Cựu chiến binh Trần Bá Sanh “chung thủy” với nghề dịch vụ du lịch

09/04/2021 - 06:28

BDK - Năm 1985, hơn 5 năm tham gia quân đội làm nghĩa vụ quốc tế Campuchia về, cựu chiến binh (CCB) Trần Bá Sanh chuyển sang ngành văn hóa. Năm 2003, anh đầu tư làm kinh doanh dịch vụ âm thanh, ánh sáng và sản xuất loa, ampli bán.

Cựu chiến binh Trần Bá Sanh với đội ngũ làm công tác quản trò du lịch.

Cựu chiến binh Trần Bá Sanh với đội ngũ làm công tác quản trò du lịch.

Có dịp tham quan nhiều nơi, anh luôn mong muốn làm nghề dịch vụ du lịch và chuẩn bị sẵn kế hoạch để đầu tư vào lĩnh vực này. Anh Trần Bá Sanh tâm sự: “Ký ức thời lính ở trong rừng đã cho tôi suy nghĩ làm du lịch gắn với thiên nhiên có cây cỏ, sông nước... Tôi tìm tòi học hỏi kinh nghiệm của những người làm du lịch và linh hoạt để có được nét độc đáo riêng cho khu du lịch của mình”.

Để có được diện tích khu du lịch Lan Vương rộng gần 10ha như hôm nay, anh Sanh đã tích cóp đầu tư từ năm 1989. Thời điểm này, anh mạnh dạn mua đất, mua của nhiều người và mua nhiều lần. Hơn 7 năm “yên ắng” vì phải lo các thủ tục cần thiết và hoạt động chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của khách, anh Sanh vẫn không nản lòng mà quyết tâm cải tạo, đổi mới thêm. Sau đó, với sự hỗ trợ tích cực của kiến trúc sư Nguyễn Hà Sơn, người có nhiều kinh nghiệm thiết kế các khu du lịch lớn như Suối Tiên, Đại Nam... đã làm cho khu du lịch Lan Vương “sáng” và nổi bật lên.

Khu du lịch Lan Vương hiện có đủ các trò chơi dân gian Nam Bộ: cầu lắc, cầu cau, cầu dừa, cầu khỉ, tát mương bắt cá, xe đạp nước, đu dây, chèo xuồng, bè, đào khoai mì... Anh lồng ghép các chương trình như hội thi đổ bánh xèo, đốt lửa trại, cắm trại qua đêm, đờn ca tài tử, chương trình bolero... cùng với hơn 20 người làm công tác quản trò, đã làm cho khu du lịch luôn sống động, mới mẻ. Hàng tháng, Lan Vương thu hút từ 30 - 45 ngàn lượt khách (những tháng dịch Covid-19, lượng khách giảm chỉ bằng 1/3). Khách đến Lan Vương rất thích vì được trải nghiệm về cuộc sống của miền Tây sông nước và đặc biệt là của Bến Tre.

Hiện tại, CCB Trần Bá Sanh đã thành lập Công ty TNHH du lịch Ba Lan. Trong đó, Lan Vương 1 là khu vực làm mô hình năng khiếu nhạc, họa; Lan Vương 2 - khu vực làm du lịch cộng đồng và Lan Vương 3 - khu vực làm mô hình giáo dục học đường (sắp sửa đi vào hoạt động). Hàng tháng, công ty đã giải quyết hơn 200 lao động với mức lương từ 6 triệu đồng/người/tháng trở lên, trong đó có nhiều người là con, cháu của hội viên CCB.

Anh lắp đặt đầy đủ hệ thống thông tin và camera để điều khiển công việc từ xa và có chế độ khích lệ, khen thưởng kịp thời đối với nhân viên tích cực. Qua đó, “guồng” máy nhân sự của Lan Vương hoạt động tốt, phục vụ khách hàng tận tình và đạt mức độ hài lòng cao. CCB Trần Bá Sanh thường quan tâm, đóng góp hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội tại địa phương, nhất là các xã nông thôn mới trên địa bàn khu du lịch và quê gốc của mình (xã Sơn Phú).

“Bản chất người lính Bộ đội cụ Hồ đã giúp đồng chí Sanh vượt qua khó khăn để có được kết quả như hôm nay. Trong thời gian hơn 13 năm, đồng chí đã có 2 thương hiệu lớn trên lĩnh vực âm thanh, ánh sáng và lĩnh vực du lịch. Lan Vương đã giới thiệu thêm được với nhiều người về miền Tây Nam Bộ, về đất và con người của Bến Tre”, Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Nguyễn Văn Hải chia sẻ.

Bài, ảnh: Huỳnh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích