Có thể làm đơn yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp lối đi chung

17/10/2021 - 20:39

Bà Nguyễn Thị Thu có nhu cầu tư vấn: 5 hộ dân chúng tôi cùng đi trên lối đi chung (dài 80m, ngang 1,5m) đã hơn 40 năm. Lối đi này đi ngang qua đất của ông A nằm ở giữa. Năm 2012, ông A bán đất cho ông N và ông có thỏa thuận với ông N vẫn để lối đi chung như cũ. Gần đây, ông N làm hàng rào và chỉ để lối đi chung 1m chiều ngang. Chúng tôi nhiều lần yêu cầu ông N trả lại chiều ngang lối đi như trước đây nhưng không được. Xin hỏi: Chúng tôi khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết được không, thủ tục ra sao?

Thắc mắc của bà được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Điều 254 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định quyền về lối đi qua: 

 “1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản (BĐS) của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu BĐS vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

 Lối đi được mở trên BĐS liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của BĐS bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho BĐS có mở lối đi.

 Chủ sở hữu BĐS hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu BĐS chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

…”

Theo đó, pháp luật cho phép chủ sở hữu BĐS không có lối đi ra đường công cộng có quyền được yêu cầu chủ BĐS liền kề mở ra một lối đi trên phần đất của họ.

Ngoài quyền được yêu cầu mở lối đi chung như quy định trên và như thông tin bà cung cấp thì lối đi chung của 5 hộ dân được hình thành từ hơn 40 năm, được sử dụng ổn định, hợp pháp, nên có thể được xác định lối đi chung này là thuộc sở hữu chung của cộng đồng (theo quy định tại Điều 211 BLDS).

Căn cứ quy định của các điều luật nêu trên và bà nêu thì lúc bán đất cho ông N, ông A có thỏa thuận là vẫn để lối đi chung. Lối đi chung này không xâm phạm đến quyền sở hữu đất đai của ông N và trên thực tế thì ông N vẫn đi trên lối đi này.

Việc ông N làm hàng rào, lấn chiếm sang lối đi chung, làm thu hẹp chiều rộng của lối đi là vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng. Do vậy, các hộ dân bị lấn chiếm lối đi chung có thể làm đơn tố cáo gửi đến UBND cấp xã (nơi có lối đi chung) để yêu cầu giải quyết. UBND xã sẽ tổ chức hòa giải tranh chấp này theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013.

Trường hợp UBND cấp xã hòa giải không thành thì sẽ làm thủ tục chuyển đến tòa án nhân dân cấp huyện (nơi có lối đi chung) để yêu cầu giải quyết.

Các hộ dân có thể làm đơn yêu cầu tòa án giải quyết. Khi gửi đơn cần kèm theo biên bản hòa giải của UBND cấp xã và các giấy tờ, tài liệu liên quan để chứng minh về quyền sử dụng lối đi chung; chứng minh có hành vi lấn chiếm lối đi chung của ông N. Ngoài ra, các hộ dân còn có thể yêu cầu tòa án giải quyết việc bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của ông N gây ra (nếu có).

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN