Tết Đoan Ngọ nói chuyện mắm còng

27/05/2009 - 10:55

Tôi mãi luyến tiếc món mắm còng. Bây giờ, đến mùa còng lột (dịp mùng 5 tháng 5 âm lịch), khó mà tìm ra món đặc sản ấy bày bán ngoài chợ. Có chăng, món mắm còng bây giờ là của những bà mẹ quê, đã chuẩn bị trước, làm dăm ba keo để đãi khách quí hoặc tặng người thân trong dịp này.

Ở ba vùng nước ngọt, lợ và mặn tại các tỉnh ven biển ĐBSCL đều có còng, nhưng  “thánh địa’’ của chúng thuộc vùng nước lợ. Ở đó, nhiều nhất phải kể đến còng quều, thứ đến là còng lửa; còn nơi sát biển thuộc lãnh địa của còng gió (có nơi gọi là còng nhịp).

Cũng là con vật bò ngang với 8 chân, 2 càng như cua, ba khía, nha, rạm…nhưng đều ngộ nghĩnh ở họ nhà còng là hàng năm chúng chỉ lột vỏ vào thời điểm Tết Đoan Ngọ. Ở vùng sông, biển ĐBSCL, hàng năm, khi mùa mưa trở lại và đúng dịp mùng 5 tháng 5, còng sẽ kéo nhau về bên các mương, rạch để lột vỏ, đông như ngày hội. Những bà mẹ quê chỉ làm động tác nhẹ nhàng: xắn ống quần, rồi xách thùng thiếc ra đó mà hốt chúng về. Còng lột vỏ đem rửa sạch, sau đó xếp chúng thành từng lớp trong keo, hũ, rồi rưới rượu trắng vào cho thấm tất cả, kế đến giằng lại và để yên không động đậy chừng một tuần lễ. Đến ngày thứ 7, chắt nước rượu ấy ra và thay vào đó là phần nước đường đã nấu chín, cùng với thính (đậu nành rang vàng hoặc gạo rang rồi đâm nhuyễn) rắc đều làm cho mắm còng thơm lừng, trở nên món “độc nhất vô nhị”. Khi ăn, mắm còng được trộn thêm với khóm, tỏi, ớt, ăn cặp thêm với rau sống, chuối chát.

Ở vùng quê Bến Tre, trước đây, vùng Châu Bình (Giồng Trôm), miệt Mỹ Hưng, Mỹ An, An Thạnh, An Qui…(Thạnh Phú)…còng nhiều vô số kể. Hồi đó, vào dịp mùng 5 tháng 5, thường thấy mắm còng đựng trong những chiếc keo, hũ sành bày bán nhan nhản ở các chợ. Thế còn bây giờ? Anh Tư Lý, một nông dân ở ấp 5 (An Thạnh-Thạnh Phú) bật cười rồi vỗ vai tôi nói: “ Hết rồi ông anh ơi ! Bây giờ, còng đâu có thời gian mà lột nữa. Còng mới nhỏ nhỏ là đã không thể thoát khỏi tay bầy trẻ bắt cho tôm, cua, vịt…xơi tái. Vịt đẻ ăn mồi còng bảo đảm tròng đỏ của trứng có màu đỏ quạch – màu của loại trứng vịt có chất lượng cao, nhiều đạm tố, bởi thịt còng rất giàu dinh dưỡng. Nuôi tôm quảng canh cũng thế. Tôm rất khoái mồi còng (bầm nhuyễn ra)…”

Cảnh đi bắt còng diễn ra hết sức sinh động nhưng chỉ có thể bắt gặp lúc đêm về, khi con nước đã ròng sát trên sông rạch, bãi bồi. Trên con đường làng từ An Thuận dẫn ra xã An Thạnh (Thạnh Phú),  lúc trời chập choạng tối, đã xuất hiện những dòng người nối nhau đi…bắt còng. Nam nữ thanh niên, trẻ nhỏ đều có. Trên tay mỗi người xách theo một bình ắc-quy loại nhỏ, trên đầu, gắn ngay giữa trán là một bóng đèn pin 6 volt hoặc 12 volt; tay còn lại xách chiếc thùng với ít cành lá vừa bẻ vội bên đường bỏ vào đó. Tại đây cũng rộ nở những “dịch vụ” ăn theo, đó là những điểm nhận giữ xe đạp cho người đi bắt còng từ xa đến. Cứ đi bắt, bao lâu cũng được, giá 2.000 đ/chiếc. Tại một điểm “giữ xe”, tôi đếm, có hơn hai chục chiếc xe đạp của những người đi bắt còng. Anh nông dân chủ nhà vốn lam lũ với ruộng đồng, tối nay, trông anh vui hẳn với công việc giữ xe đạp cho “khách bắt còng”.

Nhưng với người đi bắt còng bằng ghe xem ra thú vị hơn. Cả thảy gồm đôi ba chục thôn nữ, hùn tiền nhau mướn một chiếc ghe máy để…hành quân xa, ba bốn bữa mới về. Trên ghe nào gạo, muối, nước mắm, lỉnh kỉnh nồi niêu xoong chảo.

Anh Tư Lý lại vỗ vai tôi, lần này, cái vỗ mạnh hơn trước: “Thôi thì mất cái này mà được cái kia…”. Thì ra trong sức mạnh hái ra ngoại tệ của các chú tôm, cua, trứng vịt xuất khẩu…, là động lực làm thay đổi bộ mặt những vùng quê biển, cũng có sự góp phần không nhỏ của loài còng. Hóa ra còng không chỉ mang những dấu ấn của tuổi thơ vùng sông biển, của kỷ niệm về những vùng quê nghèo khó.

Bài, ảnh: PHAN LỮ HOÀNG HÀ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN