BDK - Ngày 8-4-1975, các quân đoàn quân giải phóng tiến về áp sát Sài Gòn. Nguyễn Thành Trung nhận lệnh chủ động xuất kích từ sân bay địch, lái máy bay F-5E ném bom Dinh Độc Lập, cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn.
Di tích sự kiện phi công Nguyễn Thành Trung ném bom Dinh Độc Lập còn được lưu giữ, trưng bày tại nóc Dinh Độc Lập, phục vụ cho du khách đến tham quan, tìm hiểu. Ảnh: A. Nguyệt
Nguyễn Thành Trung tên thật là Đinh Khắc Chung, sinh ngày 9-10-1947, tại làng An Khánh, tổng Hòa Quới, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) trong một gia đình có 5 anh em. Sau Hiệp định Genève, Đinh Khắc Chung ở lại miền Nam, vừa đi học, vừa hoạt động công khai. Cha và các anh của ông đều thoát ly tham gia cách mạng, còn ông thì tham gia du kích xã. Năm 1963, cha ông Chung là ông Đinh Văn Dậu (Tư Dậu) - Phó bí thư Huyện ủy Châu Thành trên đường đi công tác bị giặc bắt giết, quăng xác xuống sông. Năm 1965, Đinh Khắc Chung được Ban Binh vận T2 (Khu 8) đổi tên thành Nguyễn Thành Trung và đưa lên Sài Gòn học hết bậc phổ thông, rồi vào học khoa Toán - Lý - Hóa ở Trường Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh).
Năm 1969, sau khi được kết nạp vào Đảng, Nguyễn Thành Trung được Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam bố trí làm cơ sở nội tuyến trong lực lượng không quân Sài Gòn. Sau đó, ông được cử đi huấn luyện hơn một năm ở Nha Trang rồi được đưa đi đào tạo phi công ở Hoa Kỳ. Ông học rất giỏi và được xếp đứng thứ hai trong tổng số 500 học viên của khóa. Năm 1971, hoàn thành khóa học, ông về nước, được giao nhiệm vụ lái máy bay A.37 thuộc Sư đoàn không quân ở Cần Thơ. Năm 1973, ông chuyển sang lái máy bay F.5 thuộc Sư đoàn 3 không quân ngụy tại Biên Hòa.
Hoạt động trong lòng địch, ông đã dũng cảm, mưu trí, tránh được mọi sự nghi ngờ, theo dõi của chúng, giữ vững lập trường, ẩn nhẫn chờ ngày hành động theo lệnh của tổ chức. Ngày 8-4-1975, các quân đoàn quân giải phóng tiến về áp sát Sài Gòn. Nguyễn Thành Trung nhận lệnh chủ động xuất kích từ sân bay địch, lái máy bay F-5E ném bom Dinh Độc Lập, cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn.
Câu chuyện “Ba giờ với người ném bom xuống Dinh Độc Lập” đã được trích đăng ở Báo Sự kiện và nhân chứng. Ông từng chia sẻ, mặc dù kế hoạch và phương án đã được tính toán kỹ lưỡng, nhưng thời điểm hành động đến rất bất ngờ đối với cả bản thân ông. Hôm đó, một phi đoàn được lệnh ném bom ở Phan Thiết. Trong một phi đội, vị trí số 2 vắng mặt, ông đang trực nên được lệnh bổ sung. Phi đội của ông cất cánh cuối cùng và ông quyết định hành động.
Điều ông lo lắng nhất là làm sao tách ra khỏi đội hình mà không bị nghi ngờ, trong khi nguyên tắc bay là vô cùng nghiêm ngặt. Nhưng ông đã tìm thấy kẽ hở. Trong đội hình bay, chỉ có số 1 được quyền đàm thoại, còn các vị trí khác ra hiệu bằng ngón tay để thông báo cho nhau những điều cần thiết. Khi số 1 và số 3 đã nổ máy, ông ra hiệu bằng ngón tay máy bay bị hỏng điện, không thể bay được. Số 1 ra hiệu cho máy bay ông nằm lại, rồi số 1 cất cánh, 5 giây sau số 3 cất cánh. Nhà chòi chỉ huy thấy máy bay ông nằm lại thì tưởng là có trục trặc nhỏ gì đó, có thể xuất phát muộn hơn một chút.
Đúng 10 giây sau, máy bay ông cất cánh, đó là 10 giây quyết định. Ông bay dọc theo TP. Biên Hòa, qua Chợ Lớn rồi đột ngột bay thẳng về phía Dinh Độc Lập. Điều ông lo lắng lúc này không phải là bị chúng săn đuổi trên không, hay bắn từ dưới mặt đất lên mà lo bom lạc rơi vào chợ Sài Gòn.
Lần đầu, ông ném 2 quả bom không trúng mục tiêu, phải quay trở lại ném lần nữa. Lần này thì trúng đích nhưng chỉ có 1 quả nổ. Ông tiếp tục đảo lại lần thứ ba dùng súng bắn vào kho xăng Nhà Bè, rồi lái máy bay đáp xuống an toàn ở đường băng dã chiến sân bay Lộc Ninh (nay thuộc tỉnh Bình Phước) thuộc vùng giải phóng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tiếp theo đó, chiều ngày 28-4-1975, theo lệnh của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Thành Trung dẫn đầu phi đội gồm 5 chiếc A.37 chiến lợi phẩm thu được của địch cất cánh từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) bay vào ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy 20 máy bay địch, rồi hạ cánh an toàn ở sân bay Lộc Ninh.
Sau ngày giải phóng, Nguyễn Thành Trung tiếp tục tham gia công tác trong không quân rồi chuyển qua ngành hàng không làm Phó tổng giám đốc Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Nguyễn Thành Trung là người Việt Nam đầu tiên lái máy bay Boeing 767 và 777. Năm 2004, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Nguyễn Thành Trung được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1994.
Di tích lịch sử Dinh Độc Lập hiện tọa lạc tại Quận 1 - TP. Hồ Chí Minh. Theo tư liệu lịch sử, Dinh Độc Lập là do Tổng thống Việt Nam cộng hòa Ngô Đình Diệm khởi xướng xây dựng vào năm 1962. Trước đó, cũng vị trí hiện tại của dinh là một dinh thự khác do Pháp xây dựng có tên Norodom. Qua nhiều biến cố lịch sử, Dinh Norodom đã thuộc về nơi ở của gia đình Ngô Đình Diệm và được đổi tên thành Dinh Độc Lập.
Sau đó, dinh bị phe đảo chính ném bom làm hư hỏng nặng. Ngô Đình Diệm quyết định cho san bằng dinh thự cũ và xây dựng một dinh thự mới ngay trên phần đất đó. Trong thời gian xây dựng dinh mới, gia đình Ngô Đình Diệm chuyển sang sống tại Dinh Gia Long (hiện nay là Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh) và khi dinh thự mới chưa kịp hoàn thành thì Ngô Đình Diệm bị phe đảo chính giết chết vào ngày 2-11-1963. Cuối tháng 10-1966, Dinh Độc Lập được xây xong và là nơi ở của Tổng thống Đệ nhị Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu (từ tháng 10-1967 đến cuối tháng 4-1975).
Vào lúc 10 giờ 45 phút ngày 30-4-1975, tại đây đã đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam. Bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, vào thời khắc trên, đoàn xe tăng của quân giải phóng đã hất tung cổng tiến thẳng vào dinh. Không còn khả năng kháng cự trước khí thế của quân giải phóng, Tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam cộng hòa là Dương Văn Minh cùng toàn bộ chính quyền Sài Gòn phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã được kéo lên, tung bay phấp phới trên nóc Dinh, đánh dấu sự thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến anh dũng, trường kỳ của dân tộc Việt Nam, thống nhất nước nhà. Ngày nay, Dinh Độc Lập đã trở thành di tích lịch sử, thu hút nhiều lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu suốt nhiều năm qua.
Với hai lần ném bom trên, Nguyễn Thành Trung đã góp phần quan trọng trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn, làm cho nội bộ và chính quyền Trung ương ngụy hoang mang, dao động cực độ, đẩy nhanh quá trình sụp đổ hoàn toàn của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Khoảnh khắc hào hùng ấy đã lùi xa 50 năm nhưng giá trị lịch sử vẫn còn nguyên như vừa mới xảy ra. Sau khi miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, phi công Nguyễn Thành Trung lại tiếp tục lao vào cuộc chiến đấu mới, “chiến đấu” trong lĩnh vực hàng không dân dụng phát triển kinh tế đất nước. Với vai trò là Phó tổng giám đốc hãng Hàng không quốc gia Việt Nam, Đại tá Nguyễn Thành Trung mang những kinh nghiệm của mình để xây dựng đội ngũ phi công Việt Nam ngang tầm quốc tế…