Hướng đến phát triển bền vững ngành dừa tỉnh, bài 1

Chuyển động ngành dừa từ năm 2020 đến nay

02/09/2024 - 05:32

BDK - Mặc dù trải qua nhiều biến động lớn do tác động, ảnh hưởng từ dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng “rừng dừa” Bến Tre vẫn chống chịu và khẳng định sức sống mãnh liệt với thời gian. Minh chứng sống động nhất là màu xanh của dừa ngày càng dày thêm và bao phủ bát ngát trên ba dải cù lao.

Đoàn  khách trong nước và quốc tế tham quan vườn dừa hữu cơ tại xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam.

Những con số ấn tượng

Cây dừa được khẳng định là cây trồng chủ lực của tỉnh và chiếm diện tích nhiều nhất nước. Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng diện tích dừa toàn tỉnh năm 2020 là 73.997ha, phát triển theo chiều hướng tăng dần đến tháng 6-2024 là 79.085ha. Trong đó, tổng diện tích dừa xiêm xanh uống nước toàn tỉnh hiện khoảng 15.865ha, chiếm 20,33% trong tổng diện tích dừa của tỉnh. Tổng sản lượng dừa trong năm 2020 là hơn 645 ngàn tấn, tăng nhẹ qua các năm. Cụ thể, năm 2021 hơn 672 ngàn tấn, năm 2022 là 686 ngàn tấn và năm 2023 là 700 ngàn tấn.

Toàn tỉnh có khoảng 169 doanh nghiệp (DN) sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa, chiếm 26,61% tổng số DN sản xuất công nghiệp của tỉnh, giải quyết việc làm cho hơn 9 ngàn lao động. Một số ngành chính như chế biến vỏ dừa, chế biến gáo dừa, chế biến cơm dừa (sơ chế cơm dừa, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, bột sữa dừa, kẹo dừa, các loại mỹ phẩm từ dừa...), chế biến nước dừa (thạch dừa, nước dừa đóng hộp). Giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa (giá so sánh năm 2010) năm 2024 ước đạt 3.650 tỷ đồ̀ng, chiếm 8,63% so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dừa giai đoạn 2021 - 2024 tăng từ 361 triệu USD năm 2020 và ước đạt hơn 390 triệu USD năm 2024. Riêng năm 2022 là 413 triệu USD.

Đặc biệt, giá trị tăng thêm mà người trồng dừa trực tiếp thụ hưởng trung bình 11,55 triệu đồng/ha/năm khi chuyển đổ̉i sản xuất hữu cơ. Tương đương với 20.401ha dừa hữu cơ năm 2024. Tổng giá trị tăng thêm ước tính hơn 235,600 tỷ đồng. Hơn thế, khi diện tích dừa hữu cơ của tỉnh tăng lên, kéo theo sự tăng trưởng mạnh mẽ của một số sản phẩm mới như: nước dừa, nước cốt dừa và dự báo còn tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

“Đòn bẩy” từ chính sách

Ngành dừa tỉnh có được những bước tiến vững vàng với những kết quả đáng phấn khởi như trên là nhờ chính sách khuyến khích mang tính toàn diện và đồng bộ làm “đòn bẩy” của Trung ương đến địa phương. Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 3003/KH-UBND của UBND tỉnh về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030 là chương trình hành động cụ thể hóa Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã (HTX), liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức, thời gian qua, tỉnh đã triển khai khá tốt và có thể được xem là đi đầu trong cả nước về kết quả thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP cho phát triển vùng nguyên liệu dừa sản xuất hàng hóa tập trung của tỉnh. Cụ thể, liên kết theo quy định tại Điều 4, 5 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, giai đoạn từ năm 2020 - 2024, toàn tỉnh đã phát triển 13.826ha dừa hữu cơ, nâng tổng diện tích dừa hữu cơ toàn tỉnh lên hơn 20.400ha. Trong đó, diện tích đạt chứng nhận gần 13.000ha, các tiêu chuẩn hữu cơ được áp dụng như Mỹ (USDA), Liên minh châu Âu (EU), Nhật (JAS), Đài Loan, Trung Quốc...

“Chủ sở hữu các chứng nhận hữu cơ đến nay do DN chế biến dừa đứng tên và chi trả tất cả các chi phí thực hiện và phí chứng nhận hàng năm. Trên thực tế, tất cả diện tích dừa hữu cơ sẽ có hợp đồ̀ng liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa hữu cơ trực tiếp giữa nông dân và DN”, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức khẳng định.

Liên kết chặt chẽ

Bên cạnh liên kết sản xuất dừa hữu cơ, các hình thức liên kết chặt chẽ hơn đã được hình thành và phát triển trong thời gian qua. Cụ thể, thành lập mới và liên kết 16 HTX tham gia chuỗi với quy mô hơn 10.200ha và 2.500 thành viên, nâng quy mô chuỗi dừa lên 34 HTX (và hơn 30 tổ hợp tác). Ngành nông nghiệp đã và đang phối hợp với Hiệp hội Dừa, DN triển khai thực hiện mô hình trình diễn “Vườn dừa hữu cơ kiểu mẫu”, tổ chức nhân nuôi và phóng thích bọ đuôi kìm để quản lý bọ cánh cứng gây hại trên vườn dừa hữu cơ, quản lý sâu đầu đen hại dừa bằng nhân nuôi, phóng thích ong ký sinh, xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị trên địa bàn huyện Giồng Trôm…

Ngân hàng đã chủ động kết nối với DN dẫn dắt HTX, hộ dân cung ứng vốn theo mô hình liên kết từ khâu sản xuất - thu mua - chế biến - tiêu thụ để hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị. Đến cuối tháng 6-2024, ngân hàng đã ký kết với 3 DN dẫn dắt xây dựng, phát triển 10 liên kết với 130 thành viên, gồm: 31 DN, 8 HTX và 91 hộ dân. Dư nợ đạt 1.377 tỷ đồng.

Thực hiện Công văn số 1776/BNN-BVTV ngày 23-3-2023 của Bộ NN&PTNT về việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, tỉnh đã tổ chức kiểm tra và hướng dẫn cho các vùng trồng đăng ký xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Kết quả, hiện có 133 vùng trồng dừa với diện tích 8.373ha và 12.829 hộ tham gia cơ bản đáp ứng được các quy định hiện hành về đăng ký cấp mã số vùng trồng dừa. Ngoài ra, đã kiểm tra và cấp 6 mã số vùng trồng dừa nội địa với diện tích gần 530ha trên địa bàn các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Thạnh Phú và TP. Bến Tre.

Hiện nay, dừa là 1 trong 6 loại cây công nghiệp được tạo điều kiện phát triển theo Quyết định số 431/QĐ-BNN-BNNPTNT ngày 26-1-2024 của Bộ NN&PTNT về việc phê duyệt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Đây được xem là một bước ngoặt mới cho sự phát triển ngành dừa của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức kiến nghị: Thời gian tới cần có hướng dẫn thực hiện thống nhất thẩm quyền phê duyệt dự án liên kết giữa Nghị định số 98/2018/NĐ-CP với Nghị định số 38/2023/NĐ-CP của Chính phủ trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Công bố thủ tục hành chính phù hợp với thẩm quyền phê duyệt dự án liên kết. Các đoàn thể, chính quyền địa phương cần quan tâm nhiều hơn trong công tác tuyên truyền, vận động để thành lập các tổ hợp tác, HTX; vận động nông dân chuyển đổi sản xuất dừa hữu cơ.

“Tính đến tháng 6-2024, diện tích dừa của tỉnh hơn 79 ngàn héc-ta, lớn nhất cả nước. Bến Tre được mệnh danh là “Xứ sở dừa Việt Nam”, giúp địa phương thu về hơn 400 triệu USD mỗi năm. Trong quá trình phát triển, lãnh đạo tỉnh luôn tạo điều kiện để phát huy lợi thế về tiềm năng của cây dừa, một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh; đồng thời, quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến dừa gắn với nhu cầu tiêu thụ trong nước và thị trường quốc tế”.

(Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN