BDK - Chương trình nói chuyện chuyên đề “Kể chuyện ngày đại thắng” do Bảo tàng tỉnh phối hợp với Thư viện Nguyễn Đình Chiểu và Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã đưa các bạn trẻ và đông đảo học sinh gặp gỡ giao lưu với những nhân chứng lịch sử, những chiến sĩ đã đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những câu chuyện được kể lại sau 50 năm vẫn vẹn nguyên cảm xúc.
Học sinh chụp ảnh cùng các nhân chứng lịch sử trong chương trình nói chuyện chuyên đề “Kể chuyện ngày đại thắng”.
Vui sao nước mắt lại trào
50 năm về trước, ngày thống nhất đất nước, cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Trong niềm vui ấy, không chỉ có nụ cười mà có cả nước mắt. Chính trong thời khắc ấy, có những giọt nước mắt đã được ống kính máy ảnh ghi lại và trở thành lịch sử. Đó là bức ảnh nổi tiếng của nhà báo Lâm Hồng Long: “Mẹ con người tử tù Côn Đảo”, mà 2 nhân vật chính là mẹ Trần Thị Bính (sinh năm 1908) và tử tù Côn Đảo Lê Văn Thức (sinh năm 1941), quê ở xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Kể lại những ký ức không thể nào quên, ông Lê Văn Thức nói: “Lúc đó, hai mẹ con gặp lại chỉ ôm nhau khóc thôi, rất lâu. Mẹ tôi không nghĩ rằng tôi còn sống trở về và hai mẹ con được gặp lại nhau”.
Những ngày đất nước còn đang sục sôi bom đạn, ở nhà mẹ Bính luôn trông ngóng tin con trai. Hay tin con đi theo lính ngụy, mẹ rất buồn giận nhưng không biết rằng ông Thức đã được cách mạng giao nhiệm vụ cài vào hàng ngũ địch để lấy thông tin tình báo. Sau sự kiện tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông Thức bị lộ và bị giặc kết án tử hình, đày biệt giam ra Côn Đảo. Lòng mẹ Bính ở nhà càng thêm đau đớn. Những năm tháng ở tù Côn Đảo, ông Thức càng được trui rèn thêm bản lĩnh cách mạng.
Sau ngày 30-4-1975 không bao lâu, được biết có chuyến tàu đưa tù nhân Côn Đảo về Vũng Tàu, mẹ Bính đã đến tìm con với tâm trạng không chắc con mình có còn sống. Mẹ xin với người phụ trách quản lý trại ở Vũng Tàu cho gặp con. Không ngờ trong đoàn các cựu tù trở về từ Côn Đảo lúc ấy, mẹ nhận ra ông Thức. Hai mẹ con ôm chầm trong niềm hạnh phúc vô hạn.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long đang có mặt tác nghiệp trên thực địa. Ông nghe tiếng mẹ Bính gọi tên con trai: “Thức con,… Thức, … Mẹ nè con,… Thức”. Chứng kiến phút giây đoàn tụ ấy, ông đã kịp nâng máy, bắt lấy khoảnh khắc “Mẹ con người tử tù Côn Đảo”. Bức ảnh này được Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh Quốc tế trao giải thưởng Danh dự và được nhiều mặt báo trong và ngoài nước sử dụng. Bức ảnh cũng được đặt cho nhiều tên gọi khác nhau như: “Ngày hội ngộ”, “Mẹ con ngày gặp lại”, “Mẹ con gặp nhau ngày giải phóng”…
Ký ức tạo nên cảm hứng sáng tác
Chương trình gặp gỡ ông Trần Công Ngữ - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh và được nghe chia sẻ về câu chuyện của Đoàn Văn công giải phóng. Trong chiến tranh, trước những áp bức của kẻ thù, hoạt động văn hóa văn nghệ cách mạng càng bức thiết và chính là động lực quan trọng, góp phần cổ vũ tinh thần đấu tranh của quân và nhân dân. Đoàn Văn công giải phóng của tỉnh đã đi khắp cơ sở, gắn bó với quân đội và nhân dân, phục vụ đồng bào.
Ông Trần Công Ngữ kể lại những trận đánh quan trọng mà ông là nhân chứng cũng như câu chuyện về anh hùng Hoàng Lam cùng Đội đặc công thủy của tỉnh, với những chiến công lẫy lừng, đi vào huyền thoại. “Mọi người vẫn hát: “Nghe Hoàng Lam còn hát đâu đây…” (lời bài hát Mùa xuân thơm ngát hoa anh hùng), nghe đơn giản nhưng lại chính là kể lại khí phách anh hùng của người chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến. Đó là lúc anh Hoàng Lam cùng đội đặc công thủy ôm trái nổ 200kg để đánh chiến hạm 833 của Mỹ đang neo đậu ở vàm sông Bến Tre. Bơi ra giữa sông, các anh còn vẫy tay chào đồng chí Ba Đào và hát câu “giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước”, ông Trần Công Ngữ kể.
Văn hóa văn nghệ cũng là một mặt trận, các anh chị em văn nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận ấy” - câu nói ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấm nhuần trong tư tưởng của những người làm văn hóa, nghệ thuật. Thời kỳ kháng chiến có rất nhiều nhà thơ, nhà văn, hoạ sĩ, nhạc sĩ... đã có những sáng tác nêu cao tinh thần, ý chí chiến đấu, cổ vũ mạnh mẽ cho những chiến công, viết tiếp những trang sử oai hùng của dân tộc. Chính những kỷ niệm thời chiến, những gì mà bản thân đã trải qua trong giai đoạn khốc liệt nhất của quê hương là những dấu ấn không thể quên đã nuôi dưỡng cảm xúc của người nhạc sĩ, tạo nên những nhạc phẩm đi vào lòng người.
Nhạc sĩ Lan Phong đã sáng tác trên 200 tác phẩm các thể loại, thể hiện nhiều nội dung phong phú về đất và người Bến Tre, ca ngợi những tấm gương kiên trung, bất khuất của chiến sĩ và đồng bào Bến Tre trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, ca ngợi tình yêu Tổ quốc, khơi dậy tình đoàn kết, hăng say lao động sản xuất và khích lệ tinh thần thi đua yêu nước... Những tác phẩm tiêu biểu của ông như ca khúc: Quê ta trai tài gái giỏi, Người mẹ xứ dừa, Tiểu đoàn 516, Huyền thoại một dòng sông, Rực sáng rừng dừa... đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong vai trò sáng tác âm nhạc của tỉnh nhà.
“Cha ông ta ngày xưa ngã xuống để cho đời ta ngày sau đổi lấy hòa bình. Giữa khói binh, ai cũng nguyện lòng hy sinh. Xin tri ân những người chiến sĩ, quên đi niềm riêng, quên đi cả bản thân mình. Cuộn chảy trong lòng một dòng máu nóng, dòng máu Lạc Hồng…”. Những câu chuyện của các nhân chứng chỉ là một vài lát cắt trong trang sử hào hùng của dân tộc, đã khơi lên trong lòng những người trẻ hôm nay thật nhiều cảm xúc. Tự hào và tri ân, phát huy khí phách cha ông, thế hệ trẻ tiếp tục “viết tiếp câu chuyện hòa bình”, bước vào tương lai mới.