BDK - Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông trên địa bàn tỉnh sản xuất các loại nông sản chủ lực. Gần đây nhất, Trung tâm đã chủ trì, phối hợp với các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp ký kết với Trung tâm Khuyến nông quốc gia để thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ tại đồng bằng sông Cửu Long”, với quy mô 400ha tại 4 tỉnh trong vùng dự án, giai đoạn 2022 - 2024.
Mô hình thâm canh sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP do Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ.
Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật
Theo Giám đốc Trung tâm Châu Hữu Trị, đơn vị đã xây dựng mô hình thâm canh cây ăn quả trên sầu riêng, bưởi, xoài, mít theo tiêu chuẩn VietGAP tại các tỉnh. Riêng tại tỉnh, trong năm 2022 đã triển khai 50ha, gồm: 20ha mô hình thâm canh bưởi da xanh theo VietGAP và 30ha mô hình thâm canh sầu riêng theo VietGAP. Năm 2023, triển khai 70ha, gồm: 20ha mô hình thâm canh bưởi da xanh theo VietGAP và 50ha mô hình thâm canh sầu riêng theo VietGAP. Năm 2024 triển khai 90ha, gồm: 20ha mô hình thâm canh bưởi da xanh theo VietGAP và 70ha mô hình thâm canh sầu riêng theo VietGAP.
Mô hình thâm canh sầu riêng theo VietGAP được triển khai trên giống sầu riêng cơm vàng hạt lép Ri6, sầu riêng Monthong, các vườn sầu riêng đang trong thời kỳ kinh doanh có độ tuổi từ 6 - 10 năm trở lên, thực hiện canh tác theo VietGAP, tại các xã Tân Phú, Phú Đức, Tiên Long, Quới Thành và thị trấn Tiên Thủy, huyện Châu Thành. Mô hình thâm canh bưởi da xanh theo VietGAP được triển khai trên các vườn bưởi da xanh, các vườn bưởi đang trong thời kỳ kinh doanh có độ tuổi từ 4 - 5 năm trở lên, thực hiện canh tác theo VietGAP, tại các xã Tiên Long và Tân Thạch, huyện Châu Thành.
Tham gia các mô hình này, nông dân vùng trồng được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăm sóc sầu riêng, bưởi da xanh trong điều kiện hạn mặn, xử lý ra hoa, kỹ thuật bón phân nâng cao phẩm chất trái, kỹ thuật tỉa cành tạo tán, có sổ tay hướng dẫn tưới nước tiết kiệm, tập huấn sổ tay hướng dẫn thực hành VietGAP trên cây cây ăn trái.
Bên cạnh đó, nông dân còn được tập huấn nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cho thành viên Ban quản trị hợp tác xã lập kế hoạch sản xuất, marketing, quảng bá thương hiệu; hướng dẫn công tác quản lý, ghi chép nhật ký sản xuất; hướng dẫn việc kiểm tra, giám sát, duy trì các tiêu chuẩn đã áp dụng, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và chứng nhận VietGAP…
Nâng cao năng suất, chất lượng
Một vườn 2.000m2 trồng sầu riêng nếu làm đúng chuẩn có thể mang lại sản lượng từ 2 - 3 tấn/công và giá bán trung bình khoảng 50 ngàn đồng/kg vào mùa thuận (từ năm thu hoạch thứ 2 - 3 của cây). Đó cũng là lý do trong vài năm gần đây, diện tích trồng sầu riêng tại xã Tân Phú đã tăng mạnh, khoảng 30% so với trước. Ông Nguyễn Văn Út Tám - Tổ phó Tổ khuyến nông cộng đồng xã Tân Phú, huyện Châu Thành, là hộ tham gia dự án với 5.000m2 trồng sầu riêng (với 100 gốc), chia sẻ: Tổ khuyến nông kết hợp chặt chẽ với nông dân, đến tận vườn để hỗ trợ và hướng dẫn, giúp bà con tránh mua phải phân và thuốc giả. Mô hình chăm sóc sầu riêng tại Tân Phú nổi trội trong việc chăm sóc, thu hoạch và duy trì sức khỏe cây sau khi thu hoạch. Mô hình này được triển khai từ năm 2019 - 2020 và kéo dài đến nay. So với những năm trước, ý thức trữ nước và duy trì độ ẩm của vườn, cũng như việc kiểm tra nước và độ mặn đã được cải thiện. “Vườn sầu riêng tại Tân Phú đã được công nhận một số mã vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và xuất khẩu sang Trung Quốc, với khối lượng khá lớn so với các tỉnh khác. Nhờ đó, sản phẩm xuất bán ổn định…”, ông Nguyễn Văn Út Tám khẳng định.
Ông Đỗ Minh Luân, nông dân trồng bưởi tại xã Quới Thành là thành viên của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Quới Thành. Ông Luân cho biết, tham gia dự án, nông dân được Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí phân bón hữu cơ và tư vấn kỹ thuật, đồng thời các cán bộ kỹ thuật đã xuống tận vườn để hỗ trợ cho nông dân. HTX Dịch vụ nông nghiệp Quới Thành đã tham gia mô hình VietGAP, với diện tích khoảng 10ha, mang lại hiệu quả tốt trong năm vừa qua.
Ông Luân cho biết thêm, khi tham gia chương trình và làm đúng quy trình kỹ thuật, vườn bưởi của ông đạt hiệu quả cao. Cây bưởi phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, trái đẹp và năng suất cao, nhờ đó tỷ lệ xuất khẩu cũng tăng. Những vườn không tham gia mô hình này có tỷ lệ xuất khẩu chưa đạt 30%, trong khi vườn của ông có thể bán cho Công ty Hương Miền Tây xuất khẩu sang Trung Quốc và châu Âu, với tỷ lệ bưởi thu hoạch tại vườn đạt từ 50 - 60%.
Kết quả ghi nhận trong năm 2023, hầu hết các vườn cây ăn trái 6 - 10 năm tuổi, sau thời gian được hỗ trợ, cây sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất ổn định cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn. Sầu riêng có năng suất trung bình đạt 16,4 tấn/ha, cao hơn 14,5% và lợi nhuận cao hơn 43% so với bên ngoài, tương ứng cao hơn 388 triệu đồng/ha. Bưởi da xanh có năng suất trung bình 14,5 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn 53%, tương ứng cao hơn 78% so với ngoài mô hình. Dự án cũng đã cấp mã số vùng trồng cho các diện tích tham gia dự án.
“Thời gian tới, nông hộ sản xuất cây ăn trái nâng cao chất lượng và độ an toàn sản phẩm, đáp ứng thị trường tiêu thụ ngày càng cao. Điều này đòi hỏi nông dân trong sản xuất phải thay đổi tư duy và trở nên chuyên nghiệp hơn. Công tác quản lý, khai thác, phát triển các nhãn hiệu, nhất là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý; các sản phẩm đạt chuẩn an toàn (GAP). Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ… Người dân, doanh nghiệp và hợp tác xã quan tâm nâng cao ý thức xây dựng, bảo hộ thương hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc”.
(Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Châu Hữu Trị)