Yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

19/01/2025 - 20:28

Bà T.T.H có nhu cầu tư vấn: Đất của tôi nằm ở phía trong đất của ông A. Từ nhiều năm qua, tôi sử dụng lối đi có chiều ngang khoảng 2,5m, dài 15m để vào nhà của mình. Gần đây, tôi và ông A cự cãi và ông đã rào đường không cho tôi đi lối này. Tôi không có lối đi khác để vào nhà. Tòa án huyện đang thụ lý giải quyết. Xin hỏi: Tôi có thể yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp ngăn chặn việc ông A rào đường hay không; tôi phải làm sao?

Thắc mắc của bà được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Theo quy định Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015: Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án...

Mặt khác, điều luật cũng quy định: Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho tòa án đó.

Theo quy định tại Điều 114 BLTTDS, các biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng trong đó có biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp...

Về thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, người yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải làm đơn gửi đến tòa án có thẩm quyền. Trong đơn, cần ghi rõ các nội dung chính như: ngày, tháng, năm làm đơn; tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; tóm tắt nội dung tranh chấp hoặc hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình; lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời... (theo quy định tại khoản 1, Điều 133 BLTTDS).

Kèm theo đơn yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bà cần phải cung cấp các bằng chứng như hình ảnh, video và các tài liệu khác có liên quan để chứng minh cho việc bà đã sử dụng lối đi này trong nhiều năm qua và hoàn toàn không có lối đi khác... Bà cũng cần phải nêu rõ những khó khăn và thiệt hại mà bà phải chịu nếu lối đi này bị rào lại (ví dụ như là việc bà không thể tiếp cận nhà cửa, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, công việc...).

H. Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN