Quảng Nam có 9 trong số 17 huyện thị bị ngập lụt và cô lập hoàn toàn, tính đến 12h trưa 14/11, gây khó khăn cho việc cứu trợ. Số người chết lên đến 15, mất tích 1 và bị thương 19. Trên 9.600 ngôi nhà, phòng học và trạm y tế bị sập đổ và xiêu vẹo. Tệ hại hơn, trên 25.000 tấn lương thực và 3.000 tấn lúa giống của nhân dân mất trắng. Lúa, hoa màu, ruộng vườn bị tàn phá trên 10.000 ha và 500.000 cây lâm nghiệp bị hư hỏng. Hơn 2 triệu gia súc, gia cầm cũng bị lũ cuốn trôi.
Ngoài ra, tôm, cá, thủy hải sản mất gần 1.000 tấn. Hàng trăm công trình thủy lợi bị sạt lở và hỏng nặng. Hồ chứa nước Trà Cân bị sập 12 m tường bờ bên phải, nước tràn theo dòng lũ.
Hàng trăm công trình nước sạch, giao thông cũng tê liệt. Đã có 52 trạm biến áp điện và gần 30 km đường dây trung, hạ thế và hàng trăm km đường dây thông tin liên lạc bị hư hỏng. Ngoài ra còn rất nhiều tài sản sinh hoạt của nhân dân bị nước lũ nhấn chìm và cuốn đi không thống kê được.
Sáng 14/11, Sư đoàn 372 đã thực hiện tiếp tục 3 chuyến bay thả hàng cứu trợ cho các vùng lũ chưa rút hoặc tắc đường. Hiện nay, huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc của Quảng Nam vẫn đang bị cô lập.
Hàng nghìn xe bắc nam nối đuôi vì nước ngập, tắc đường, kéo theo nhiều vấn đề phức tạp như vệ sinh môi trường, an ninh trật tự... càng khiến rối bời ở vùng lũ. Tuyến đường sắt Bắc Nam cũng đã tê liệt đoạn qua Thừa Thiên Huế và đèo Hải Vân, Đà Nẵng.
Trận lũ lịch sử 1999 đã lặp lại chỉ sau 7 năm. Đây là điều thất thường theo kinh nghiệm dân gian. Chính vì lý do này, nhiều người hoàn toàn bất ngờ với mức lũ vượt cả đỉnh năm 1999.
Nghiêm trọng nhất là là tỉnh Quảng Nam. Do lượng mưa lớn, có chỗ đến 800mm trên thượng nguồn, khiến hai lưu vực sông Thu Bồn, Vu Gia vượt mốc đỉnh lũ năm 1999. Cư dân vùng thượng lưu hai con sông này đều bị trôi sạch nhà cửa, chạy lũ thất thần ngay đêm 11/11. Tâm túi lũ là phố cổ Hội An.
Hàng chục nghìn người dân di dời khẩn cấp trong đêm 11/11 kéo dài đến tận trưa 13/11. Tổng số người chết và mất tích lên đến 33. Trải qua 4 trận lũ liên tục, hầu hết người dân đã kiệt sức, nhà ngậm nước, nền mục và sẵn sàng ngã sập bất cứ lúc nào.
Đã hơn 3 ngày nay, điện, nước, giao thông ở Quảng Nam đều tê liệt. Nước phủ bạc mọi nẻo đường, nhiều chỗ chảy xiết như suối. Lực lượng cứu hộ ghé vào cứu một người đôi khi mất vài tiếng đồng hồ.
Nhận thùng mì ăn liền ẩm ướt, bà Phan Thị Mỹ Dung đang ở vùng lũ bị cô lập rớm nước mắt: "Đêm 11/11, lũ đã ngập nửa nhà. Ngay lúc nguy khốn đó, lại phải đưa mẹ đi cấp cứu. Khi quay về thì lúa gạo, giống hoa màu đều ngậm nước. Thế là không còn gì để ăn"
Ở xóm Cát có