Thi đua “Đồng khởi mới”, “Đồng khởi khởi nghiệp” bắt đầu từ trong hệ thống chính trị các cấp

06/07/2016 - 07:08

Thanh niên tìm hiểu thông tin liên quan đến chương trình khởi nghiệp. Ảnh: Song Lý

Chủ trương về đẩy mạnh thi đua “Đồng khởi (ĐK) mới”, “Đồng khởi khởi nghiệp (ĐKKN) làm giàu, thoát nghèo”, “ĐKKN và phát triển doanh nghiệp” là những chủ trương lớn của Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, là điểm nhấn trong cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh.

Như chúng ta đã biết và tự hào, cách đây 56 năm với khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, với tinh thần “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”; Đảng bộ Bến Tre lúc bấy giờ, chỉ còn 162 đảng viên đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh quật cường, đồng lòng, đồng bộ và đồng loạt vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền, làm nên cuộc ĐK “long trời lở đất”. ĐK - đó là sự sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre trong thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương. Đó là thắng lợi của ý Đảng - lòng dân. Hiện nay, Tỉnh ủy chủ trương đẩy mạnh thi đua “ĐK mới”, “ĐKKN làm giàu, thoát nghèo”, “ĐKKN và phát triển doanh nghiệp” với quyết tâm đưa Bến Tre thoát khỏi tụt hậu xa hơn và nâng mức sống của người dân Bến Tre ngang bằng với mức sống bình quân của các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long - đó là mục tiêu của nhiệm kỳ Đại hội X Đảng bộ tỉnh. Nhưng để có thể thực hiện thắng lợi phong trào thi đua “ĐK mới”, “ĐKKN làm giàu, thoát nghèo”, “ĐKKN và phát triển doanh nghiệp” đòi hỏi phải có sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động với tinh thần đồng lòng, đồng bộ, đồng loạt tiến công, tiến công liên tục, không ngại khó, không ngại khổ, không sợ hy sinh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân như cuộc ĐK 1960. 162 đảng viên cộng sản lúc bấy giờ đã thể hiện rõ tinh thần một lòng vì Đảng, vì Dân, nhận rõ trách nhiệm của mình trước Đảng, trước Nhân dân, gắn bó với Nhân dân, tin tưởng và yêu thương, động viên Nhân dân đoàn kết vùng lên làm cách mạng tự giải phóng cho mình.

Chúng ta nhận thức rằng thi đua “ĐK mới” là đẩy mạnh phong trào thi đua một cách toàn diện, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; “ĐKKN làm giàu, thoát nghèo” đây thật sự là cuộc cách mạng trong tư duy, trong cách nghĩ, cách làm, biết nghĩ, biết làm và làm có trách nhiệm, có hiệu quả. Vì vậy, ý nghĩa của việc phát động phong trào thi đua “ĐK mới” và “ĐKKN làm giàu, thoát nghèo” với tư tưởng chỉ đạo là phát huy mạnh mẽ tinh thần ĐK năm 1960 nhằm khơi dậy và hun đúc ý chí, khát vọng vươn lên, tạo nên một phong trào thi đua rộng mạnh trong các ngành, các cấp, trên tất cả các lĩnh vực, quyết tâm vươn lên làm giàu, thoát nghèo trong nhân dân. Một điều rất quan trọng và là mong muốn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là thúc đẩy và xây dựng ý chí, tư tưởng tiến công, năng động, sáng tạo, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong thực hiện chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy đối với chức trách, nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào sự thật và theo đánh giá chung thì phong trào thi đua “ĐK mới” thời gian qua “phát” thì nhiều, còn “động” thì ít, nghĩa là “ĐK mới” chưa lan tỏa khắp mọi cấp, mọi ngành, mọi nhà, mọi người. “ĐK 1960 là vừa chạy, vừa xếp hàng, vừa mặc áo, chứ không phải đủng đỉnh như bây giờ” - một đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh nói. Năm 1960 chỉ có 162 đảng viên mà lãnh đạo nhân dân làm nên cuộc ĐK “long trời lở đất” làm cho kẻ thù khiếp sợ; ngày nay hơn 50 ngàn đảng viên, 70 vạn đoàn viên, hội viên không lẽ không tuyên truyền, khơi dậy tinh thần “ĐK mới” cho hơn 1,2 triệu dân? Đây là câu hỏi dành cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tự trả lời trước Đảng, trước dân. Nguyên nhân vì sao “ĐK mới” “phát” thì nhiều, “động” thì ít được các cấp, các ngành và nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh cho rằng đó là do một bộ phận cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, có cả người đứng đầu và lãnh đạo quản lý các cấp chưa chủ động, tích cực, chưa tiến công, còn thụ động, trông chờ, thỏa mãn, ngại khó, tinh thần trách nhiệm không cao trong công việc, còn vô cảm với công việc mà mình đang phụ trách… 

Bác Hồ nói: đảng viên đi trước, làng nước theo sau; đảng viên không tích cực, đoàn viên, hội viên không tích cực tuyên truyền, vận động, không đi trước thì dân biết đường nào mà theo và đó là nguyên nhân trực tiếp đã ảnh hưởng đến việc chủ trương, nghị quyết của Đảng chậm đi vào cuộc sống. Cho nên, để tích cực đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Tỉnh ủy đi vào cuộc sống một cách thiết thực, đặc biệt là thi đua “ĐK mới” “ĐKKN làm giàu, thoát nghèo”, “ĐKKN và phát triển doanh nghiệp”, một đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh cho rằng, trước hết cần giải quyết tốt vấn đề tư tưởng như đã nêu trên trong hệ thống chính trị các cấp. Đó là các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan cần quan tâm lãnh đạo và thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng ngay tại đơn vị, địa phương mình phụ trách; trọng tâm là khắc phục cho được tư tưởng thụ động, trông chờ, ngại khó, địa vị, thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa hết lòng vì Đảng, vì Dân, vì công việc; xây dựng cho được tư tưởng tiến công và tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp; nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần và thái độ đối với công việc, phấn đấu vươn lên trong công việc và hết lòng phục vụ nhân dân, nhằm kiến tạo một môi trường đầu tư, kinh doanh khởi nghiệp thuận lợi, thông thoáng, thân thiện trước nhất để thu hút và tạo sự an tâm của người dân và doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh. Không thể chấp nhận một thực trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”- nghĩa là chủ trương của Tỉnh ủy phát động mọi người dân, doanh nghiệp khởi nghiệp mà họ luôn gặp phải sự thờ ơ, vô cảm, gây khó khăn, cản trở của những người thực thi công vụ trong bộ máy hành chính… Bên cạnh đó, MTTQ và các đoàn thể cần quan tâm lãnh đạo và thực hiện tốt công tác tuyên truyền làm cho mỗi đảng viên, đoàn viên, hội viên, mỗi người dân đều biết đến phong trào thi đua “ĐK mới”, “ĐKKN làm giàu, thoát nghèo”, “ĐKKN và phát triển doanh nghiệp”; phải tạo nên một mặt trận truyền thông rộng rãi, tầng tầng, lớp lớp; tác động liên tục đến nhận thức, tình cảm và hành động của mọi người; khơi dậy cho được ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu của mọi người dân; khơi dậy và kích thích ý tưởng, sinh kế để làm giàu, thoát nghèo trong từng đoàn viên, hội viên, từng hộ gia đình, từng khu phố, xóm, ấp… tạo thành một phong trào thi đua “ĐK mới”, tạo thành làn sóng khởi nghiệp rộng mạnh trong toàn địa bàn tỉnh.

Tinh thần chung là với hơn 50 ngàn đảng viên và trên 70 vạn đoàn viên, hội viên các đoàn thể là phải đi đầu, tích cực tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, xây dựng được tư tưởng chủ động tích cực trong cán bộ, đảng viên và người dân. Để đi đâu cũng nghe bàn về xây dựng tư tưởng tiến công, bàn về thi đua “ĐK mới”, bàn về “ĐKKN làm giàu, thoát nghèo”, bàn về “ĐKKN và phát triển doanh nghiệp” và phải tích cực hành động bằng những việc làm cụ thể, như vậy là mới phát huy đúng tinh thần ĐK năm 1960 - làm sao để cơ quan nào, chi bộ nào cũng bàn, xã, ấp, tổ NDTQ, từng hộ gia đình và người dân nào cũng bàn và tích cực tham gia thực hiện thi đua “ĐK mới” quyết vươn lên thoát nghèo, làm giàu để cùng góp sức xây dựng xóm ấp, quê hương phát triển. Có như thế thì chủ trương, nghị quyết Đảng mới đi vào cuộc sống một cách sinh động.

Cao Quang

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN