Ông Nguyễn Văn Vui có nhu cầu tư vấn: Tôi tranh chấp đất với ông A, hòa giải ở xã không thành, vụ việc được chuyển đến tòa án. Vụ án đang chờ được giải quyết thì ông A rào đường không cho gia đình tôi đi ngang qua lối đi này (lối đi duy nhất). Gần đây, gia đình tôi phải dùng ván lót trên mương vườn dài khoảng 40m để đi vào nhà, trong khi tôi sắp làm đám cưới cho con. Xin hỏi, tôi phải làm gì để có lối đi trong khi chờ tòa án giải quyết, thủ tục ra sao?
Thắc mắc của ông được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Theo quy định Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 thì đương sự hoặc cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 có quyền yêu cầu tòa án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) nhằm bảo đảm việc bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Cụ thể gồm các đối tượng: Các đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự; cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Việc áp dụng BPKCTT có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp và nhu cầu cấp bách của đương sự. Áp dụng BPKCTT cũng để nhằm bảo vệ chứng cứ, ngăn chặn không để phát sinh tình trạng làm sai lệch bằng chứng, sai lệch nội dung vụ việc và kịp thời khắc phục những hậu quả, thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra. Khi lý do áp dụng BPKCTT không còn thì tòa án có quyền hủy bỏ việc áp dụng biện pháp này.
Về nguyên tắc, tòa án chỉ được quyết định áp dụng BPKCTT khi có đơn yêu cầu của các đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, của cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu tòa án. Trong một số trường hợp, do yêu cầu của việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, tòa án cũng có quyền tự mình quyết định áp dụng các BPKCTT quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 114 BLTTDS.
Tùy theo từng trường hợp và theo yêu cầu của người khởi kiện, tòa án có thể ra quyết định áp dụng BPKCTT trước khi thụ lý, hoặc trong quá trình giải quyết vụ án.
Như ông trình bày thì vụ án tranh chấp lối đi giữa ông và ông A thuộc trường hợp đang trong quá trình giải quyết của tòa án. Việc ông A rào chắn đường đi và đây là lối đi lại duy nhất của gia đình ông là vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông và của người khác khi cần đi lại trên đoạn đường này.
Do vậy, trước tiên, ông cần làm đơn trình báo với chính quyền địa phương để được giải quyết trong tình thế cấp thiết này. Đồng thời, ông có thể làm đơn yêu cầu tòa án (nơi đang thụ lý giải quyết vụ án của ông) ra quyết định áp dụng BPKCTT theo quy định tại Điều 122 BLTTDS “Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp”, buộc ông A phải tháo dỡ rào chắn, trả lại lối đi như hiện trạng ban đầu và chờ kết quả giải quyết của tòa án.
Về thủ tục, theo quy định tại Điều 133 BLTTDS, ông phải có: Đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT gửi đến tòa án (nơi thụ lý giải quyết vụ tranh chấp lối đi), đơn viết theo hướng dẫn của tòa; kèm theo đơn là chứng cứ chứng minh việc yêu cầu áp dụng BPKCTT của ông là cần thiết và hợp pháp (chứng cứ cụ thể, hậu quả, hình ảnh, biên bản làm việc của chính quyền cơ sở, giấy xác nhận của người làm chứng và các giấy tờ, tài liệu liên quan khác).
Người yêu cầu áp dụng BPKCTT phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Nếu yêu cầu này không đúng, gây thiệt hại cho người bị áp dụng BPKCTT hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường theo quy định tại Điều 113 BLTTDS.
H.Trâm (thực hiện)