Bị rào đường trong khi chờ tòa án giải quyết tranh chấp lối đi

31/07/2022 - 17:09

Ông Lê Thái có nhu cầu tư vấn: Tôi là nguyên đơn tranh chấp lối đi với ông A (ngang 1,5m, dài 50m), đất tôi nằm phía trong đất của ông A. Hòa giải ở xã không thành và vụ việc được chuyển đến tòa án huyện giải quyết. Ba ngày trước đây, ông A rào đường không cho gia đình tôi đi trên phần đất tranh chấp. Xin hỏi: Tôi phải làm sao để có lối đi, trong khi còn 10 hôm nữa là tổ chức tiệc cưới cho con trai tôi.

Thắc mắc của ông được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Điều 254 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định quyền về lối đi qua như sau:

“1. Chủ sở hữu có bất động sản (BĐS) bị vây bọc bởi các BĐS của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu BĐS vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên BĐS liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của BĐS bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho BĐS có mở lối đi.

Chủ sở hữu BĐS hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu BĐS chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

…”

Mặt khác, theo quy định tại Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 thì trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của BLTTDS có quyền yêu cầu tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời, quy định tại Điều 114 BLTTDS để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án. 

Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 114 BLTTDS.

Căn cứ quy định nêu trên và đối chiếu với trường hợp của ông, nếu phần đất của ông bị vây bọc bởi các phần đất của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, thì ông có quyền yêu cầu chủ sở hữu các phần đất vây bọc dành cho ông một lối đi hợp lý trên phần đất của họ. Để hạn chế về vấn đề tranh chấp, ông có thể thỏa thuận với chủ sở hữu để mua lại phần đất đó sử dụng làm lối đi.

Trường hợp nếu chủ sở hữu của các phần đất vây bọc không chấp nhận hoặc gây khó khăn cho gia đình ông sử dụng lối đi qua thì ông có quyền yêu cầu UBND cấp xã (phường) đứng ra hòa giải. Trường hợp hòa giải không thành, ông có quyền làm đơn khởi kiện tại tòa án nhân dân cấp quận, huyện (nơi có đất) yêu cầu giải quyết.

Trường hợp đất ông phải đi qua phần đất của ông A, hai bên có phát sinh tranh chấp và tòa án đang trong quá trình giải quyết, ông A đã rào đường không cho gia đình ông đi (trên đất tranh chấp) thì ông có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tòa án sẽ xác minh hiện trạng lối đi và sẽ mở tạm lối đi để gia đình ông đi tạm cho đến khi giải quyết xong vụ án.

H. Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN