BDK - Thế những hễ tết đến thì nhà nào cũng chuẩn bị rất tươm tất, nhất là hoa trái, bánh kẹo, thịt cá cúng ông bà gia tiên, van vái một năm mới an lành, mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Đó là những ngày “huy hoàng” nhất của bọn trẻ chúng tôi, vì ngoài “ăn ngon” còn được “mặc đẹp”, dù chỉ là chiếc quần cụt, áo ngắn tay bằng vải thô, bởi không đủ tiền mua nhiều hơn và loại vải tốt hơn!
Hồi đó, xóm của tôi có một điểm chung là nhà nào cũng nghèo, dù quanh năm suốt tháng làm quần quật nhưng cái nghèo vẫn đeo bám.
Vào một ngày đẹp trời cuối năm, trong cái lạnh se se, tôi theo má ra vườn cắt lá chuối để gói bánh tét. Những tàu lá rộng bản xanh mướt, ít bị rách vì mưa gió được má chọn kỹ lưỡng, sau đó đem về sân phơi một hai nắng rồi rọc ra xếp lại cẩn thận, còn cọng thì chẻ nhỏ làm dây cột bánh. Lòng tôi nôn nao kỳ lạ lắm, cứ hỏi hoài cái câu: “Chừng nào tết vậy má?”. Má cười: “Chừng nào má gói bánh tét xong là tết”. Đến một đêm không trăng, bên góc hiên nhà, má lấy mấy cục gạch kê làm bếp, lấy cây trâm bầu, mù u làm củi; má trải chiếc đệm và bày ra thúng nếp, chuối, thịt heo, lá, dây chuẩn bị gói bánh. Cả nhà tôi ngồi quanh chiếc đệm, bên đống lửa sáng rực trong đêm tối. Tôi ngó qua nhà chú Chín, nhà cô Bảy cũng sáng như vậy, và tiếng cười nói cứ xôn xao như chuẩn bị cho một đám tiệc gì lớn lắm. Khi nước trong cái nồi lớn bộn sôi ùng ục, má lấy từng đòn bánh đã được gói buộc chắn chắc thả vào.
Lúc con gà trống ngủ trên cây mít cất tiếng gáy đầu tiên trong đêm thì việc gói bánh cũng xong, má thu dọn những gì thừa thải bỏ hết vô thúng, xong má ngồi đó canh lửa. Tôi thấp thỏm không ngủ được vì muốn nêm nếm cái bánh đầu tiên xem đã chín chưa, hương vị thế nào, có giống cách đây một năm dài đằng đẵng mà tôi được thưởng thức không. Má nói: “Con đi ngủ đi, chừng nào bánh chín má kêu thức dậy”, nhưng tôi lắc đầu nguầy nguậy. Tôi nằm gọn trong lòng má, nghe rõ tiếng muỗi kêu vo ve, tiếng củi nổ tí tách, tiếng côn trùng đâu đó râm ran. Tiếc rằng tôi không đủ sức chống lại cơn buồn ngủ muộn màng ập đến dữ dội. Tôi thiếp đi trong cái ấm nóng của bếp lửa, cái lành lạnh của đêm và gió dìu dịu từ chiếc quạt mo của má.
“Dậy!... Dậy đi con. Dậy đón giao thừa kìa!”. Tôi còn đang mơ màng thì đã nghe râm ran làng trên xóm dưới tiếng pháo nổ. Ban đầu thì thỉnh thoảng nhưng càng lúc càng rộ lên. Tiếp đó là tiếng hò reo của trẻ con khuấy động cả vùng đang đêm yên tĩnh. Chị tôi cũng lấy bánh pháo ra treo trước cửa, tay cầm nắm lá dừa đứng từ xa châm ngòi. Tiếng pháo giòn giã, xác pháo bay tung toé. Má nhìn pháo nổ cười rạng rỡ: “Pháo nổ giòn như vậy là điềm lành!”. Đột nhiên, đang nổ giữa chừng thì tắt ngúm. Lát sau chị tôi tháo xuống kiểm tra thì nửa bánh pháo bị… ướt!
Ngày đầu tiên của năm mới bắt đầu.
Mặt trời lên cỡ bốn sào, những đốm nắng nhảy múa sau rặng trâm bầu già trước cửa, má dọn thức ăn lên bàn thờ cúng tổ tiên. Má kêu tôi thay bộ quần áo mới, rồi đốt nén nhang vái ông bà phù hộ cho tía luôn được bình yên, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lần đầu tiên tôi đốt nhang xin “người khuất mặt” phù hộ “người vắng mặt”. Nhưng, hình như ông bà không nghe được lời khấn của tôi nên một tuần sau, tờ giấy báo tử tía bay từ chiến trường biên giới về nhà, lúc má tôi đang dọn cỏ trên đồng chuẩn bị cho vụ lúa mới. Má nuốt nước mắt vào trong, lặng lẽ, âm thầm nuôi chị em tôi.
Mới đó đã nửa thế kỷ, những đứa trẻ vô tư ngày ấy đi tứ tán lập thân lập nghiệp, hiếm hoi lắm mới có dịp tụ hội về xóm nghèo xưa cũ. Cái xóm giờ đây đã đông đúc hơn, nhiều nhà tường ngói đỏ mọc lên thay chòi lá tạm bợ, con đường đất lầy lội đã được đổ nhựa rộng thênh, xa hun hút. Vừa rồi, những đứa trẻ xóm nghèo trên đường bôn ba xuôi ngược có dịp gặp nhau giữa lòng thành phố, thằng Liêm nói: “Xóm mình giờ tết không ai thức khuya gói bánh tét đâu. Nếu cần thì ra chợ mua, cái gì cũng có. Nhiều khi thèm được canh nồi bánh tét trong đêm giao thừa nhưng có ai nấu mà canh!”. Tôi chợt nhớ da diết những đêm đón tết ở quê, nhất là năm tôi sắp vào lớp sáu, đang hân hoan mừng năm mới thì nhận nỗi đau lớn thứ hai trong đời. Sau bao năm nhọc nhằn, vất vả mưu sinh, má rời xa chúng tôi đi theo tía.
Đôi lúc, tôi thèm được sống lại trong không khí của tết quê bên cạnh những người thân yêu nhất, dẫu cơ cực, nghèo khó nhưng ấm áp, hạnh phúc ngọt ngào!