Đề nghị dự thảo Nghị quyết của Quốc hội khi được thông qua phải có hiệu lực thi hành ngay

17/02/2025 - 10:36

BDK.VN - Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại Tổ đối với dự thảo Nghị quyết (NQ) của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (dự thảo NQ).

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre điều hành phiên thảo luận Tổ 9.

Tham gia thảo luận tại Tổ 9, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn, các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung chủ yếu. Tham gia phát biểu về các nội dung dự thảo NQ của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre cho rằng việc chuẩn bị hồ sơ dự thảo NQ cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, việc gửi hồ sơ trình Quốc hội rất gấp, theo Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, ngày 15-2-2025, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ về nội dung này nhưng đến tối ngày 13-2-2025, Chính phủ mới có hồ sơ trình Quốc hội gây khó khăn cho quá trình thẩm tra, xem xét, cho ý kiến của Quốc hội.

Về sự cần thiết ban hành NQ: Đây là NQ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được đánh giá rất cao và tạo ra một sự hứng khởi trong toàn xã hội, nhất là đối với các nhà khoa học vì đã đề cập đến một vấn đề rất quan trọng, rất thiết yếu của đời sống xã hội, đó là vấn đề khoa học, công nghệ và chuyển đổi số (CĐS).

Hiện nay, dữ liệu, nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ của nước ta chưa bắt kịp tốc độ chuyển động và đổi mới của công nghiệp số và CĐS trên thế giới, thiếu tính đồng bộ. Các tập đoàn công nghệ số nước ta như: Viettel, VNPT hay FPT cũng nắm bắt nhanh xu hướng, đầu tư và cũng đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ số từ rất sớm nhưng Chính phủ chưa có chính sách đột phá để thúc đẩy nên Quốc hội ban hành NQ thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là việc làm rất cấp bách, cần khẩn trương để đưa NQ số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia (gọi tắt là NQ 57-NQ/TW) nhằm giải phóng, khơi thông mọi nguồn lực hiện thực hóa ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia.

Dự thảo NQ của Quốc hội không thể giải quyết được hết những vấn đề mà NQ 57-NQ/TW đặt ra nhưng việc Quốc hội ban hành NQ có ý nghĩa quan trọng nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn đang tồn tại. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu dự thảo NQ, đại biểu cho rằng dự thảo chưa toát lên được những chính sách mang tính đột phá theo tinh thần NQ 57-NQ/TW, nội dung thiếu tính chặt chẽ, đồng bộ chưa cao.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát lại bố cục, sắp xếp và lựa chọn đưa vào dự thảo NQ các chính sách thật sự đột phá hơn; chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, loại bỏ những quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Về tên gọi của dự thảo NQ: Đại biểu cho rằng, tên gọi chưa thể hiện được tính đột phá của chính sách, trong khi dự thảo NQ lấy NQ 57-NQ/TW về “đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia” làm căn cứ pháp lý và cơ sở lý luận thì tên dự thảo chỉ giới hạn ở việc “thí điểm các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và CĐS quốc gia” là chưa tương xứng với “tính đột phá” của NQ 57-NQ/TW.

Thực chất, cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn chỉ là giải pháp để thực hiện các chính sách đột phá, việc xác định tên dự thảo NQ chưa tương xứng với NQ 57-NQ/TW, kéo theo các nội dung về chính sách trong dự thảo NQ còn vụn vặt. Đại biểu đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa tên gọi của dự thảo NQ để thể hiện rõ hơn cơ chế, chính sách có tính chất đột phá, đặc thù, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia, bám sát tinh thần của NQ 57-NQ/TW.

        Bố cục của dự thảo NQ chưa làm toát lên được tính logic của các chính sách đột phá cần thúc đẩy khoa học, công nghệ và CĐS. Do đó, đại biểu đề nghị trong nội dung NQ phải bố cục lại theo hướng liệt kê những chính sách thật sự đột phá theo lĩnh vực, theo đó là các cơ chế đột phá cho từng lĩnh vực và những những giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Những vấn đề nào pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa đủ thì cần bổ sung để thí điểm, những vấn đề nào đã được quy định nhưng chưa phù hợp thực tiễn, chưa đồng bộ trong hệ thống pháp luật hoặc chính sách chưa đủ mạnh để thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS hoặc còn vướng mắc thì đề nghị tháo gỡ...

Góp ý về các chính sách cụ thể, đại biểu cho rằng dự thảo NQ chưa quy định được chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa chú trọng đến thu hút đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành, có kinh nghiệm trong nước và nước ngoài, chưa tạo được tính tự chủ và môi trường làm việc, sáng tạo của các nhà khoa học sau khi được thu hút. Cơ chế hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ công lập còn kiềm hãm tính sáng tạo và chủ động của người đứng đầu tổ chức nên đại biểu đề nghị cần xem xét lại, có quy định cơ chế, chính sách phù hợp hơn để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia trong thời gian tới.

Về hạ tầng khoa học, công nghệ và CĐS, theo đại biểu, hiện nay đầu tư hạ tầng khoa học và công nghệ còn dàn trãi, có nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia nhưng việc khai thác các phòng thí nghiệm này chưa được hiệu quả, còn lãng phí. Trong khi hạ tầng công nghệ số chủ yếu do doanh nghiệp tự đầu tư, thiếu sự thúc đẩy, quan tâm đầu tư như hạ tầng giao thông. Chính vì việc đầu tư hạ tầng công nghệ số phụ thuộc vào nguồn vốn ngoài ngân sách nên tốc độ đầu tư hạ tầng số còn chậm, doanh nghiệp chỉ tập trung ở những vùng và lĩnh vực có dịch vụ hấp dẫn, thiếu quan tâm đến vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đại biểu đề nghị có chính sách và giải pháp để khai thác triệt để hạ tầng khoa học và công nghệ, công nghệ số.

   Về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, theo đại biểu cho rằng chính sách này cũng cần thiết nhưng đề nghị làm rõ cơ quan nào quyết định cho tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho nhà nước. Cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế và các quy định tương tự trong Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Đại biểu đề nghị nếu có quy định chính sách này cũng nên giới hạn phạm vi áp dụng ở một số lĩnh vực nghiên cứu có nguy cơ rủi ro cao nhưng chưa có cơ chế thử nghiệm và phải có cơ chế giám sát, có quy trình rõ ràng để đảm bảo không lạm dụng chính sách.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cũng đề nghị cân nhắc việc quy định chính sách cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua Quỹ phát triển khoa học công nghệ vì có thể làm cồng kềnh bộ máy mà chưa chắc giải quyết được vấn đề rút ngắn thủ tục đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ. Thay vì cấp Quỹ có thể rà soát rút ngắn một số quy trình thủ tục hoặc đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước để đảm bảo đặc thù cho cấp, phân bổ kinh phí cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ giúp rút ngắn thời gian và phù hợp với tinh thần của NQ 57-NQ/TW hơn.

Về ưu đãi thuế cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, theo đại biểu ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân cũng hấp dẫn đối với doanh nghiệp nhưng vướng mắc chủ yếu và làm nản chí đối với nhà khoa học và doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ chính là thủ tục để hưởng ưu đãi thuế nên ngoài việc quy định về ưu đãi thuế, cần rà soát, bổ sung chính sách đơn giản hóa hình thức hoặc thủ tục hành chính để được hưởng ưu đãi về thuế. Đồng thời, cần rà soát, bổ sung các chính sách để giúp thu hút doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua việc trích lập, sử dụng và hạch toán kế toán đối với Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Về chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp phát triển nhanh hạ tầng 5G, đại biểu cho rằng hiện nay, nhà nước chỉ đầu tư cho hạ tầng giao thông nhưng đầu tư hạ tầng về công nghệ thông tin, công nghệ số thì chưa được ngân sách quan tâm mà chủ yếu là do doanh nghiệp đầu tư nên rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong thời điểm cần đẩy mạnh và phát triển nhanh hạ tầng số phục vụ CĐS quốc gia. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị làm rõ nội dung hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp tham gia phát triển nhanh hạ tầng mạng 5G vì các doanh nghiệp này có hoạt động kinh doanh, dịch vụ viễn thông nên có thể tự đầu tư; đồng thời, có thể sử dụng từ nguồn của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển thêm hạ tầng 5G ở các địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, đơn vị tỉnh Bến Tre thảo luận tại Tổ 9.

Về chính sách hỗ trợ dự án công nghiệp công nghệ số chiến lược có tính chất đặc biệt, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại chính sách này vì dự thảo NQ chỉ nêu điều kiện thế nào gọi là công nghiệp số chiến lược mà chưa quy định nội dung chính sách khuyến khích là gì.

Bên cạnh đó, vấn đề an ninh đối với các chính sách khuyến khích đầu tư về vệ tinh tầm thấp cũng cần được quan tâm và phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ về an ninh quốc phòng...

Về thời hiệu của NQ, đại biểu đề nghị khi dự thảo NQ được thông qua phải có hiệu lực thi hành ngay, không phải chờ sang năm sau hoặc chờ đến khi Quốc hội thông qua Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Công nghiệp công nghệ số có hiệu lực vì dự thảo NQ thí điểm thì phải có thời hạn thí điểm đến lúc nào kết thúc và mục đích của dự thảo NQ cũng không phải chỉ phục vụ cho việc ban hành 2 Luật này. Đại biểu cho rằng dự thảo NQ nên thí điểm những nội dung mới, còn những nội dung tháo gỡ chính sách thì không cần phải thí điểm.

Tin, ảnh: Hồng Yến 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN