Gặp gỡ những doanh nhân cựu chiến binh xứ Dừa, bài 1

Cựu chiến binh với câu chuyện “lá phổi xanh”

28/07/2023 - 05:24

BDK - Điểm du lịch (DL) sinh thái Lan Vương với khoảng 10ha, nằm bên bờ Nam sông Bến Tre, thuộc xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre là một trong những điểm đến lý tưởng và nổi trội không chỉ ở xứ Dừa mà là ở đồng bằng sông Cửu Long. Tìm hiểu “đằng sau” câu chuyện của sự thành công ấy, chúng tôi càng bị thu hút bởi “ông chủ” của Lan Vương - Giám đốc Công ty TNHH DL Ba Lan chính là cự chiến binh (CCB) Trần Bá Sanh. Lan Vương là “quả ngọt” mà CCB Trần Bá Sanh theo đuổi mục tiêu xây dựng “lá phổi xanh” của bờ Nam sông Bến Tre ngót gần 30 năm qua.

Ông Trần Bá Sanh hỗ trợ đất cho cựu chiến binh trồng lúa để tạo quỹ hoạt động Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh. Ảnh: Trần Quốc

Ông Trần Bá Sanh hỗ trợ đất cho cựu chiến binh trồng lúa để tạo quỹ hoạt động Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh. Ảnh: Trần Quốc

Khởi nghiệp theo cách của người lính

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại chiến trường Campuchia trở về (1979 - 1985), CCB Trần Bá Sanh được giới thiệu vào giữ một số vị trí quan trọng ở các đơn vị khác nhau. “Song, hồi ấy tôi tự nhủ bản thân không cho phép mình được an nhàn, tự mãn khi nghĩ về thắng lợi hiển hách của cha ông, hay với thành tích cá nhân trong quá khứ. Phải trân quý từng tấc đất, ngọn cây. Phải tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, góp sức đưa quê hương thoát khỏi đói nghèo, trở nên tươi đẹp và cường thịnh. Với quyết tâm đó, tôi đã nhen nhóm ý tưởng và từng bước bắt tay vào mục tiêu của bản thân xây dựng “lá phổi xanh” bờ Nam sông Bến Tre từ năm 1995. Đến năm 2006, tôi đã hiện thực hóa với điểm DL Lan Vương, xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre ngày nay...”, CCB Trần Bá Sanh kể.

Với tư chất người lính Cụ Hồ, trở về đời thường, CCB Trần Bá Sanh luôn trăn trở là phải tiếp tục bật dậy bằng sự bền chí, gan dạ để làm điều gì đó có ích cho quê hương. Bến Tre không thể nghèo mãi được, phải tự lực tự cường, người lính trở về đời thường phải đi đầu làm kinh tế thôi. Nhưng cách nào, tay không thì làm sao? - Phải tự trang bị, đầu tư từng bước như chính cách quân và dân ta đã phải tự trang bị vũ khí cho mình trong chiến tranh vậy.

“… Nghĩ và làm điều gì cũng phải hướng đến lợi ích của tập thể, gia đình và xã hội. May mắn trong những lần tiếp xúc và được trao đổi cùng ông Năm Lê Huỳnh (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Cam), tôi được nghe định hướng quy hoạch của tỉnh bấy giờ là xây dựng 3 xã bờ Nam sông Bến Tre trở thành “lá phổi xanh” của TP. Bến Tre. Như những người cùng “tần số” gặp nhau, tôi nảy ra ý nghĩ: Vậy cá nhân mình sẽ làm gì để cùng với Nhà nước thực hiện điều này cho quê hương, nơi đã gắn bó tuổi thơ ông với bao kỷ niệm đẹp nhất, thân yêu nhất”, ông Sanh bộc bạch.

Thế là, từ một chủ doanh nghiệp kinh doanh nhỏ phục vụ trang thiết bị cho ngành văn hóa, ông không ngừng phát triển mô hình với quy mô phục vụ lớn mạnh trong toàn tỉnh. Dùng vốn tích góp ấy, ông mua lại một khu đất nhỏ còn hoang sơ, bùn lầy, để kiến thiết, quy hoạch làm DL theo hướng gần gũi thiên nhiên và mang đặc trưng của vùng sông nước xứ Dừa. Dần về sau, khi có cơ hội mua lại đất của người dân xung quanh, ông nhen nhóm mỗi lần 1 công, 2 công, có lần chỉ tròm trèm nửa công. Do phát triển từng bước, mở rộng nhiều lần và phải vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, ông đã phải thay đổi thiết kế bản vẽ quy hoạch các phân khu đến 6 lần, có những lần phải sửa chữa lại gần như toàn bộ so với những bản vẽ trước. Cho đến khi gặp được kiến trúc sư Nguyễn Hà Sơn, người có nhiều kinh nghiệm xây dựng thiết kế cho DL Đại Nam, Suối Tiên… Lan Vương mới gần như ổn định và nổi bật.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Hà Sơn, Bến Tre là nơi rất đặc trưng cho đồng bằng sông Cửu Long, do đó, ý tưởng thiết kế Lan Vương phù hợp nhất là dựa trên nền những đặc trưng đó, với ý nghĩa lưu giữ hồn quê và những vẻ đẹp yên bình của vùng sông nước thiên nhiên. Bản thân ông Sanh cũng luôn rất chăm chút sinh hoạt cộng đồng, từng chút một. Hiếm thấy có người chủ đầu tư lại chăm chút cho khách hàng tận tâm đến thế. Chính vì vậy mà khi đến Lan Vương, du khách sẽ cảm nhận được về với sông nước bình yên, nơi chằng chịt kênh rạch, với những chiếc cầu khỉ, cầu dừa, bốn bề cây trái xanh mát.

Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và DL Nguyễn Thị Ngọc Dung nhận định: Lan Vương là điểm DL sinh thái vùng ven của TP. Bến Tre, có quy mô khá lớn, với đa dạng dịch vụ hấp dẫn phục vụ du khách vui chơi trải nghiệm và khám phá, thuận lợi để thu hút khách DL từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Đây là điểm thu hút lượng khách DL ấn tượng, cao điểm từ 2 - 4 ngàn khách/ngày, góp phần đáng kể vào con số kết quả của ngành DL tỉnh nhà hàng năm.

Là người nắm rõ quá trình phát triển của Lan Vương, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và DL Nguyễn Thị Ngọc Dung khen ngợi về doanh nhân CCB Trần Bá Sanh: “Anh Trần Bá Sanh là một người rất có quyết tâm, khởi nghiệp từ chủ một doanh nghiệp nhỏ, từ từ phấn đấu, nỗ lực không ngừng nghỉ. Hiện nay anh là một trong những doanh nhân dẫn đầu của ngành DL tỉnh, góp sức quan trọng vào phát triển điểm đến DL xanh Bến Tre nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung”.

Đem nhiệt huyết đóng góp cho quê hương

Thành công của CCB Trần Bá Sanh hôm nay còn vì ông đặc biệt quan tâm đến đội ngũ người lao động, luôn có những chính sách để chăm sóc, nâng cao thu nhập, đời sống từng người. Với ông, làm kinh tế là làm giàu, mang lại nhiều lợi ích cho tập thể, gia đình và xã hội chứ không vì lợi ích cá nhân, nên ông xem tất cả người lao động là người một nhà. Mỗi người đều có thể phát huy tinh thần sáng tạo, nhiệt huyết cống hiến cho sự phát triển của Lan Vương và xứng đáng được hưởng nhiều lợi ích kết quả đem lại. Đó là lý do mà có 150 lao động gắn bó lâu dài và tâm huyết góp sức cho sự phát triển của Lan Vương.

Với ý nghĩa hướng về cộng đồng, quê hương, doanh nhân CCB Trần Bá Sanh cũng tích cực thực hiện các chương trình an sinh xã hội tại địa phương, có nhiều đóng góp cho DL tỉnh như quảng bá, kết nối tour, tuyến trong và ngoài tỉnh, kết nối giới thiệu các sản phẩm đặc trưng vùng miền, trong đó đặc biệt quan tâm giúp đỡ các đối tượng là người lính, con cháu CCB bằng cách dành một không gian để giới thiệu sản phẩm của họ. Chương trình định kỳ hàng tuần “Cà phê người lính” do CCB Trần Bá Sanh cùng những đồng đội đồng tâm khởi sướng thực hiện nhằm quy tụ các CCB làm kinh tế để chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời hỗ trợ đồng đội, con cháu đồng đội cùng nhau đoàn kết vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu, góp sức phát triển quê hương. Đến nay đã qua 15 kỳ họp mặt với nhiều hoạt động ý nghĩa, “Cà phê người lính” đã tạo dấu ấn lan tỏa về nghĩa cử tốt đẹp của tình đồng đội, đồng chí, tiếp tục cùng nhau gương mẫu, đoàn kết phấn đấu trên mặt trận làm kinh tế hôm nay.

Đúc kết thành công của một dự án mà doanh nhân CCB Trần Bá Sanh theo đuổi gần 30 năm là cả một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ, không nản chí. Ông ngẫm lại: Ngày trở về đời thường, ông cũng như nhiều người lính khác, chỉ có chiếc ba lô trên vai với tình yêu thương đồng đội, yêu quê hương sâu sắc. Có ngày hôm nay, tất cả là nhờ vào ý chí bền chặt, bất khuất có trong những người lính Cụ Hồ được hình thành và trui rèn từ những năm tháng tham gia chiến đấu. Dù khó khăn, hiểm nguy đến mấy, dù trèo non, băng rừng, lội suối thì tinh thần người lính vẫn lạc quan, tin tưởng vào sự dẫn dắt đường lối đúng đắn của Đảng và Bác Hồ. Trên mặt trận kinh tế hôm nay, người “chiến sĩ” ấy dù đã gần 70 tuổi vẫn không lùi bước, giữ vững niềm tin tuyệt đối vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để không ngừng phát triển Lan Vương trở thành “lá phổi xanh” của TP. Bến Tre, điểm đến an toàn, xanh, sạch và đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long.

Phát triển các điểm đến DL xanh, DL sinh thái đang là một xu hướng mạnh mẽ của giới du khách trong và ngoài nước nói riêng và ngành DL nói chung. Lan Vương là một điểm đến đáp ứng nhu cầu đó của đông đảo du khách, từ học sinh, sinh viên đến tất cả các đối tượng du khách. Đến đây, du khách càng hấp dẫn bởi được tham gia nhiều trò chơi dân gian và hoạt động trải nghiệm như đu dây, chèo xuồng, cầu dừa, cầu khỉ, cầu lắc, tát mương bắt cá, chạy xe đạp qua cầu...

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN