Tiềm năng nuôi tôm công nghệ cao ở Thới Thuận

19/07/2024 - 05:23

BDK.VN - Thực hiện Kế hoạch số 3004/KH-UBND của UBND tỉnh về phát triển 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao (CNC) trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, huyện Bình Đại đã có kế hoạch phát triển vùng nuôi 2.000ha nuôi tôm ứng dụng CNC, lũy kế đạt 1.751ha trong năm 2024, chủ yếu phát triển tại một số xã có điều kiện thuận lợi như: Thới Thuận, Thạnh Phước, Thừa Đức, Bình Thắng, Đại Hòa Lộc...

Ông Vũ Đình Hiệp nuôi tôm công nghệ cao tại xã Thới Thuận.

Mở rộng vùng nuôi

Theo quy hoạch chung của tỉnh, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại là vùng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, chưa được xếp vào quy hoạch vùng nuôi tôm CNC. Về hiện trạng, tình hình nuôi tôm của người dân trước đây bấp bênh, loại tôm nuôi chủ yếu là nuôi tôm sú, sau đó chuyển qua tôm thẻ chân trắng. Do điều kiện thuận lợi nuôi tôm thẻ chân trắng nên người dân đã và đang tiếp tục mạnh dạn đầu tư theo mô hình nuôi CNC. Hiện toàn xã đã phát triển khoảng 100ha nuôi CNC.

Ông Vũ Đình Hiệp đang đầu tư 14ha nuôi tôm CNC trên địa bàn xã Thới Thuận cho biết, độ mặn ở khu vực này khá cao, phù hợp nuôi tôm CNC. Chi phí nuôi dao động từ 60 - 70 ngàn đồng/kg tôm (size 30 con/kg), do tốc độ tăng trưởng nhanh, việc xử lý nước cũng ít tốn kém nên giúp giảm giá thành bình quân 5 ngàn đồng/kg. Vùng này thuận lợi để nuôi tôm về size lớn khoảng 16 con/kg.

Hướng tới, ông Hiệp sẽ tiếp tục mở rộng vùng nuôi, chú trọng công tác thiết kế ao, xử lý nước thải để đảm bảo nước thải sạch trước khi thải ra môi trường. Cũng theo ông Vũ Đình Hiệp, hộ nuôi có định hướng thêm hơn 20ha nuôi tôm CNC trong thời gian tới và thử nghiệm cải tiến kỹ thuật theo hướng hiệu quả kinh tế nhưng hạ giá thành.

Ông Nguyễn Văn Đâu có 3,5ha nuôi tôm CNC. Trong đó, có 6 ao nuôi (8 ngàn mét vuông, trung bình diện tích nuôi chiếm khoảng 30% tổng diện tích); phần diện tích còn lại dành cho công tác xử lý nước thải. Ông Đâu phấn khởi cho biết, vụ thu hoạch vừa qua, ông thu về lợi nhuận 6,7 tỷ đồng. Bình quân, ông có lợi nhuận gần 2 tỷ đồng/ha.

“So với những năm trước, giá tôm năm nay giảm đáng kể, nhưng nuôi có lời là do nguồn nước sạch, xử lý nước ít, kỹ thuật nuôi có điều chỉnh giảm chi phí. Do đó, giúp giảm giá thành, đem lại lợi nhuận cao hơn…”, ông Đâu chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND xã Thới Thuận Nguyễn Văn Chinh, nuôi tôm ứng dụng CNC yêu cầu “3 có”. Hiện nay về điện, nước cơ bản đáp ứng, nhưng còn hạn chế về giao thông. Ông Nguyễn Văn Chinh cũng đề xuất cấp trên xem xét điều chỉnh quy hoạch, bổ sung vùng nuôi xã Thới Thuận vào quy hoạch nuôi tôm CNC. Qua đó, nhằm huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng phát triển vùng nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa phương.

Bám sát quy hoạch

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Đại, hiện tại, diện tích nuôi tôm CNC toàn huyện đạt 1.731,7/1.751ha, đạt 98,9% so với kế hoạch năm 2024. Riêng tại xã Thới Thuận có điều kiện, tiềm năng phát triển đến 1.000ha nuôi tôm CNC, do điều kiện tự nhiên thuận lợi, gần biển. Do đó, hướng tới, huyện sẽ phối hợp với các ngành và UBND các xã có liên quan tuyên truyền, vận động thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã nuôi tôm ứng dụng CNC. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam hướng dẫn các hộ nuôi xây dựng mô hình nuôi phù hợp với diện tích hiện có, tư vấn quy trình nuôi và kết nối với các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay, các chính sách ưu đãi về lãi suất để hộ nuôi đủ điều kiện tham gia mô hình.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội cho rằng, thời gian qua, ngành đã tập trung rà soát quy hoạch thủy sản để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh. Về kế hoạch phát triển nuôi tôm CNC, hiện toàn tỉnh đã phát triển 3.345ha, đạt khoảng 85% so với kế hoạch.

Định hướng thời gian tới, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội cho rằng, cần bám vào quy hoạch, định hướng vùng nuôi. Tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi tôm CNC tại 3 huyện biển. Ngành phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tiêu thụ tôm, xây dựng các tiêu chuẩn chứng nhận đáp ứng yêu cầu xuất khẩu ổn định, hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành còn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào phát triển nuôi tôm CNC theo hướng hiệu quả, giảm chi phí.

Riêng về các khu vực thuộc quy hoạch nuôi trồng thủy sản nhưng không nằm trong quy hoạch nuôi tôm CNC như địa bàn xã Thới Thuận, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội cho biết, các khu vực này vẫn có thể phát triển nuôi tôm CNC. Hướng tới, nhằm định hướng cũng như có giải pháp đầu tư phát triển vùng này mang lại hiệu quả cao nhất, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh có chỉ đạo, định hướng quy hoạch nuôi tôm CNC. Trước mắt, Chi cục Thủy sản phối hợp với địa phương quan tâm hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn các hộ dân về kỹ thuật nuôi và đảm bảo môi trường.

“Để tiếp tục triển khai thực hiện 2.000ha nuôi tôm ứng dụng CNC trên địa bàn huyện Bình Đại đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, UBND huyện Bình Đại kiến nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện cho các vùng nuôi tôm tập trung theo mô hình ứng dụng CNC của huyện giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu các quy trình công nghệ mới, phù hợp với điều kiện huyện nhà để triển khai và nhân rộng; thu hút đầu tư nhà máy chế biến tôm”.

(Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN