
Lực lượng chức năng Công an tỉnh Thanh Hóa thu giữ nhiều loại thuốc giả.
Theo đó, cục nêu rõ, thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh về hiện tượng mua bán thuốc bao gồm cả thuốc kê đơn, thuốc phải kiểm soát đặc biệt trên các trang mạng xã hội.
Để tăng cường quản lý kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, cung ứng đủ thuốc đạt chất lượng cho người dân, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị tăng cường thanh kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn về việc mua, bán thuốc kê đơn, thuốc phải kiểm soát đặc biệt không đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có); tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở bán lẻ nhằm phát hiện và ngăn chặn việc kinh doanh dược tại nơi không phải là địa điểm kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cho phép (mua bán trực tuyến hiện nay)...
Các Sở Y tế cần tăng cường thông tin, tuyên truyền cho người dân chỉ mua thuốc của các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp, thuốc có đầy đủ thông tin, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ; tránh mua thuốc theo các thông tin không chính xác trên trang mạng xã hội; nâng cao cảnh giác để chung tay với cơ quan quản lý nhà nước trong công cuộc chống hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại.
Mới đây, Cục Quản lý Dược đã có công văn gửi các Sở Y tế thông báo 21 loại thuốc giả trong vụ án do Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá. Trong số 21 sản phẩm thuốc giả bị thu giữ, có 4 loại được xác định là giả mạo thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, gồm: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion. Các sản phẩm còn lại không trùng khớp với bất kỳ loại thuốc nào nằm trong danh mục đã được Bộ Y tế cấp giấy phép đăng ký lưu hành.
Theo Minh Khang (Báo SGGP)