Xây dựng chuỗi giá trị dừa bền vững, bài 2

Tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

19/02/2025 - 05:25

BDK - Cả nước hiện có hơn 850 doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến với 90 sản phẩm và hơn 200 loại thực phẩm có sử dụng nguyên liệu từ cây dừa. Đặc biệt trong số này, nhiều DN đã thực hiện chế biến sâu, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu các sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Sơ chế dừa tươi xuất khẩu tại tỉnh. Ảnh: H. Trung

Thương hiệu “Made in Vietnam”

Cách đây 10 năm, nhận thấy những tiềm năng to lớn của trái dừa, ông Bùi Dương Thuật - Giám đốc Công ty TNHH Trái cây Mekong (Công ty Mekong), huyện Châu Thành đã bắt tay vào xây dựng vùng trồng để tìm cách đưa dừa ra thế giới. Việc hình thành vùng sản xuất liên kết trực tiếp với các nông hộ ở tỉnh không gặp nhiều trở ngại bởi nông dân mình chịu thương, chịu khó, chịu thay đổi để phát triển. Cái khó là đường dài đi xuất khẩu, làm sao để bảo quản được trái dừa giữ nguyên chất lượng trong ít nhất 60 ngày. Trong 3 - 4 năm đầu, đã có hàng loạt container thử nghiệm phải hủy bỏ. Mỗi lần thất bại, một bài học lại được rút ra để đến nay, trái dừa tươi của Công ty Mekong đã bảo quản được trong 90 ngày, tươi ngon đến tay khách hàng.

Bước ra biển lớn, cái khó tiếp theo mà Công ty Mekong phải đối mặt lại chính là dòng chữ “Made in Vietnam” trên mỗi trái dừa. “Thị trường quốc tế lâu nay đã quen với thương hiệu dừa Thái Lan, mình đi sau nên chỉ có thể cạnh tranh bằng chất lượng! Nhiều năm qua, công ty luôn làm việc trực tiếp với nhà vườn, kiểm soát chặt chẽ vùng trồng và cơ sở đóng gói. Tất cả các khâu trong nhà máy đều áp dụng theo đúng tiêu chuẩn mà thị trường quốc tế yêu cầu. Dòng chữ “Made in Vietnam” trên mỗi trái dừa tươi khi ra biển lớn từng là điểm yếu giờ đã trở thành lợi thế thương mại”, ông Bùi Dương Thuật chia sẻ.

Nỗ lực đưa dừa xiêm đi khắp các châu lục của những đơn vị như Công ty Mekong đã góp phần xây dựng, định hình thương hiệu dừa tươi Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đây là mặt hàng cao cấp hiện đang chiếm khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu ngành dừa. Đặc biệt vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam cùng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch, mở ra cơ hội to lớn cho dừa tươi Việt Nam.

Đó là câu chuyện của dừa tươi. Còn dừa khô (đang chiếm phần lớn sản lượng dừa Việt Nam) trong những năm qua cũng đã bước sang trang mới khi ngành công nghiệp chế biến được nâng tầm. Tại tỉnh, hàng loạt DN đã đầu tư nhà máy chế biến sâu như: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty cổ phần Chế biến dừa Á Châu, Công ty cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre (Beinco)…

Gần 40 năm gắn bó với cây dừa, doanh nhân Trần Văn Đức - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Beinco vẫn đau đáu với mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến. Năm 2015, ở tuổi 50, doanh nhân Trần Văn Đức bắt tay vào xây dựng Beinco để phát triển nhà máy chế biến dừa hiện đại ngang tầm thế giới tại tỉnh.

Năm 2017, Beinco ra đời và chỉ một năm sau, dây chuyền sản xuất cơm dừa sấy khô đã đi vào hoạt động. Cho đến nay, hàng loạt dòng sản phẩm mới tiếp tục được ra đời như: nước cốt dừa đóng lon, nước cốt dừa đậm đặc, creamer dừa béo đặc, dầu dừa nguyên chất, sữa dừa uống có thạch dừa, nước dừa có ga… Thị trường xuất khẩu của Beinco hiện đã mở rộng ra hơn 43 quốc gia. Đặc biệt, thương hiệu độc quyền “Delta Coco” của Beinco đã có mặt ở châu Mỹ, châu Âu, Trung Đông… đồng thời đang giao dịch trên sàn thương mại điện tử cả trong nước và nước ngoài.

Phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn

Toàn tỉnh hiện có hơn 200 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ dừa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, như: cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, kẹo dừa, thạch dừa, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, dầu dừa… Các sản phẩm từ dừa của tỉnh đã xuất khẩu sang 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, thị trường xuất khẩu các sản phẩm từ dừa tiếp tục được các DN giữ vững và mở rộng. Xuất khẩu các sản phẩm từ dừa giúp tỉnh thu về hơn 400 triệu USD mỗi năm. Mới đây, dừa tươi Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã mở ra cơ hội cho nông dân trồng dừa tăng thu nhập. Dự kiến, nếu tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu chính ngạch dừa tươi sang Trung Quốc thì có thể đem lại thêm 200 - 300 triệu USD. Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Bộ NN&PTNT Huỳnh Tấn Đạt cho rằng: Việt Nam hiện đang là quốc gia đứng thứ 6 trên thế giới về sản lượng dừa, với khoảng 1,9 triệu tấn mỗi năm. Trong đó, tỉnh Bến Tre đóng góp một phần rất lớn. Việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho dừa tươi Việt Nam là một cơ hội vàng. Với dân số hơn 1,4 tỷ người và nhu cầu nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 10%, Trung Quốc đang là thị trường tiềm năng lớn cho sản phẩm dừa.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ, đến nay đã có 2.799 nhãn hiệu dừa nộp đơn xin cấp quyền sở hữu trí tuệ. Từ các nhãn hiệu riêng của công ty như Cocostar nước dừa Bến Tre, Cocodeli, Coconut Ice Cream kem hình trái dừa, Kifaco Cocosap dừa sáp đặc sản Trà Vinh, CoCoffee cà phê đá dừa, Kingdo bánh quy hương dừa, Hương lúa xóm dừa... Công tác đăng ký nhãn hiệu tập thể cũng được các địa phương rất quan tâm, như: Dừa sáp Cầu Kè Trà Vinh, Việt Nam; Dừa Tam Quan; Dừa xiêm Hoài Ân; Dầu dừa tinh khiết Hoài; Tam Quan - Bánh tráng nước dừa; Vang mật Dừa Bến Tre; Dừa xiêm Ninh Đa...

Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp Bộ NN&PTNT cho biết, ngành dừa hiện có gần 90 sản phẩm các loại và gần 200 sản phẩm thực phẩm có sử dụng nguyên liệu dừa. Tính trên toàn quốc có khoảng 854 DN sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa, giải quyết việc làm cho hơn 15 ngàn lao động. Trong số này, có hơn 90 DN xuất khẩu sản phẩm từ dừa, đặc biệt có 42 DN đã xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu “Made in Vietnam”. Chuỗi giá trị dừa đang hội tụ đầy đủ các thành phần để có thể trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.

Với diện tích khoảng 200 ngàn héc-ta, sản lượng ước đạt 2 triệu tấn/năm, dừa không chỉ là nguồn sinh kế cho hàng trăm ngàn nông hộ, mà còn đang vươn ra thế giới, trở thành sản phẩm xuất khẩu tiềm năng. Một năm sau khi được phê duyệt là cây công nghiệp chủ lực quốc gia, dừa đã chính thức gia nhập câu lạc bộ các sản phẩm xuất khẩu hơn 1 tỷ USD.

“Trước đây, Thái Lan là nhà cung cấp chính các sản phẩm chế biến từ dừa cho thị trường châu Âu và Mỹ. Còn hiện nay, nhiều nhà nhập khẩu ở những thị trường khó tính đang chuyển hướng sang Việt Nam bởi dừa Việt Nam ngon, công nghiệp chế biến đã hiện đại ngang tầm thế giới”.

(Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre Trần Văn Đức)

Thành Châu - Thái Linh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN