Tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu trong chương trình phổ thông

18/05/2022 - 05:59

BDK - Nguyễn Đình Chiểu là một trong những tác gia tiêu biểu của nền văn học Việt Nam. Tác phẩm của ông được đưa vào dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Các tác phẩm của ông đều mang giá trị đạo đức, đạo lý làm người. Khai thác và phát huy việc giảng dạy văn thơ Nguyễn Đình Chiểu, góp phần bồi dưỡng, phát triển tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ.

Hướng dẫn viên thuyết minh về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu cho khách tham quan.

Hướng dẫn viên thuyết minh về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu cho khách tham quan.

Sức ảnh hưởng lớn

Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) là một nhà thơ, nhà văn hóa cận đại của Việt Nam. Sự nghiệp thơ văn của ông đóng góp to lớn cho nền văn học trung đại Việt Nam ở giai đoạn cuối thế XIX nói riêng, nền văn học nói chung. Trước khi ra đi, ông đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam những tác phẩm nổi bật, mang đậm tư tưởng đạo lý, bản sắc văn hóa dân tộc. Các tác phẩm tiêu biểu như: Dương Từ - Hà Mậu, Lục Vân Tiên, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc…, góp phần tạo nên tên tuổi của ông.

Qua các tác phẩm thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu có thể thấy dưới ngòi bút tài ba của ông, các nhân vật từ chính đến phụ, phản diện hay chính diện đều được ông khắc họa một cách tinh tế, mang những màu sắc rất riêng biệt và đa dạng. Hơn hết các tác phẩm của ông đều truyền đến cho độc giả những giá trị đạo đức, đạo lý làm người trong cuộc sống. Điển hình trong suốt tác phẩm Lục Vân Tiên, các nhân vật chính trực, sống vì nghĩa như: Vân Tiên, Tử Trực, Hớn Minh, Nguyệt Nga, Tiểu Đồng, Ông Ngư, Ông Tiều… dù trải qua hiểm nguy nhưng cuối cùng vẫn sống an yên, hạnh phúc, kết thúc tốt đẹp. Ngược lại, chà đạp lên đạo làm người, sống bất nghĩa như: Trịnh Hâm, Võ Công, mẹ con Thể Loan, Bùi Kiệm… thì nhận hậu quả như chính mình gây ra.

Ths. Mai Thị Châu Pha - giáo viên Trường THPT Chuyên Bến Tre chia sẻ: “Thơ văn của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu giáo dục con người bằng sự rạch ròi, đen trắng phân minh, rõ ràng nên dễ đi vào lòng người. Trang thơ Đồ Chiểu mang đậm đạo nghĩa, thấy hình ảnh con người Nam Bộ sáng ngời nhân nghĩa thì ý xấu sẽ bị ngăn chặn, lòng thiện tràn đầy. Lục Vân Tiên nói riêng, thơ văn Đồ Chiểu nói chung, góp phần hình thành tư tưởng, tình cảm và nhân cách của con người. Đạo lý nhân nghĩa trong sáng tác của Đồ Chiểu là bài học làm người, giúp học sinh học tập, rèn luyện đạo đức và hoàn thiện bản thân, sống tình nghĩa hơn, nhân văn hơn”.

Theo cô Mai Thị Châu Pha, tác phẩm Lục Vân Tiên và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là hai tác phẩm tiêu biểu cho thơ văn Nguyễn Đình Chiểu có sức ảnh hưởng sâu sắc đến hình thành nhân cách, lối sống, đạo đức của học sinh, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay. Hiểu rõ sức ảnh hưởng của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu từ trường phổ thông hiện nay là yếu tố cần thiết giúp phát huy được giá trị mà tác phẩm đem lại, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện trong nhà trường.

Theo Ths. Phạm Thị Diễm Phương - giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ (Châu Thành), qua những tác phẩm thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu giáo dục cho học sinh về tinh thần yêu nước, lòng biết ơn về những hy sinh mà cha ông các em đã từng trải qua để giành lại sự yên bình, hạnh phúc cho các thế hệ mai sau. Họ đã đánh đổi máu xương trong từng con sông, từng tấc đất. “Từ những giá trị to lớn của tác phẩm thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu, tôi dạy học sinh sự biết ơn và phải yêu quê hương, quyết tâm gìn giữ, bảo vệ, phát triển để Bến Tre nói riêng và Việt Nam nói chung luôn phồn thịnh, thái bình”, Ths. Phạm Thị Diễm Phương cho hay.

