Dừa vẫn là cây trồng chủ lực

20/09/2015 - 17:08

Nhộn nhịp chợ dừa ở sông Thom, huyện Mỏ Cày Nam.

Từ năm 2010 đến nay, giá dừa luôn biến động, từ 150 ngàn đồng/chục (12 trái) vào năm 2011 giảm đến thấp nhất 15 ngàn đồng/chục năm 2012, nhưng dừa vẫn là cây chủ lực của tỉnh. Hiện thương lái đang mua dừa ở Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc từ 65 - 75 ngàn đồng/chục.

Diện tích dừa ngày càng mở rộng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 67.300ha dừa, trong đó diện tích dừa cho trái khoảng 56.500ha. Diện tích dừa nhiều nhất ở Giồng Trôm 17.000ha, Mỏ Cày Nam 15.000ha… Sản lượng dừa toàn tỉnh đạt 526 triệu trái/năm.

Sở dĩ diện tích dừa trái toàn tỉnh tăng là do người dân không ngừng đầu tư và mở rộng diện tích vườn dừa. Chỉ tính riêng xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam, đã có 74,8ha dừa. Ông Phan Văn Mẫm - Phó Chủ tịch UBND xã Thành Thới B cho biết: Diện tích dừa ngày càng tăng do có một số hộ bỏ trồng lác để trồng dừa. Thành Thới B có nhiều hộ với diện tích trên 1ha, trong đó hộ ông Đông đứng hàng đầu về diện tích dừa ở xã Thành Thới B. “Hiện tại, tôi bán dừa được 70 ngàn đồng/chục, với giá này, mỗi tháng tôi thu ít nhất 10 triệu đồng. Do đó, tôi không đốn dừa dù dừa xuống giá 15 ngàn đồng/chục, như hồi tháng 5-2012. Bởi cây dừa đốn đi, trồng lại phải chờ đến 10 năm sau dừa mới cho trái ổn định” - ông Đông chia sẻ với tinh thần quyết tâm giữ vững vườn dừa. Thấy cây dừa khá ổn định, có tính bền vững, nhiều hộ ở xã Thành Thới B chuyển đổi cây trồng. Anh Nguyễn Quốc Thống ở ấp An Trạch Tây cho hay: “Trồng lác nhiều năm qua đem lại hiệu quả kinh tế thấp quá. Hơn nữa, trồng dừa ít chăm sóc, nhưng thu hoạch được dài lâu. Thấy các hộ trồng dừa có thu nhập ổn định, nên đầu năm 2014, tôi bỏ 5 công lác để trồng 110 cây dừa (dừa dâu và dừa ta). Trong đó, tôi trồng xen cỏ để nuôi bò”.

Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre đang ký hợp đồng bao tiêu dừa trái cho khoảng 1 ngàn hộ, với tổng diện tích gần 800ha tại các xã: Châu Bình, Lương Quới, Hưng Lễ (Giồng Trôm), Thới Lai, Vang Quới Tây, Vang Quới Đông (Bình Đại). Từ đó, diện tích vườn dừa ngày càng ổn định và tăng dần. Riêng xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm có tổ hợp tác trồng dừa với 1.775 hội viên tham gia, 1.236ha dừa, tạo điều kiện cho nông dân toàn tỉnh giữ vững và phát triển diện tích vườn dừa. Hiện nay, nhà máy chế biến sữa dừa, cơm dừa nạo sấy… của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre đang hoạt động tại Cụm Công nghiệp Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, với công suất khá lớn, góp phần giúp người dân yên tâm mở rộng diện tích trồng dừa.

Hiện nay, trồng dừa không chỉ để thu hoạch trái mà còn để phục vụ du lịch. Ông Đặng Ngọc Thảo, ấp Đông Lợi, xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc sở hữu gần 1,5ha dừa cho biết: “Cây dừa gắn với gia đình tôi qua nhiều thế hệ. Vườn dừa cao tỏa bóng mát, có lối dẫn vào căn nhà lá 3 gian được làm bằng cây dừa. Mỏ Cày Bắc có những gia đình cất nhà trong vườn dừa bên bờ sông nhìn rất hay, có nét gì đó rất Bến Tre, đáng để làm du lịch và làm cây chủ lực của tỉnh”.

Bưởi đang cạnh tranh với dừa

Không chỉ diện tích dừa ngày càng phát triển mà diện tích bưởi cũng ngày càng mở rộng. Năm 2012, toàn tỉnh có 4.500ha bưởi, hiện nay có hơn 5.500ha bưởi, chủ yếu là bưởi da xanh. Châu Thành có diện tích bưởi lớn nhất tỉnh 1.700ha, Mỏ Cày Bắc 1.073ha, Giồng Trôm 990ha, Mỏ Cày Nam 320ha… Tại Mỏ Cày Bắc, bưởi loại I (1 trái nặng trên 1kg) được thương lái mua giá 40 - 45 ngàn đồng/kg. Do giá bưởi ổn định ở mức cao nên diện tích bưởi ở các huyện, TP. Bến Tre đang cạnh tranh với diện tích dừa để lên ngôi, nhất là bưởi da xanh. Ông Nguyễn Văn Sốt, ở ấp Tân Long II, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, đang trồng chuyên canh gần 400 gốc bưởi da xanh trên diện tích 3.500m2 từ năm 2005, đang cho trái ổn định. “Hiện nay, mỗi cây thu được trung bình 20kg/năm, giá bán tại vườn bình quân 30 ngàn đồng/kg. Ước tính mỗi năm sau khi bán bưởi trừ chi chí còn khoảng 150 triệu đồng” - ông Sốt phấn khởi nói.

Bà Phạm Thị Thu Sương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Bưởi đang lấn diện tích dừa bằng cách trồng chuyên canh hoặc trồng xen trong vườn dừa, vì giá luôn ổn định và cao, nhu cầu sử dụng bưởi tăng nhanh, nhất là bưởi da xanh. Thế nhưng, bà con không nên trồng bưởi quá ào ạt, phải biết đất nào trồng bưởi, đất nào không nên trồng. Do đó, không nên đốn dừa để trồng bưởi”.

Bài, ảnh: Hoàng Vũ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN