BDK - Tết là dịp đặc biệt nhất trong năm, không chỉ bởi không khí rộn ràng của sắc xuân, mà còn vì những niềm vui giản dị mà bọn trẻ con xóm tôi luôn mong đợi. Một trong những niềm hạnh phúc ấy chính là khoảnh khắc được may quần áo mới để mặc đi chơi Tết.
Ở quê tôi ngày ấy, Út tôi là người duy nhất trong xóm có tiệm may. Nói tiệm may cho sang chứ thực ra cái tiệm không có bảng hiệu, cũng không nằm ở mặt tiền đường. Sau khi học may xong, Út về nhà nhận vải của bà con trong xóm để may. Nội tôi dành một gian nhà phía trước cho Út đặt chiếc máy may và kê một chiếc tủ đựng vải. Bình thường trong tủ chỉ vài xấp vải xếp gọn gàng, trên vách treo mấy bộ quần áo đã may xong. Nhưng mỗi dịp Tết đến, tiệm may ấy lại trở thành nơi bận rộn, cũng là nơi mà đám trẻ con trong xóm luôn háo hức mong chờ nhất.
Mỗi khi tháng Chạp vừa gõ cửa, bà con trong xóm lại tranh thủ ra chợ để chọn vải. Đa đa số chọn những loại vải có bông hoa hoặc màu sắc sặc sỡ, tươi sáng. Bởi, mọi người quan niệm: “Tết phải mặc đồ sáng sủa, thì năm mới sẽ gặp nhiều may mắn”. Sau đó, họ mang vải đến nhà Út đặt may. Mỗi người đến may đều được Út lấy số đo kỹ càng, ghi tên, may kiểu gì. Út còn cẩn thận cắt một miếng vải nhỏ dán vào quyển sổ ghi chép và hẹn ngày đến lấy. Những đứa trẻ theo mẹ đến đây, sau khi được lấy số đo, chúng đứng ngắm nghía, chăm chú nhìn vào những chiếc áo đã may xong treo trên vách, trong lòng thì tưởng tượng không biết chiếc áo của mình khi may xong sẽ đẹp như thế nào. Có vài người mang vải đến trễ, sợ may không kịp, ban đầu Út từ chối. Thế nhưng, trước lời nài nỉ tha thiết, Út không cầm lòng, đành gắng sức nhận thêm.
Những ngày Tết cũng là lúc, chiếc máy may của Út tôi hoạt động hết công suất. Tiếng máy may chạy “lạch cạch” đều đặn từ sáng sớm đến tận khuya, như một khúc nhạc báo hiệu mùa xuân đang đến gần.
Khi ấy, tôi đang học lớp 8, lớp 9, vì hoàn cảnh gia đình, ba mẹ tôi dẫn hai em ra ở riêng, tôi ở lại với Út và nội. Thấy Út vất vả, tôi cũng phụ giúp một tay. Sau giờ học, tôi mang vải được Út cắt xong đến tiệm cách nhà khoảng 1km để vắt sổ. Trở về, tôi lại ngồi tỉ mẩn cắt chỉ cho sạch sẽ. Tối đến, dưới ánh đèn chong, Út thì ủi đồ, tôi thì được chỉ phụ làm khuy áo hoặc đơm nút. Đêm nào cũng vậy, hai cô cháu thức đến khuya, cố gắng làm để kịp giao cho khách.
Mấy ngày cận Tết, niềm háo hức của bọn trẻ con xóm tôi càng lớn. Khoảng 25 Tết là ngày nào cũng từ sáng sớm, khoảng 3 - 4 đứa chạy qua nhà để chờ Út may đồ. Từng đứa một, đứng túm tụm trước sân nhà, mắt ngóng vào trong, miệng hỏi vọng ra: “Út ơi, may đồ con xong chưa?”. Út tôi, tay vẫn thoăn thoắt cắt vải, đầu chẳng kịp ngẩng lên, chỉ đáp lại bằng giọng trêu đùa: “Mai nữa nghen con!”.
Nghe vậy, bọn trẻ lại buồn hiu kéo nhau về, nhưng hôm sau vẫn quay lại, lòng đầy hy vọng. Đứa thì bám theo Út mà năn nỉ: “Út may lẹ cho con đi, không có áo mới con buồn lắm đó!”. Đứa thì vờ hăm dọa: “Con sẽ về méc mẹ” hoặc “Con nghỉ chơi với Út luôn”... Những lúc ấy, Út chỉ cười hiền: “Được rồi, mai Út sẽ xong!”. Nài nỉ không được, chúng quay sang rủ nhau chơi trốn tìm quanh nhà. Chơi được một lát, có đứa cũng không quên, quay lại nhắc: “Út nhớ may đồ cho con đó?”. Đùa giỡn mệt mỏi, đến lúc đói bụng, chúng lại kéo nhau về nhà.
Thế nhưng, có khi “mai” của Út kéo dài đến tận chiều Ba mươi. Đứa nào đến mà chưa có quần áo thì mếu máo, có đứa khóc, nằm vạ ngay trước sân, làm Út vừa luống cuống vừa buồn cười. Nhưng Út thương lắm, thế nào cũng phải ráng thức thêm, để kịp giao quần áo cho chúng. Rồi khi cầm được bộ quần áo mới, đứa nào cũng vui sướng như nhận được báu vật. Chúng mặc ngay tại chỗ, quay vòng vòng khoe với nhau, hay nhún nhảy xem quần có bị tuột hay không.
Tiệm may của Út không chỉ may quần áo, mà còn “may” cả những ký ức đẹp đẽ của đám trẻ con trong xóm. Tiếng cười, tiếng nô đùa và cả tiếng khóc của chúng đã làm cho những ngày cuối năm thêm rộn ràng, ấm áp.
Lên cấp ba, tôi phải trọ học xa nhà, việc học ngày càng nhiều, dần cuốn tôi đi, không còn nhiều thời gian để ở bên Út như trước. Giờ đây, chỉ còn mình Út quẩn quanh bên chiếc máy may, lặng lẽ hoàn thành từng đường kim mũi chỉ. Nghĩ đến dáng Út gầy gò, đôi mắt chăm chú dõi theo từng đường kim, mũi chỉ, tôi không khỏi chạnh lòng. Tôi chỉ mong nhà trường cho nghỉ Tết sớm để về nhà phụ Út, được cùng Út góp thêm niềm vui cho bọn trẻ con trong xóm và lưu giữ những khoảnh khắc đẹp của tuổi thơ.
Theo thời gian, với sự ra đời của những chiếc máy may công nghiệp, ngành may mặc đã có những bước tiến mới, nhiều công ty, xí nghiệp may ra đời. Quần áo may sẵn xuất hiện ngày càng nhiều, đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã và chất liệu. Quần áo được bày bán khắp nơi, có mặt cả ở những vùng quê xa xôi, hẻo lánh như nơi tôi đang sống. Giá thành của quần áo may sẵn cũng rẻ hơn so với việc đặt may riêng, khiến nhiều người dần chuyển sang dùng những mặt hàng này. Trẻ con thì được cha mẹ dẫn ra chợ, ướm thử bộ nào mặc vừa, đẹp thì mua về. Không còn cảnh những ngày cuối năm phải ngồi đợi chờ, ngóng trông để được mặc đồ mới như trước nữa. Nghề may truyền thống, như nghề của Út tôi dần mai một theo dòng chảy của sự đổi thay. Cuối cùng, Út cũng buông kim chỉ, nghỉ việc may, để lại những kỷ niệm về một thời cặm cụi bên chiếc máy may và những bộ quần áo chứa đầy tâm huyết.
Giờ đây, chiếc máy may đã cũ kỹ, nằm im ở một góc nhà, phủ lên mình lớp bụi mờ, như một chứng nhân của thời gian, của những mùa Tết xưa rộn ràng. Mỗi lần nhìn chiếc máy may ấy, tôi như nghe lại tiếng “lạch cạch” đều đặn và hình dung dáng Út cặm cụi bên bàn máy, tạo nên những bộ áo quần mới. Hình ảnh Út cặm cụi bên chiếc máy may, cùng với bóng dáng lũ trẻ con đứng ngóng trước sân nhà và niềm vui rạng rỡ trong mắt chúng khi nhận quần áo mới, như một thước phim cũ, chầm chậm tái hiện trong tâm trí tôi, mang theo hơi thở của những mùa xuân bình dị và đầy ắp yêu thương.