Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện

25/05/2022 - 05:27

BDK - Thực hiện Chiến lược tài chính (TC) toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (chiến lược) của Chính phủ theo Quyết định số 149, tỉnh đã cụ thể hóa bằng kế hoạch hành động số 988, với nhiều chính sách hỗ trợ liên quan được triển khai thực hiện. Trong đó, có gắn với Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Hướng đến đổ xăng không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.

Hướng đến đổ xăng không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.

Đối tượng tiếp cận

Theo đó, TC toàn diện là việc mọi người dân và doanh nghiệp (DN) được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ TC một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững. Trong đó, có chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ.

Phạm vi của chiến lược hướng tới việc phổ cập các sản phẩm, dịch vụ TC cơ bản do các tổ chức được cấp phép cung ứng, gồm: thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm.

Hiện tại, hệ thống các tổ chức TC trên địa bàn tỉnh, gồm: 100 chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng; 8 quỹ tín dụng nhân dân; 958 điểm giới thiệu dịch vụ của 8 công ty TC tiêu dùng; 1 chi nhánh tổ chức TC vi mô; 6 chương trình, dự án TC vi mô, cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ TC cho người dân, DN trên địa bàn.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chính thức cấp phép cho 3 nhà mạng lớn, gồm: VNPT, Mobifone và Viettel triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money), tạo điều kiện thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lê Công Thành cho biết, sau hơn 2 năm triển khai chiến lược và Kế hoạch hành động số 988, các chỉ tiêu đạt được còn khá khiêm tốn. Đến cuối năm 2021, có 8,6 chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại trên 100 ngàn người trưởng thành (chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 là 16 chi nhánh, phòng giao dịch).

Có 19% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ TC (chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 là 50%); 829 DN nhỏ và vừa có dư nợ tại tổ chức tín dụng (chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 là 1.200 DN). Riêng chỉ tiêu dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã đạt chỉ tiêu đề ra (hiện chiếm tỷ lệ 72% tổng dư nợ tín dụng)...

Giải pháp trọng tâm

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn đề nghị, các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt và có các giải pháp cụ thể, thiết thực, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện Chiến lược TC toàn diện và Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, kế hoạch triển khai thực hiện của UBND tỉnh. Qua đó, nâng cao nhận thức, triển khai đồng bộ, có lộ trình, giải pháp cụ thể trong thực hiện. Trong đó, tập trung nâng cao tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Trước hết, trong hệ thống chính trị, cộng đồng DN, đẩy mạnh thanh toán phí, lệ phí, chi trả an sinh xã hội thông qua tài khoản giao dịch điện tử.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn đề nghị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh chủ trì, tham mưu triển khai thực hiện Chiến lược TC toàn diện và Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục quản lý các tổ chức tín dụng trên địa bàn phát triển ổn định, an toàn, huy động hiệu quả các nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế cung ứng vốn tín dụng phục vụ tốt, kịp thời nhu cầu của DN, hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế địa phương. Tập trung đầu tư tín dụng vào các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, nhất là xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh theo tinh thần lợi ích hài hòa giữa các bên tham gia; bảo đảm an toàn, bảo mật hệ thống thanh toán; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, khuyến khích người dân mở tài khoản ngân hàng, sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt như: ví điện tử, ngân hàng điện tử, quét mã QR, thanh toán qua điện thoại di động... nhất là ở địa bàn nông thôn, trường học, bệnh viện.

Nhiệm vụ cụ thể

Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu triển khai hiệu quả chương trình phát triển 5 ngàn DN của tỉnh. Trong đó, quan tâm đến các DN dẫn dắt, kết nối hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân tham gia xây dựng chuỗi giá trị, các DN có hoạt động kinh tế, thanh toán, giao dịch sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 07-NQ/TU về việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh; phối hợp với Sở Công Thương, ngành ngân hàng hỗ trợ thúc đẩy chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy sản xuất kinh tế nông nghiệp.

Sở Công Thương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số cho 1 ngàn DN trên địa bàn tỉnh, gắn liền với Chiến lược TC  toàn diện, thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thương mại điện tử thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, thúc đẩy xuất khẩu.

Sở Giáo dục và Đào tạo khuyến khích, tuyên truyền, vận động phụ huynh, học sinh thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, lồng ghép giáo dục TC trong các chương trình giáo dục, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm cho học sinh, sinh viên nâng cao kiến thức về TC.

Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh phối hợp với ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai thực hiện thu viện phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt...

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích