Cảnh giác trước việc chơi hụi và cho vay lãi cao

02/06/2017 - 07:46

Gần đây, người dân ở xã Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm) bàn tán xôn xao về việc bà chủ hụi Nguyễn Thị Nh. vắng mặt tại địa phương đã lâu nhưng chưa trở về. Trong khi đó bà đang thiếu tiền hụi, nợ tiền vay của nhiều người, tổng trị giá lên đến hơn 8 tỷ đồng (vốn gốc).

Theo những hụi viên, bà Nh. làm chủ nhiều dây hụi (hụi ngày, hụi tuần, hụi tháng); còn nhận tiền vay của nhiều người và trả lãi cao. Thời gian đầu, bà Nh. thanh toán sòng phẳng với hụi viên và trả lãi tiền vay đúng hạn nên được nhiều người tin tưởng. Sau đó, bà mở thêm nhiều dây hụi với giá trị lớn hơn, vay được nhiều tiền hơn và sau đó thì… “biến mất”.

Bà H. (buôn bán tại xã Thạnh Phú Đông), người đã trót đưa cho bà Nh. hơn 300 triệu đồng ấm ức: “Bà Nh. không những gạt tiền của nhiều người dân trong xã mà còn gạt nhiều người ở xã Tân Hào, xã Tân Lợi Thạnh nữa. Giờ bà ấy trốn mất rồi, biết làm sao?”. Cùng tâm trạng với bà H., bà Kh. (đã đưa cho bà Nh. hơn 100 triệu đồng) bức xúc: “Bà Nh. gom tiền của nhiều người, từ chủ cả cho đến người buôn bán nhỏ lẻ, tới người trồng cải, bán rau và cả người làm thuê”. Khi hay tin bà Nh. bỏ địa phương đi, nhiều người đã tới nhà của bà Nh. để “siết nợ” thì mới biết là bà Nh. đang sống chung với cha ruột, bà không có tài sản gì khác ngoài chiếc xe máy. 

Những năm trước đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ bể hụi, tiền vay. Cụ thể, bể hụi ở xã Lương Hòa (Giồng Trôm) với số tiền hơn 3 tỷ đồng vào tháng 2-2010, do vợ chồng bà M.T.P. làm chủ. Cùng trong năm 2011, xảy ra 2 vụ bể hụi và nợ tiền vay tại xã Thành Triệu (Châu Thành); vụ xảy ra tháng 5-2011 do bà H.T.T. làm chủ (trị giá trên 25 tỷ đồng cùng hơn 100 chỉ vàng); vụ xảy ra vào tháng 7-2011 do bà N.T.S.H. làm chủ (gần 3 tỷ đồng). Giữa tháng 7-2015, tại xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam đã xảy ra vụ bể hụi lớn do bà H. làm chủ (tổng số tiền trên 10 tỷ đồng). Cuối tháng 11-2016, bể hụi, tiền vay xảy ra do bà N.T.A. làm chủ (trên 2,6 tỷ đồng) ở 2 xã Phước Thạnh, Hữu Định (Châu Thành)… Đây là những vụ bể hụi, tiền vay “nổi đình, nổi đám” do những người bị mất tiền của đã trình báo với chính quyền địa phương. Trên thực tế còn xảy ra nhiều vụ bể hụi, tiền vay khác nhưng người bị hại không trình báo với cơ quan chức năng.

Những vụ bể hụi, tiền vay xảy ra nêu trên đều do chủ hụi đã khéo léo gầy nhiều dây hụi và huy động tiền gửi với lãi suất cao. Thời gian đầu, chủ hụi thanh toán sòng phẳng với những người tham gia để lấy uy tín; khi gom được số tiền lớn thì chủ hụi bỏ địa phương đi lánh mặt một thời gian, sau đó trở về. Hậu quả của những vụ bể hụi đã khiến cho nhiều gia đình hụi viên phải lâm vào cảnh túng thiếu, hạnh phúc đổ vỡ vì đã gom góp hết tài sản, thậm chí có nhiều người đã vay tiền ngân hàng (hoặc của người thân) để giao cho chủ hụi… Đòi không được tài sản (là tiền mặt hoặc vàng) đã trót đưa cho chủ hụi, người dân làm đơn tố cáo tại cơ quan Công an yêu cầu xử lý hình sự đối với chủ hụi. Nhưng hầu hết những khổ chủ này đều thiếu chứng cứ để cơ quan chức năng làm căn cứ pháp lý xử lý đối tượng.   

Chơi hụi với mục đích tương trợ, giúp đỡ nhau là cách làm hay và cần được nhân rộng. Ngược lại, tổ chức chơi hụi để lấy lãi cao, cho vay nặng lãi là vi phạm pháp luật và dẫn đến nhiều hậu quả đau lòng khác. Mong rằng, mọi người cần cảnh giác trước những món lãi to từ hụi và cho người khác vay để lấy lãi cao.

H.Trâm

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN