BDK - 16 năm xa quê, nhưng không xa hẳn, vì tôi vẫn thường về Bến Tre, mấy đứa em cùng mồ mả cha mẹ, ông bà vẫn còn dưới đó. Cứ mỗi lần về, tôi đều tự trách mình vì xứ Dừa bây giờ có nhiều cái “lạ” quá mà mình chưa kịp biết.
Gần đây nhất, khi dẫn đoàn nghệ sĩ nhiếp ảnh từ TP. Hồ Chí Minh về sáng tác tập ảnh quảng bá cho huyện Châu Thành, chiếc xe 16 chỗ chở chúng tôi bon bon khắp các nơi trong huyện làm tôi tưởng mình đi lạc. Xã nào cũng đường nhựa, rộng rãi giống hệt nhau, đi thật sướng. Bất giác tôi nhớ lại hồi đó lúc còn công tác ở đài tỉnh, xe hai bánh chạy cũng khó, vô tới vườn nhà dân càng khó hơn. Nay thì bà con đã có thể đem dừa xiêm, chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh ra tận lộ để chất lên xe tải chở đi bán khắp nơi rất thuận lợi.
Có thời gian đi thì mới biết, huyện nào ở tỉnh cũng xây dựng đường sá ngon lành như vậy. Từ TP. Bến Tre về Giồng Trôm, Ba Tri có đến vài tuyến đường, Mỏ Cày Nam về Thạnh Phú có đường đi Trà Vinh, Mỏ Cày Bắc về Chợ Lách có đường đi Vĩnh Long, Ba Tri qua Bình Đại đi rất dễ, vài năm nữa sẽ có cầu kết nối tới Tiền Giang luôn. Trong khi chờ hoàn thành tuyến đường vành đai chiến lược ven biển phía Nam, Bến Tre đã tự xây dựng khá hoàn chỉnh các tuyến đường “vành đai” liên huyện, liên xã riêng của mình, những cái vành đai này đã thắt chặt mối liên kết giữa các địa phương trong tỉnh.
Có ai ngờ là hiện nay, những người dân ở nông thôn Bến Tre đã trồng được trái dừa xiêm, trái bưởi da xanh đủ tiêu chuẩn xuất sang Mỹ và các nước châu Âu. Điều này trước tiên có lợi cho người tiêu dùng bên đó vì họ có thêm cơ hội được ăn nông sản vùng nhiệt đới ngon và rẻ hơn một chút so với khi có quá ít nguồn cung. Năm rồi, vào khoảng giáp Tết, tôi dẫn một nhà báo Canada đến thăm cơ sở sơ chế bưởi da xanh xuất khẩu ở huyện Mỏ Cày Bắc, anh ấy mắt tròn mắt dẹt, ngẩn ngơ hồi lâu trước hàng trăm trái bưởi tươi xanh ngon lành, rồi mới lấy máy ra chụp, post liền lên mạng xã hội với dòng chữ “Trái bưởi da xanh chúng ta ăn bên đó là từ đây nè các bạn ơi!”.
Còn về trái dừa, nhớ có lần sang Pháp, vô một quán giữa thủ đô Paris, tôi thử kêu một ly nước dừa, giá tới 7 euro (tương đương 200 ngàn đồng), tôi tỏ ý muốn quán đem trái dừa tươi ra chặt cho thấy, người phục vụ lịch sự: “Dạ, chúng tôi chỉ nhập nước dừa đông lạnh từ Sri Lanca về rồi rã đông ra bán chứ không có nhập nguyên trái dừa”.
Ly nước dừa vừa đắt vừa có vị lạt nhách, cho nên nói có lợi cho người tiêu dùng các nước là như vậy.
Thuận đường, tôi dẫn anh bạn nhà báo Canada đi tiếp đến Làng hoa giấy Phú Sơn của huyện Chợ Lách. Hoa giấy ở đây mỗi năm mỗi lạ, nhiều hơn, đa dạng hơn về mẫu mã và chủng loại. Có lẻ đây là lần đầu được chiêm ngưỡng cảnh quan ngoạn mục này nên anh bạn tay chụp hình lia lịa, miệng thì nói “Cứ như lạc tới thiên đường vậy!”.
Năm nào tôi cũng tranh thủ về Bến Tre để chụp hình các làng hoa kiểng chuẩn bị phục vụ Tết. Một lần, ngay tại xã Phú Sơn, tôi gặp cặp vợ chồng người Pháp đang đứng nói chuyện với các nhà vườn (có phiên dịch đi theo). Họ cho biết, tới để tìm nghệ nhân qua truyền nghề tại Pháp, bên đó có những nơi hoa giấy mọc thành rừng mà không ai biết cách làm cho nó đẹp rực rỡ như ở đây.
Du lịch cũng là chuyện đáng nói ở quê tôi mà mỗi lần về là mỗi lần thấy lạ. Huyện nào cũng có nhiều cơ sở kinh doanh du lịch được thành lập, cùng khai thác sản phẩm bản địa quanh các con sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, đã tạo thành ba vùng đất cù lao độc đáo không nơi nào có được trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tôi nghĩ, du lịch Bến Tre chỉ cần xoay quanh cái trục chính là những vườn dừa bạt ngàn, tìm về những giá trị văn hóa đặc sắc và sinh thái nguyên sơ, từ đó phăng ra, kết nối được quá khứ với hiện tại, cộng thêm những nụ cười thân thiện mến khách nữa là thành công.
Một chuyện rất lạ khi về xứ Dừa gần đây là nghe mọi người râm ran vụ lấn biển, nằm trong kế hoạch lớn phát triển về hướng Đông của tỉnh. Lấn biển là chuyện đã làm của nhiều quốc gia trên thế giới, để xây đê kè chắn sóng phòng chống xói lở bờ biển; để xây cảng biển, tạo quỹ đất làm khu đô thị, khu dân cư mới; hình thành các khu, cụm công nghiệp, phát triển các dịch vụ logistics, du lịch; phát triển năng lượng sạch...
Chuyện “Đông tiến” có lẽ đã truyền cảm hứng cho người dân ba huyện biển của tỉnh là Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Tôi có đến và thấy bà con “lạ” hơn cách đây 15 năm, năng động hơn trong sản xuất, nói nhiều hơn đến chuyện tương lai qua số lần sử dụng cụm từ “mai mốt”:… Mai mốt chú ở Sài Gòn muốn ăn con hàu tươi của Thạnh Phước chỉ cần đợi con 70 phút, hoặc cuối tuần chú về tắm biển, mua cua ở Thạnh Hải nghen, không còn kẹt cầu Rạch Miễu nên đi nhanh lắm. Mai mốt chú có dắt bạn ở Hà Nội về thăm Cụ Đồ, nhớ rủ ra cồn Nhàn ăn mực. Ôi, hai tiếng “mai mốt” mới dễ thương làm sao!
Trong dịp họp mặt bà con đồng hương Bến Tre tại TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho hay, trong tương lai gần tỉnh sẽ có nhà máy sản xuất Hydro xanh ở xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, dự án sẽ góp phần vào việc phát triển ngành năng lượng xanh của Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng, đóng góp vào ngân sách của tỉnh khoảng 2 ngàn tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho cả ngàn lao động tại địa phương.
Nói tới đây mới thấy, thế hệ lãnh đạo của tỉnh hiện nay cũng “lạ”, ngoài việc kế thừa trí tuệ của lớp cha anh đi trước để làm tốt các công việc hiện tại, các anh chị còn nghĩ tới chuyện 30, 50 năm sau cho tỉnh nhà và quan trọng là truyền được cảm hứng đó đến cho nhiều người, xây dựng được niềm tin vào tương lai, mà có niềm tin là có tất cả. Thế hệ lãnh đạo tỉnh hiện nay đã làm được việc kết nối trí tuệ của những người con Bến Tre ở mọi miền đất nước, tạo nên một sức mạnh cùng góp sức chung lòng xây dựng quê hương