BDK.VN - Sáng 18-2-2025, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội, Nghị quyết về số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.
Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày dự thảo nghị quyết.
Theo Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội bao gồm: Hội đồng Dân tộc; Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; Ủy ban Kinh tế và Tài chính; Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; Ủy ban Văn hóa và Xã hội; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Công tác đại biểu; Ủy ban Dân nguyện và Giám sát.
So với quy định của pháp luật hiện hành, Luật quy định theo hướng kết thúc hoạt động của Ủy ban Đối ngoại, chuyển nhiệm vụ về Ủy ban Quốc phòng, An Ninh, Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao; đổi tên Ủy ban Quốc phòng và An Ninh thành Ủy ban Quốc phòng, An Ninh và Đối ngoại. Sáp nhập Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp thành Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, Ngân sách thành Ủy ban Kinh tế và Tài chính; Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thành Ủy ban Văn hóa và Xã hội. Đổi tên và nâng cấp 2 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Ban Dân nguyện thành Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội; Ban Công tác đại biểu thành Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội.
Theo nghị quyết về số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV là 19 người, gồm: Chủ tịch Quốc hội; 6 Phó chủ tịch Quốc hội và 12 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó bí thư Đảng ủy Quốc hội chuyên trách, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kính tế và Tài chính, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Dân nguyên và Giám sát.
Đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp.
Trên cơ sở Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của các cơ quan của Quốc hội (bao gồm cả đơn vị chuyên môn giúp việc), bảo đảm phân định rõ phạm vi, lĩnh vực phụ trách và bao quát toàn bộ các nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan theo quy định hiện hành.
Các Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua. Đồng thời, Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội đưa ra quy định chuyển tiếp, theo đó Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Đối ngoại được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14 tiếp tục hoạt động cho đến khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của các cơ quan của Quốc hội theo quy định tại Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội có hiệu lực thi hành.
Các cơ quan quy định tại Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội này chính thức hoạt động kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của các cơ quan đó có hiệu lực thi hành. Các cơ quan quy định tại Nghị quyết này và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan tổ chức thực hiện việc chuyển giao và tiếp nhận tài sản, hồ sơ tài liệu và các công việc đang triển khai thực hiện tương ứng với nhiệm vụ, quyền hạn và lĩnh vực được phân công phụ trách.