Mang lại giá trị giáo dục

Tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu đang được giảng dạy trong nhà trường rất bổ ích. Đó là những áng văn thấm đượm tinh thần yêu nước, tình yêu con người, làm nên sức ảnh hưởng sâu sắc mọi thế hệ. Em Trịnh Gia Huy - sinh viên Khoa Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Đồng Tháp cũng là người con quê hương Ba Tri bày tỏ niềm tự hào và vinh dự khi được sinh ra và lớn lên nơi nhà thơ, nhà văn Nguyễn Đình Chiểu có hơn 20 năm cuối đời gắn bó, sinh sống. “Bài học lớn nhất em học được ở Nguyễn Đình Chiểu là tinh thần yêu nước, lễ nghĩa. Là nhà giáo tương lai, em ra sức học tập, trau dồi nhiều hơn để đủ kiến thức truyền đạt lời văn, ý thơ của Cụ. Qua đó, lan tỏa tinh thần, văn hóa của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đến với mọi người, nhất là thế hệ trẻ”, Gia Huy cho biết.

Tham gia hội thảo khoa học Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và tinh thần yêu nước từ văn hóa phương Nam do Trường Đại học Đồng Tháp, Viện Trí Việt, Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre vừa tổ chức tại Đồng Tháp, PGS. TS. Đặng Quốc Bảo - Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Trí Việt có bài tham luận về vấn đề giáo dục thế hệ trẻ noi gương cụ Đồ Chiểu và ý chí bảo vệ cương vực (bờ cõi, quốc thổ, quốc cảnh - PV) đất nước. PGS.TS Đặng Quốc Bảo chia sẻ: Nhà trường là pháo đài tạo nên sức mạnh mềm bảo vệ cương vực, đất nước. Bảo vệ cương vực, đất nước cần có sức mạnh của quốc phòng, các binh chủng chính quy, các vũ khí hiện đại. Song quyện vào sức mạnh này là các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nhân tố này tạo nên sức mạnh mềm có giá trị lớn lao hỗ trợ cho sức mạnh của quốc phòng -  an ninh.

Theo PGS.TS. Đặng Quốc Bảo, có nhà chính trị đã khẳng định: “Giáo dục là an ninh quốc gia. Mỗi nhà trường là một pháo đài mềm bảo vệ Tổ quốc”. Những bài học mỗi ngày tại nhà trường qua các bậc học, từ bậc thấp đến bậc cao phối hợp, bổ sung cho nhau, bồi dưỡng thế hệ trẻ tình yêu quê hương đất nước, ý chí giữ vững cương vực đất nước, làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù. Kiến thức của bốn lĩnh vực “Quốc văn - Quốc ngữ - Quốc sử - Quốc địa” khi quyện được vào nhau truyền tới thế hệ trẻ là hành trang quý báu giúp họ vào đời thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Sự dân nguyện tận hiếu/ Sự quốc nguyện tận trung”.

“Những điểm sáng từ thực tiễn mà lúc này nếu người quản lý giáo dục, quản lý nhà trường biết cầu thị sâu sắc sẽ tìm ra cách phát huy để các nhà trường thu được hiệu ứng mạnh mẽ trong sự phát triển nhân cách cho thế hệ trẻ”, PGS. TS. Đặng Quốc Bảo đánh giá.

Chia sẻ kinh nghiệm dạy học ở Sơn Tây, PGS.TS. Đặng Quốc Bảo cho biết, trong các ngày nghỉ, các nhà trường THPT luân phiên nhau đưa thầy trò đến thăm nhà Thám hoa Giang Văn Minh ở làng Mông Phụ, xã Đường Lâm. Tại đây, thầy trò được nghe hậu duệ dòng họ Giang kể lại câu chuyện của nhà ngoại giao tài ba Giang Văn Minh đã đàm phán xóa được nợ Liễu Thăng và sự đối đáp dũng cảm của ông trước triều đình Trung Quốc. “Những buổi điền dã này thực chất là các buổi học ngoại khóa hữu ích để thế hệ trẻ thấm sâu lời nhắn nhủ của ông cha. Họ được bồi dưỡng ý chí học tập, làm việc, sẵn sàng tạo nên những “cơn nộ vũ” của phương Nam. Nếu kẻ thù có dã tâm xâm lược nhưng tâm hồn họ luôn luôn hướng đến các áng mây lành chứa đựng tinh thần nhân văn hữu nghị”, PGS.TS. Đặng Quốc Bảo nêu.

Hiện nay, việc dạy học tác phẩm văn học Nguyễn Đình Chiểu trong trường phổ thông tại Bến Tre có điểm chung với cả nước. Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là một trong 6 tác phẩm văn học (Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Tuyên ngôn độc lập) chọn giảng dạy bắt buộc. Các cơ sở giáo dục trong tỉnh triển khai và vẫn tiếp tục kế thừa nội dung giảng dạy môn Ngữ văn trước đây - dạy học không chỉ dạy chữ mà còn dạy người. Các trường xây dựng các hoạt động giáo dục trải nghiệm gắn với các hoạt động văn hóa tại địa phương như: Nói thơ Vân Tiên, tham quan Khu di tích Nguyễn Đình Chiểu… để nội dung tác phẩm văn học của Nguyễn Đình Chiểu trong nhà trường thấm sâu hơn trong nhận thức của học sinh.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích