo đó, DN phải cử nhân sự có kiến thức về Halal để quản lý, vận hành hệ thống. Bên cạnh đó, DN cần xác định rõ mục tiêu thị trường và năng lực sản xuất để lựa chọn phân khúc phù hợp.
Cũng theo ông Nguyễn Trường Thịnh, thị trường Halal rộng lớn. DN cần xác định rõ mục tiêu thị trường, năng lực sản xuất và lựa chọn phân khúc thị trường phù hợp để có chiến lược kinh doanh hiệu quả. Một số thị trường Hồi giáo có yêu cầu khắt khe về chứng nhận và quy định riêng. Do đó, DN cần nghiên cứu kỹ.
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, thị trường Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn xét về quy mô dân số Hồi giáo, với 2 tỷ người vào năm 2022, chiếm gần 1/4 dân số thế giới. Dự kiến sẽ đạt khoảng 2,8 tỷ người vào năm 2050.
Người Hồi giáo sinh sống tại 112 quốc gia trên thế giới, tập trung nhiều nhất tại châu Á. Theo dự báo, đến năm 2050, thế giới sẽ có 51 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số. Hàng năm, mức tiêu dùng thực phẩm lên tới hơn 600 tỷ USD. Dự kiến tăng lên khoảng 10 ngàn tỷ USD năm 2028.
Ngày nay, xu hướng gia tăng tiêu dùng thực phẩm Halal trên toàn cầu ngay cả ở nhóm dân số phi Hồi giáo do các sản phẩm Halal không chỉ đáp ứng tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe, chất lượng, xanh, sạch mà còn có đạo đức trong chế biến và góp phần bảo vệ môi trường...
Ngành hàng tiềm năng
Tại hội nghị “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam”, diễn ra vào cuối tháng 10-2024, ông Nick Stasinopoulos - Chủ tịch Hội đồng DN Hy Lạp, ASEAN cho rằng, thị trường Halal toàn cầu trải qua giai đoạn phát triển chưa từng có. Thị trường này dự kiến sẽ đạt 3,2 ngàn tỷ USD vào năm 2027. Nhưng nền kinh tế Halal không chỉ là về thực phẩm, Halal còn bao gồm cả các lĩnh vực khác như sang dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang, du lịch và cả tài chính.
Theo ông Nick Stasinopoulos, thị trường Hy Lạp được coi là điểm đến lý tưởng cho các sản phẩm của Việt Nam vào Liên minh châu Âu. Để khai thác thị trường Đông Nam Á, các nhà đầu tư Hy Lạp và châu Âu có thể thúc đẩy khám phá thị trường Halal của Việt Nam thông qua quan hệ hợp tác quốc tế.
Còn theo ông Miran Ismael - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal châu Âu (ECC Halal), châu Âu là nơi cư trú của khoảng 25 triệu người Hồi giáo, đặc biệt lớn tại các quốc gia như Pháp, Đức, Vương quốc Anh và Hà Lan. Các sản phẩm được ưa chuộng thường phục vụ cho nhu cầu của những người tiêu dùng quan tâm đến Halal, đặc biệt trong các lĩnh vực như thực phẩm - đồ uống, mỹ phẩm, dược phẩm và thậm chí là thời trang.
“Nhu cầu tiêu dùng dược phẩm và mỹ phẩm đạt chuẩn Halal vẫn đang tăng cao, đặc biệt là tại các nước Anh, Pháp và Đức. Nếu thành công đáp ứng được các tiêu chuẩn Halal, ngành sản xuất dược phẩm và mỹ phẩm đang ngày càng phát triển của Việt Nam sẽ có được lợi thế rất lớn. Từ đó, mở ra cách cửa dẫn tới thị trường trị giá hàng tỷ Euro…”, ông Miran Ismael chia sẻ.
Ngài Zafer Gedikli - Chủ tịch Hội đồng Halal thế giới cho rằng, rào cản lớn nhất hiện nay đối với việc mở rộng thị trường Halal của Việt Nam là sự hiểu biết về yêu cầu của Halal và tình hình thị trường trong giới doanh nhân cũng như các DN nhỏ. Các nhà sản xuất, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ (SMEs) cần tìm hiểu các khía cạnh khác nhau của việc tuân thủ Halal, từ việc tìm nguồn nguyên liệu đến quy trình chế biến và đóng gói.
Phát triển du lịch Halal cũng là một lĩnh vực mới khá thú vị cho Việt Nam. Theo Tiến sĩ Mohamed Jinna - Tổng giám đốc Điều hành cơ quan Halal Ấn Độ, Việt Nam có tiềm năng to lớn để trở thành điểm đến hàng đầu cho khách du lịch Hồi giáo. Di sản văn hóa phong phú, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và sự đa dạng về ẩm thực khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách từ khắp nơi trên thế giới. Để tận dụng cơ hội này, ngành du lịch Việt Nam phải áp dụng và thực hiện các tiêu chuẩn Halal. Các khách sạn, nhà hàng và cơ sở du lịch phải được trang bị, chuẩn bị tốt về mọi mặt để phục vụ những nhu cầu đặc biệt của du khách Hồi giáo.
“Định hướng của tỉnh sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, cung cấp thông tin liên quan tới Halal, nhất là về chính sách thương mại, văn hóa Hồi giáo, chứng nhận Halal… Thông qua các tổ chức quốc tế, các Đại sứ quán, lãnh sự quán các nước tại Việt Nam và các Đại sứ quán Việt Nam tại các nước để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư về sản phẩm, dịch vụ Halal; hỗ trợ, kết nối các DN tỉnh với thị trường Halal toàn cầu. Tỉnh đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam hướng dẫn quy trình, thủ tục để được cấp chứng nhận Halal và hỗ trợ xúc tiến thương mại vào các thị trường Halal cũng như các thông tin về hàng rào thương mại, tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường Hồi giáo. Hỗ trợ quảng bá tiềm năng, sản phẩm của tỉnh, giúp kết nối chính quyền và DN tỉnh tiếp xúc với các đối tác, tập đoàn, DN uy tín của thị trường Halal…”.
(Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn)