Công tác nhân sự được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định

19/02/2025 - 16:32

Sáng 19-2-2025, tại Hà Nội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng đã chủ trì Họp báo về kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng chủ trì họp báo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra

Taị buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, sau 6,5 ngày làm việc (từ ngày 12 đến sáng 19-2-2025) với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp bất thường lần thứ 9 đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với việc xem xét, thông qua 4 luật, 5 nghị quyết và tiến hành công tác nhân sự để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; thông qua 6 Nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án quan trọng.

Cụ thể, Quốc hội thông qua 4 luật, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Quốc hội thông qua 5 nghị quyết, bao gồm: Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội; Nghị quyết về số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV; Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. 

Quốc hội đã bầu ông Vũ Hồng Thanh, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và ông Lê Minh Hoan, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Mai Văn Chính, nguyên Phó Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương và ông Nguyễn Chí Dũng, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, Quốc hội cũng đã bầu 1 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 6 Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm 4 Bộ trưởng nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Bên cạnh đó, Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với một số đồng chí.

"Công tác nhân sự đã được thực hiện chặt chẽ, theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội", ông Vũ Minh Tuấn nêu.

Để đảm bảo công việc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội được thực hiện liên tục, không bị gián đoạn, ngay sau khi Quốc hội ban hành các luật, nghị quyết về sắp xếp, tổ chức bộ máy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp để thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể của các cơ quan của Quốc hội và các Nghị quyết về số lượng và phê chuẩn danh sách thành viên các cơ quan của Quốc hội khóa XV.

Quốc hội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết: về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; các cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Ngoài ra, Quốc hội đã thống nhất thông qua Nghị quyết về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và một số cơ chế, giải pháp cấp bách cần thiết để triển khai dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây mới Trụ sở làm việc cơ quan Chủ tịch nước tại số 2 Lê Thạch, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Giữ nguyên chế độ với các ủy viên là đại biểu Quốc hội chuyên trách 

Trả lời câu hỏi của phóng viên về chế độ, chính sách của đại biểu Quốc hội chuyên trách, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho biết, theo quy định của luật cũ, Thường trực Ủy ban của Quốc hội có 4 chức danh: Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội vừa được thông qua ngày 17-2-2025, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban còn lại 3 chức danh: Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, các ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và hoạt động kiêm nhiệm. 

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng chủ trì họp báo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi họp để phê chuẩn đối với các chức danh nêu trên. Do vậy, số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các Ủy ban vẫn sẽ giữ nguyên và không ảnh hưởng đến hoạt động của các Ủy ban cũng như đại biểu", bà Tạ Thị Yên nói.

Về chế độ, chính sách, quyền lợi, theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31-12-2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bà Tạ Thị Yên cho biết, trước mắt, từ nay đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ được giữ nguyên các chế độ cũng như hệ số phụ cấp chức vụ. Đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI sẽ thực hiện chung, thống nhất trong hệ thống chính trị theo quy định của Đảng và Nhà nước.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Quốc hội thông qua các nghị quyết về việc sắp xếp, tổ chức bộ máy thì các nghị quyết về dự toán ngân sách chi thường xuyên, chi đầu tư đã quyết định của năm 2025 có cần thay đổi không, đại biểu Quốc hội chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phạm Thị Hồng Yến cho biết, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 160/2024/QH15 của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025.
"Thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, nhiều cơ quan, đơn vị cũng đã sáp nhập và giải thể. Do đó, để có thể bảo đảm kinh phí thực hiện cho các cơ quan khi có những sự thay đổi vì nguyên nhân khách quan, việc điều chỉnh các nhiệm vụ thu, chi ngân sách sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật", bà Phạm Thị Hồng Yến nêu.

Theo đó, khoản 2 Điều 52 Luật Ngân sách nhà nước hiện hành quy định: Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh nhiệm vụ thu, chi của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất trong các trường hợp: dự kiến số thu không đạt dự toán được Quốc hội quyết định phải điều chỉnh giảm một số khoản chi; có yêu cầu cấp bách về quốc phòng, an ninh hoặc vì lý do khách quan cần phải điều chỉnh.

Bà Phạm Thị Hồng Yến nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành họp thường xuyên giữa các kỳ họp, do vậy, khi cần điều chỉnh thì vẫn có thể tổ chức thực hiện.

Nguồn: Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN